Đầu bếp Việt kể phục vụ bánh cuốn, cà phê cho đoàn khách của tỷ phú Ấn Độ

38
Bên cạnh những món ăn truyền thống theo tín ngưỡng, đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ được tiếp đãi nhiều món ăn Việt như bánh cốm Làng Vòng, bánh cuốn, bún ngan măng, cà phê…

Khách Ấn mê bánh cốm Làng Vòng

Trong ngày đầu tiếp đón 300 khách thuộc đoàn 4.500 nhân viên của một công ty dược phẩm Ấn Độ, khách sạn Movenpick Living West Hanoi đã thiết đãi bánh cốm Làng Vòng.

“Điều bất ngờ là những vị khách này rất thích món ăn mang đậm hương vị Việt Nam”, bà Shamila Rolfe, Tổng quản lý khách sạn, nói.

Theo bà Shamila, bánh cốm Làng Vòng là đặc sản của Hà Nội, cũng là đặc sản của ngôi làng nơi khách sạn tọa lạc. Món ăn này được các đầu bếp Việt giới thiệu đến du khách Ấn Độ.

Ngoài ra, trong các bữa ăn, món tráng miệng chè cốm cũng được đoàn khách thích thú thưởng thức.

Bánh, chè cốm Làng Vòng chinh phục du khách Ấn Độ (Ảnh: Thành Đông).

Để phục vụ đoàn khách, khách sạn đã thuê đầu bếp Ấn Độ phục vụ riêng các món truyền thống Ấn Độ, nhằm mang tới sự thân thuộc và cảm giác thoải mái “như ở nhà” cho du khách.

Cơ sở này kết hợp phục vụ các món ăn đặc trưng của Hà Nội như: Phở bò, bún cá, bún chả… 

“Trải nghiệm ẩm thực được chúng tôi ưu tiên hàng đầu, nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, bà Shamila Rolfe cho hay.

Ông Benjamin M. Schwarz, Tổng quản lý khách sạn Pan Pacific Hanoi, cho biết thực đơn các món ăn Ấn Độ đa dạng cho cả 3 bữa chính. Khách yêu thích những món ăn quen thuộc theo tín ngưỡng, không ăn các loại thực phẩm như: thịt bò, thịt lợn, trứng, các loại củ.

Tất cả nguyên liệu, kể cả rau củ quả, đều phải được nghiền nát và trộn lại. Thức uống chủ yếu là trà masala (loại trà sữa truyền thống của Ấn Độ). 

Đặc biệt, giờ ăn của đoàn thường rất muộn, như bữa trưa từ 13h đến 15h; bữa tối sẽ diễn ra từ 20h đến 22h.

Khách sạn phục vụ những món ăn thuần Ấn Độ, giới thiệu thêm một số món ăn Việt (Ảnh: Khách sạn cung cấp).

Trà truyền thống của Ấn Độ xuất hiện trong thực đơn (Ảnh: Khách sạn cung cấp).

Đoàn có riêng 1-2 đầu bếp Ấn Độ, sử dụng khu bếp riêng để chế biến một số món đặc biệt, với gia vị và thực phẩm riêng nhập khẩu từ Ấn Độ.

Trong đoàn có khoảng 50 khách ăn chay, không dùng thịt, gia cầm, hải sản, cá, trứng, sữa, mật ong. Hai khách theo đạo Jain không ăn các loại củ có rễ. 

“Đội ngũ đầu bếp của chúng tôi sẽ chế biến cùng các đầu bếp Ấn Độ. Ngay từ khi đề xuất thực đơn, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm các món ăn Việt Nam để họ cân nhắc đưa vào các bữa chính.

Đặc biệt, chúng tôi triển khai chương trình buffet chào đón ngày lễ Quốc khánh 2/9 với các món ăn đặc trưng ba miền nhằm quảng bá ẩm thực Việt tới du khách trong thời gian lưu trú”, ông Benjamin cho biết.

Phục vụ bánh cuốn, cà phê cho đoàn khách

Bếp trưởng Lê Toàn Thắng (54 tuổi) của khách sạn Công Đoàn (Quảng Bá, Hà Nội) cho biết đã đưa vào thực đơn 12 món ăn Việt để phục vụ buffet sáng cho đoàn khách Ấn Độ từ ngày 27 đến 31/8.

Những món ăn thuần Việt như bún ngan măng, mì xào, cháo hoa, rau xào, bánh cuốn chả… mang đến những trải nghiệm thích thú cho đoàn khách Ấn Độ.

Khách sạn cũng phục vụ salad, bánh mì bơ mứt, trứng ốp, khoai lang luộc, ngô luộc, cari gà khoai tây, trái cây, bánh ngọt, cà phê, nước trái cây, sữa tươi…

3 món truyền thống Ấn Độ được đầu bếp của đoàn nấu riêng tại nhà hàng chuyên món Ấn, sau đó đưa về khách sạn phục vụ, bao gồm: trà masala, palak paratha, upma – những món ăn sáng phổ biến tại Ấn Độ. 

Ngoài trà, hai món còn lại sẽ được các đầu bếp thay đổi liên tục, mỗi ngày 2 món khác nhau.

Du khách Ấn Độ thử món ăn Việt Nam như mì xào, rau xào…

và cả bánh cuốn (Ảnh: Khách sạn cung cấp).

Bữa sáng cho đoàn khách Ấn Độ sẽ được chuẩn bị từ 6h30. Từ 7h, khách bắt đầu dùng bữa tại nhà hàng của khách sạn.

Đoàn khách không lưu trú tại khách sạn Công Đoàn, mà sau bữa sáng sẽ lần lượt di chuyển đến 11 khách sạn 4-5 sao khác ở Hà Nội, bắt đầu hành trình 5 ngày 4 đêm. 

Trước đó, ông Thắng đã nghiên cứu ẩm thực Ấn Độ và thói quen ăn uống của đoàn khách. Bếp trưởng bất ngờ khi du khách thích thú trải nghiệm món ăn Việt do ông chế biến.

“Đây là lần đầu tôi phục vụ đoàn khách Ấn Độ đông như vậy. Họ rất thích bánh cuốn, cà phê, thử mỗi món một ít, hạn chế các món nước. Tôi hi vọng hương vị Việt Nam sẽ chinh phục được khẩu vị nổi tiếng khó tính của người Ấn”, ông Thắng nói.

Khách Ấn Độ vốn được coi là thị trường “khó phục vụ”, nhất là về vấn đề ăn uống (Ảnh: Khách sạn cung cấp).

Trong ngày đầu đến Hà Nội, Sahil Sood đến từ thành phố Sri Ganganagar (Ấn Độ), cho hay muốn trải nghiệm đồ ăn Việt Nam, đặc biệt là cà phê.

“Khi ở Ấn Độ, tôi đã biết đến và yêu thích cà phê của Việt Nam”, anh nói.

Nam du khách cho biết, với người Ấn Độ nói chung, Việt Nam “là điểm du lịch nổi tiếng mà ai cũng muốn đến”. Tiểu bang nơi Sahil sinh sống vốn là vùng hoang mạc, nên anh rất muốn khám phá biển, ngắm nhìn vịnh Hạ Long.