Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) cho biết đã đang khuyến cáo, hướng dẫn người dân và du khách ứng xử khi tiếp xúc với các đàn khỉ vàng quanh đảo Cù Lao Chàm.
Cù Lao Chàm đau đầu vì khỉ quá đông
Theo thông tin, khỉ vàng ở Cù Lao Chàm được xếp vào nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm 2B.
Trong hai năm trở lại đây, các đàn khỉ trên đảo tràn xuống các khu dân cư để tìm kiếm thức ăn. Khỉ đi tới đâu đều quấy phá, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Để hạn chế các tiêu cực phát sinh, mới đây Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) nghiên cứu thực địa.
Kết quả hiện có khoảng 200 con khỉ vàng ở đảo Cù Lao Chàm. Các đàn khỉ có đặc điểm di chuyển và phân bố khác nhau.
Một số đàn thường xuyên ở xung quanh nhà người dân, trong khi một số đàn khác thường chỉ xuống khu vực dân cư vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối để tìm kiếm thức ăn.
Để thu hút du khách, một số hướng dẫn viên và người chạy xe ôm trên đảo thường để du khách cho khỉ thức ăn, tìm cách dụ khỉ tới gần chụp hình.
Mặt khác các thùng rác tại gia đình, nhà hàng, thùng rác công cộng… chưa được che đậy kỹ. Thức ăn thừa tạo cơ hội cho khỉ tiếp cận. Điều đó dẫn đến sự thay đổi về tập tính tự tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên của khỉ.
Thậm chí khỉ vàng không còn thói quen tìm kiếm thức ăn trong rừng, mà chỉ đợi đến khung giờ cố định để được cho ăn. Nhiều thời điểm khỉ hung hăng giật đồ đạc, thức ăn, tấn công du khách.
Những thay đổi tập tính của khỉ vàng đang là mối đe dọa đến cuộc sống người dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái trên đảo.
Không cho khỉ ăn là cách ứng xử đúng
Để bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tập tính tự nhiên của khỉ vàng và ngăn chặn kịp thời các sự cố không mong muốn, UBND xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã có thông báo tới các khu dân cư, các điểm tham quan.
“Nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi cho khỉ ăn hoặc tạo điều kiện để khỉ tiếp cận nguồn thức ăn trong khu dân cư.
Thức ăn thừa tuyệt đối không đổ tại các bìa rừng, bãi biển. Trong hoạt động chăn nuôi gà, vịt, bò… cần theo dõi, kiểm soát việc cho động vật ăn. Phân loại rác tại nguồn đúng quy định, kiểm soát và che đậy kỹ thùng rác để khỉ không có cơ hội tiếp cận nguồn thức ăn.
Ngoài ra khi thấy khỉ thì tìm biện pháp xua đuổi, đảm bảo khỉ rời khu dân cư an toàn. Người dân và các hộ kinh doanh cảnh báo du khách không tiếp xúc với khỉ” – thông báo của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nêu.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại Cù Lao Chàm, khu vực khỉ xuất hiện nhiều ở hầu hết các khu dân cư. Vào tầm 10h sáng hoặc buổi chiều, khỉ kéo từng đàn lúc nhúc trong lùm cây rồi leo vào nhà dân lục lọi tìm kiếm đồ ăn.
Tại các trường học trên đảo khỉ cũng vào phá phách đồ đạc, leo cầu trượt, vui đùa trong khu vui chơi của học sinh. Các giáo viên phải cắt cử người trông coi, các phòng học được đóng kín cửa vào những giờ khỉ hay xuất hiện.
Người dân ở các khu dân cư cũng không yên ổn. Đồ đạc trong nhà bị lục tung, các gian bàn thờ có hoa quả, bánh trái dùng thắp nhang cũng bị khỉ vào giật. Các hộ dân không thể làm gì khác ngoài đóng kín cửa, tìm giải pháp thủ công xua đuổi.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Hương, chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), khỉ tràn vào các homestay, nhà dân, trường học đang là vấn đề lớn trên đảo.