Hơn 16h một ngày cuối tháng 7, sau khi lang thang thăm thú nhiều tuyến đường ở phố cổ Hà Nội, Hugh thấy đói bụng.
Lướt qua nhiều cửa tiệm trên phố, bất giác vị khách người Scotland bị thu hút bởi mùi thơm tỏa ra từ nồi nước dùng lớn đặt trước cửa nhà. Xung quanh đó là những bát đựng thịt mọc, lưỡi, chân giò, sườn được bày biện ngon mắt.
Thấy vị khách còn đứng ngó nghiêng, một phụ nữ lớn tuổi chạy ra mời chào. Chị cầm theo tờ thực đơn có ghi cụ thể các món ăn kèm theo giá cả. Thực đơn được in cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh để khách dễ lựa chọn. Sau khi nhìn qua, Hugh gọi một bát bún thịt mọc đầy đủ nguyên liệu.
Thời điểm này không phải giờ cao điểm nên quán không đông khách. Đó là một cửa tiệm bình dân trên phố, được bày biện đơn giản với vài bộ bàn ghế nhựa để trên vỉa hè. Diện tích trong nhà không quá rộng, chỉ đủ chỗ để người bán hàng ngồi chế biến luôn trước mặt khách.
Gần như không phải chờ đợi, bát bún mọc nóng hổi tỏa mùi thơm dịu nhẹ kích thích vị giác của Hugh đang đói ngấu.
“Hãy nhìn một bát bún mọc ngon lành như này ở Hà Nội mà chỉ có giá 40.000 đồng. Tôi ngồi ăn ngay trên vỉa hè, bên dưới là đường phố có xe cộ qua lại. Nếm thử xem hương vị ra sao nào”, vị khách Scotland hào hứng nói.
Dường như đã quen thuộc với cách ăn bún, phở tại Việt Nam, Hugh còn vắt thêm một ít quất (tắc) và vài miếng ớt tươi. Người bán hàng còn mang thêm một bát nước mắm để khách có thể nêm nếm thêm nếu thấy chưa vừa miệng.
“Chắc chắn những miếng mọc này được làm thủ công. Kết cấu rất mềm, ăn như tan luôn trong miệng. Khi ăn bún phở ở Việt Nam, bạn nhớ kèm thêm quẩy.
Ăn món này làm tôi lại nhớ tới Pa Tong Ko (một loại bánh giống quẩy) ở Thái Lan. Quẩy có lớp vỏ giòn nhưng bên trong lại mềm. Chấm quẩy vào nước dùng rất hợp”, vị khách ngoại quốc nhận xét.
Ăn hết sạch cả nước lẫn cái, Hugh cho rằng nếu chấm theo thang điểm 10, bát bún đạt 9 điểm và rất đáng thử nếu tới Hà Nội.
Theo tìm hiểu, đây là một quán bún mọc nằm trên phố Bát Đàn, chuyên phục vụ món bún dọc mùng. Các đồ ăn kèm của quán gồm 5 loại như móng, mọc, thịt, sườn, lưỡi. Tùy theo nhu cầu của khách muốn gọi loại nào sẽ có mức giá khác nhau.
Ví dụ, bát bún gồm 2 loại thịt, mọc hoặc sườn, mọc sẽ có giá 40.000 đồng. Nếu khách ăn từ 3 loại (sườn, mọc, lưỡi) sẽ là 50.000 đồng/bát. So sánh với giá cả các quán bún phở tại phố cổ, đây là quán có mức giá bình dân.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết, quán có từ năm 1998, đến nay gần 30 năm tồn tại. Hàng ngày, quán chia thành 2 ca bán sáng chiều. Ca một từ 6h đến 15h30 và ca thứ 2 từ 16h đến 23h.
“Có thể do lợi thế nằm ở phố cổ nên ngày nào quán cũng có khách nước ngoài tới ăn. Ngày đông thì vài chục khách quốc tế, hôm vắng hơn thì độ vài người. Hầu như họ chỉ ăn bún thịt mọc chứ không gọi các loại khác. Mỗi khi khách ăn xong, tôi thường quan sát thái độ xem phản ứng của họ thế nào. Hầu như họ đều ăn hết sạch và giơ ngón tay lên ra ký hiệu là đồ ăn rất ngon. Chỉ cần vậy, chúng tôi đều rất phấn khởi”, chủ quán vui vẻ nói.
Tuy nhiên, do không gian quán hạn chế nên đôi lúc thực khách phải chịu cảnh chật chội. Nếu ăn trên tầng 2, khách phải leo lên thang gác khá dốc. Thậm chí thang dốc tới mức khách còn e ngại khi thấy cảnh người phục vụ mang đồ ăn lên trên đặc biệt vào ngày mưa gió trơn trượt.