Sự thật bức ảnh "ruộng lúa Sa Pa view triệu đô" gây sốt mạng

69
Bức ảnh chụp ruộng lúa bậc thang xanh mướt phía sau khung cửa kính lớn được cho là địa điểm mới nổi ở Sa Pa (Lào Cai). Song, thông tin này là một "cú lừa" cho nhiều du khách tìm tới đây.

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng truyền tay nhau bộ ảnh chụp ruộng lúa bậc thang xanh mướt nằm giữa những dãy núi trùng điệp. 

Trong bộ ảnh, để bắt trọn vẻ đẹp của ruộng lúa, có nhiều không gian chụp ảnh lý tưởng như lan can nhìn ra núi, phòng có cửa kính lớn bên trong bày trí hoa cẩm tú cầu xanh, bên ngoài là hình ảnh ruộng lúa đẹp như tranh. 

Xuất hiện đúng lúc các điểm đến ở miền núi phía Bắc của Việt Nam cũng bắt đầu mùa lúa, bộ ảnh được chia sẻ rộng khắp các hội nhóm du lịch. Nhiều người bán tour tự ý thêm địa điểm check-in là một homestay ở Tả Van (Sa Pa, Lào Cai), khiến nhiều người hiểu lầm khung cảnh này ở Sa Pa vì có các điểm tương đồng. 

Bức ảnh ruộng lúa được cho là ở Sa Pa (Lào Cai) được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi thời gian qua (Ảnh: MXH).

Thực tế, đây là ruộng Long Tích (Quế Lâm, Trung Quốc) (Ảnh: MXH).

“Tôi tìm khắp các homestay ở Sa Pa để tìm được đúng vị trí này, tôi muốn đặt phòng vào cuối tuần nhưng mất 2 ngày không tìm thấy ở đâu có khung cảnh giống trong ảnh”, Phan Linh, một du khách cho biết. 

Bên dưới các bài đăng về ruộng bậc thang, nhiều du khách cũng chia sẻ sự hoang mang giống như Phan Linh, dù tìm đúng đến homestay ở Sa Pa được nhắc tên trong bài cũng không có khung cảnh tương tự. 

Theo đó, De Mong Sapa, homestay bị “gán” là nơi sở hữu khung cảnh ruộng bậc thang được săn đón nhất hiện nay đã phải lên bài đính chính. 

Đại diện homestay này cho biết, những bức ảnh trên được chụp ở nước ngoài, không phải ở De Mong. Homestay chưa bao giờ cung cấp hình ảnh và thông tin như hình ảnh thời gian qua được chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Bài viết chia sẻ thông tin không đúng sự thật (Ảnh: Chụp màn hình).

Người này cho biết, nhiều du khách nhắn tin hỏi, đặt phòng vì nhìn nghĩ homestay sở hữu góc ảnh đó.

“Đáng lo ngại là du khách vô tình đến uống cà phê, check-in xong không biết sẽ đưa ra đánh giá là quán không giống ảnh mạng. Mong các cá nhân, đơn vị lữ hành tìm hiểu trước khi đăng thông tin lên mạng xã hội”, đại diện khu nghỉ nói.

Thực tế, khung cảnh trong bộ ảnh được lan truyền là địa điểm ruộng Long Tích (Quế Lâm, Trung Quốc). Tại Trung Quốc, đây được coi như “một kỳ tích đáng kinh ngạc của kỹ thuật nông nghiệp” khi có những dãy ruộng trải dài vô tận xếp tầng trên sườn đồi. 

Ruộng bậc thang Long Tích được mệnh danh là “quán quân ruộng bậc thang thế giới”, cũng là một địa điểm được săn đón ở quốc gia này. 

Tại Việt Nam, ruộng bậc thang thường được gọi là “nấc thang lên thiên đường” bởi sở hữu vẻ đẹp trùng điệp, tầng tầng lớp lớp của các thửa ruộng trên sườn núi.

Ruộng bậc thang ở Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) mùa lúa, ảnh chụp đầu tháng 8 (Ảnh: Phương Tali).

Khung cảnh phía sau cửa sổ tại một quán cà phê ở Sa Pa (Lào Cai) (Ảnh: Phương Tali).

Là vùng tiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa và phải chờ nước mưa đổ xuống (đồng bào ở đây gọi là mùa nước đổ), một số tỉnh Tây Bắc đến tháng 5-6 hằng năm mới vào vụ gieo cấy lúa, tháng 8-9 lúa bắt đầu xanh, cao.

Đây là thời điểm xuất hiện những khung cảnh đẹp nhất mùa hè trên các cánh đồng ruộng bậc thang, lượn quanh ngọn núi cao của Sapa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai (Lào Cai); Hoàng Su Phì (Hà Giang); Mù Cang Chải (Yên Bái)…

Ngoài việc tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, ruộng bậc thang ở Việt Nam còn là biểu tượng của công sức, sự chăm chỉ và đặc trưng văn hóa của người dân tộc thiểu số khu vực Đông – Tây Bắc.