Độc đáo ngôi nhà sàn của người Mường tại Đà Nẵng

62
Một ngôi nhà sàn của người Mường từ bản làng Tây Bắc được kỳ công đưa về đặt ngay giữa trảng rừng nhiệt đới, bên dòng suối chảy róc rách giữa Đà Nẵng.
Nhà sàn của người Mường trong Furama Resort Đà Nẵng - Ảnh: NGUYÊN TÍN

Nhà sàn của người Mường trong Furama Resort Đà Nẵng – Ảnh: NGUYÊN TÍN

Bên bờ biển Đà Nẵng mỗi ngày, ngay trong Furama Resort khách vừa có thể thưởng thức ẩm thực trên không gian bình yên của mái nhà sàn, vừa xem các tác phẩm nghệ thuật và nghe câu chuyện kể về đặc sắc văn hóa vùng Tây Bắc.

“Chúng tôi đặt tên dự án là Tàya House bởi Tàya được lấy cảm hứng từ tên gọi vùng Tây Bắc. Tàya House mang nét đẹp và tinh thần của vùng Tây Bắc Bộ, nơi những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy.

Tên gọi Tàya gợi chúng ta nhớ đến vùng đất Tây Bắc, nơi mỗi ngôi nhà, mỗi công trình đều là một phần của câu chuyện văn hóa, lịch sử phong phú và đầy màu sắc” – tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng – ông Nguyễn Đức Quỳnh nói trong cảm xúc về tâm huyết đưa nhà sàn về Đà Nẵng.

Nhà sàn Tây Bắc tại Đà Nẵng

Theo ông Quỳnh, suốt một năm rong ruổi khắp bản làng Tây Bắc, ban dự án đã xem hết những ngôi nhà sàn ở các vùng… Cuối cùng, chái nhà sàn của đồng bào Mường tại Hòa Bình được lựa chọn bởi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí.

Kiến trúc của ngôi nhà bao gồm ba gian và hai chái, mái lợp lá cọ với không gian thiết kế mở tạo sự liên kết và gần gũi với thiên nhiên.

Nhà được làm từ gỗ trai và gỗ sến – những loại gỗ tốt, có độ bền cao và được ưa chuộng trong văn hóa xây dựng nhà truyền thống của người Mường. Công trình cũng được làm thủ công với các dụng cụ nghề mộc đơn giản như chàng, đục, cưa, bào.

Các cấu kiện được xẻ suôn, đẽo gọt, bào phẳng, đục mộng và ghép nối, chằng buộc với nhau một cách liên hoàn.

Ở những vị trí như cầu thang, ván sàn được bào phẳng thuận tiện cho sử dụng. Ở thân cột, thân xà thì được xẻ vuông hoặc đẽo gọt sơ.

Không gian bài trí trên gian chính ngôi nhà sàn - Ảnh: NGUYÊN TÍN

Không gian bài trí trên gian chính ngôi nhà sàn – Ảnh: NGUYÊN TÍN

Tại Hòa Bình, để dựng được ngôi nhà sàn thì bà con phải đi sâu vào rừng, hạ cây bằng tay và vận chuyển những khối gỗ nặng vài tạ về bản hoàn toàn bằng sức người, tích góp qua nhiều năm tháng.

Tàya House mang đậm nét văn hóa kiến trúc độc đáo của dân tộc Mường với câu chuyện lịch sử gắn liền.

Tàya House là kết tinh của tình yêu, sự kiên trì và lòng quyết tâm xây dựng tổ ấm của vợ chồng ông Bùi Văn Minh và bà Bùi Thị Nhầm 30 năm về trước.

Ông Minh kể ông và vợ về với nhau theo mai mối của gia đình. Theo tục lệ của người Mường, cô dâu chỉ được phép ở nhà bố mẹ chồng khoảng ba ngày một tuần. Thời gian còn lại trong tuần phải về nhà bố mẹ đẻ ở cho đến khi đủ tuổi theo tục lệ địa phương hoặc mang thai con đầu lòng.

Sống cùng đại gia đình, hai vợ chồng ông Minh luôn nung nấu ý định xây dựng một tổ ấm riêng và ước mơ về mái nhà sàn do chính mình dựng lên.

Năm 2002, khi tích góp đủ số gỗ, vợ chồng ông khởi công dựng nhà. Ngôi nhà hoàn thành cùng với sự ra đời của ba con trai, một cô con gái càng làm cho tổ ấm thêm trọn vẹn.

