Hàng nghìn người cùng ăn chung nồi lẩu khổng lồ dấy lên lo ngại về vệ sinh

38
Cảnh tượng gần 1.000 người thay phiên nhau nhúng vớt ăn chung một nồi lẩu cay tê khổng lồ ở Tứ Xyên, Trung Quốc, khiến dư luận nước này dấy lên những băn khoăn về vấn đề an toàn vệ sinh.

Cuối tháng 7 vừa qua, trong một sự kiện quảng bá ẩm thực ở nhà máy công nghiệp Shengtang tại Mi Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc, hàng trăm người đã tụ tập để cùng nhau thưởng thức một nồi lẩu cay tê có kích thước khổng lồ.

Theo đại diện công ty, đây là nồi lẩu cay tê kiểu Tứ Xuyên lớn nhất thế giới, có thể phục vụ mỗi lượt tối đa 138 người. Ước tính trong sự kiện này, gần 1.000 khách đã nếm thử món lẩu.

Hàng nghìn người cùng nhau ăn nồi lẩu cay tê khổng lồ (Ảnh cắt từ clip).

Nhà sản xuất cho biết, nồi lẩu có sức chứa tối đa 2 tấn nguyên liệu. Để tạo ra chiếc nồi siêu to khổng lồ, các công nhân phải làm trong vòng 8 ngày với chi phí khoảng 80.000 tệ (280 triệu đồng).

Khi ăn, các thực khách sẽ đứng xung quanh nồi, cùng nhau nhúng vớt đồ ăn xuống phần nước dùng nấu theo kiểu lẩu cay tê chuẩn vị Tứ Xuyên. Mỗi khách sẽ có một bộ bát đũa riêng. Những người ăn sau sẽ đứng vào vị trí khách đã ăn xong và tiếp tục thưởng thức.

Khi khách ăn, các đầu bếp vẫn tiếp tục cho thêm gia vị cay tê vào nồi nước nhằm đảm bảo hương vị không bị thay đổi. Theo hình ảnh trong video, hàng trăm người cùng nhau nhúng vớt đồ ăn và thưởng thức ngon lành.

138 người cùng nhúng vớt ăn chung nồi lẩu khổng lồ dấy lên lo ngại vệ sinh (Nguồn video: SCMP).

Sau khi video thu hút hàng triệu lượt xem trên nhiều nền tảng mạng xã hội đã nhận về nhiều phản hồi trái chiều. Trong đó rất nhiều người lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh của nồi lẩu ăn chung.

Theo đó, một số người cho rằng, nồi lẩu đặt ngoài trời nhưng không được che chắn có thể bị bụi bẩn hoặc vật lạ rơi vào. Ngoài ra, việc quá đông người cùng ăn chung một nồi sẽ khó kiểm soát vấn đề vệ sinh của khách tham gia.

Bất chấp mức sống tăng lên trong những thập kỷ gần đây, an toàn thực phẩm vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc. Kể từ đầu những năm 2000, hàng chục vụ bê bối nghiêm trọng đã được truyền thông nước này phanh phui, khiến chính phủ phải tăng cường áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt với ngành này.