“Vật quý tìm được quý nhân”

Gặp gỡ đại diện của Furama Resort Đà Nẵng và nghe về tâm huyết giữ gìn nét văn hóa truyền thống, gia chủ người Mường đã đồng ý gửi gắm lại mái nhà đã gắn bó với cả gia đình qua 22 năm.

Những ngày cuối năm 2023, Tàya House bắt đầu tháo rời để mang về Đà Nẵng. Việc tháo dỡ mỗi chi tiết của ngôi nhà được thực hiện cẩn thận nhằm đảm bảo rằng toàn bộ cấu kiện được giữ nguyên.

Không gian ẩm thực trong nhà sàn - Ảnh: NGUYÊN TÍN

Không gian ẩm thực trong nhà sàn – Ảnh: NGUYÊN TÍN

Để dựng lại chân xác Tàya House, hai nghệ nhân người Mường là ông Bùi Văn Quyến và Bùi Văn Như được mời vào Đà Nẵng. Ngôi nhà được dựng lại gần như nguyên bản trong khuôn viên vườn Lagoon của Resort.

Vị trí đặt công trình đặc biệt này cũng được bố trí theo cách chọn đất dựng làng của người Tây Bắc. Đó là tựa lưng vào sườn dốc cao, mặt hướng nhìn ra hồ và bao bọc bởi những dòng suối nhỏ.

Ngày ngày, Tàya House như vẫn giữ nguyên dáng vẻ bình thản nép mình dưới tán cây cổ thụ, lặng yên lắng nghe tiếng trò chuyện, tâm tình của thiên nhiên hiền hòa xung quanh.

Bên cạnh việc tái dựng nguyên trạng của ngôi nhà, Tàya House còn trưng bày rất nhiều vật dụng gắn liền với cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc như rương gỗ – quà sính lễ của những cặp vợ chồng mới cưới, đèn treo của đồng bào…

Nhà hàng được đặt dưới mái nhà sàn với nhiều tranh vẽ làm điểm nhấn - Ảnh: NGUYÊN TÍN

Nhà hàng được đặt dưới mái nhà sàn với nhiều tranh vẽ làm điểm nhấn – Ảnh: NGUYÊN TÍN

Đặc biệt, qua bàn tay tài hoa của họa sĩ Hoàng Tuyển – người chuyên vẽ tranh về chủ đề cộng đồng và dân tộc Việt, trang phục truyền thống của đồng bào vùng Tây Bắc gồm Tày – Thái – Dao – H’mông – Mường – Hà Nhì – Nùng – Phù Lá được thể hiện sinh động trên các bức tranh vẽ được trưng bày bên trong ngôi nhà.

Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Sơn cũng tái hiện khéo léo các cảnh quan như khu vườn đồi cọ và guồng nước, giúp du khách có thể cảm nhận được không khí và nhịp sống của vùng núi.

Sứ mệnh mới của Tàya House

“Với sứ mệnh tìm kiếm, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của các vùng miền và các dân tộc Việt Nam, Furama Resort Đà Nẵng nỗ lực mang Tàya House đến với du khách như một điểm đến văn hóa độc đáo để khám phá, trải nghiệm. 

Đến với Tàya House, mỗi bước chân, mỗi ánh nhìn, mỗi hơi thở của du khách sẽ trở thành một phần của câu chuyện văn hóa đặc sắc này” – ông Quỳnh bày tỏ.

Nỗ lực giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Tại Furama Resort Đà Nẵng, du khách trong và ngoài nước sẽ có cơ hội trải nghiệm không gian sống đậm nét văn hóa của đồng bào Tây Bắc. Đồng thời thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và kiến trúc độc đáo của ngôi nhà; hòa mình vào các hoạt động văn hóa, ẩm thực như lớp dạy nấu ăn, biểu diễn vũ điệu dân tộc, hay các hoạt động thiền định, yoga…

Furama mong muốn không chỉ mang đến cái nhìn sâu sắc về nền văn hóa dân tộc Mường nói riêng và đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc nói chung mà còn là một minh chứng sống động cho sự gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Có thể nói, Tàya House đã trở thành một trung tâm văn hóa cộng đồng nơi du khách và người dân địa phương cùng hòa mình vào những nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn vinh và lan tỏa những giá trị tinh thần đặc sắc của vùng đất.