Nhắc tới du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nước ta, nhiều người du khách sẽ nghĩ ngay tới mảnh đất Phú Yên. Trong một vài năm trở lại đây, Phú Yên nổi lên như một ngôi sao du lịch mới bởi cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, phong phú, có cả núi và biển, hay đời sống bình dị, gần gũi của người dân bản địa.
Đặc biệt, ở Phú Yên còn có một vùng đất được coi là “nơi đón bình minh sớm nhất trên đất liền” ở Việt Nam. Và qua những bức hình, đoạn phim được ghi lại từ trên cao, nơi này mang hình dáng vô cùng đặc biệt – như mô tả lại dải đất liền hình chữ S của đất nước Việt Nam.
Địa điểm đang được nhắc tới mang tới Mũi Điện hay còn được gọi là Mũi Đại Lãnh. Đây là một mũi đất nhô ra biển từ một nhánh của dãy Trường Sơn, hướng thẳng ra bãi Môn. Vị trí chính xác thuộc địa phận xã Hoà Tâm, thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
Toạ độ chính xác của Mũi Điện – Mũi Đại Lãnh là: Kinh độ 109o27’06” Đông; Vĩ độ 12o52’48” Bắc. Đây được xem là toạ độ điểm cực Đông trên đất liền của nước ta, bởi vậy mới được gọi là nơi đón những ánh nắng đầu tiên của buổi bình minh. Để khẳng định điều này, tháp hải đăng và một tấm bia đá bằng đá granit đỏ với dòng chữ vàng đã được xây dựng ngay tại đây. Trên tấm bia đá có ghi: “Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) – Điểm cực Đông” cùng với các con số về tọa độ.
Sự phát hiện ra Mũi Điện như điểm cực Đông trên đất liền của đất liền Việt Nam cũng được đánh giá là rất tình cờ. Cụ thể, trong một chuyến khảo sát hải hành vùng biển Đông Nam Á vào cuối thể kỷ 19, một sĩ quan người Pháp đã phát hiện ra nơi này và đề xuất cho xây dựng một ngọn hải đăng vào năm 1890.
Mục đích của ngọn hải đăng là để hướng dẫn, hỗ trợ tàu thuyền vận hành trên biển. Ngọn hải đăng ấy cho đến nay vẫn tiếp tục được hoạt động, sau nhiều lần phải tạm ngừng và bỏ hoang vào giai đoạn năm 1945 và năm 1961. Năm 1997, hải đăng Mũi Điện được trùng tu rồi sử dụng lại dưới sự quản lý và điều hành trực tiếp của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ. Ngọn hải đăng nay được xem là điểm tham quan lý tưởng, thu hút nhiều du khách. Tháp có khối hình trụ, cao 26,5m so với nền nhà và cao 110m so với mực nước biển.
Travel Blogger Cường Khỉ, người đã có chuyến đi tới Mũi Điện vào năm 2023 cho biết, để lên tới ngọn hải đăng ở Mũi Điện, sẽ phải đi bộ 1 đoạn khoảng 1km, mất khoảng 15-30 phút là tới được chân hải đăng. Nhưng với những ai không muốn đi bộ thì có thể lựa chọn dịch vụ thuê xe ôm của người bản địa chở lên và chở xuống với mức giá 50.000 đồng/2 người/chiều. “Chúng mình chọn đi bộ để vừa ngắm được cảnh trên đường đi, vừa tiện để dừng lại chụp ảnh, dù khi lên đến nơi ai cũng mồ hôi ướt nhẹp”, Cường Khỉ nói thêm.
Lên tới hải đăng, phí tham quan cho du khách là 20.000 đồng/người. Du khách cần bước lên 110 bậc cầu thang kiểu xoắn ốc, độ dốc trung bình. Nhưng khi lên tới nơi, ai cũng phải trầm trồ vì thành quả nhận được hoàn toàn xứng đáng. Đứng từ đỉnh hải đăng Mũi Điện có thể phóng tầm mắt nhìn ra đại dương mênh mông rộng lớn ở 3 phía, phía còn lại là dãy núi trập trùng, uốn lượn, tạo nên khung cảnh vô cùng hoang sơ, kỳ vĩ.
Cũng theo travel blogger Cường Khỉ, sau khi tham quan hải đăng có thể tiếp tục đi xuống những vách đá bên dưới hay những khu vực lân cận để khám phá tiếp vẻ đẹp của thiên nhiên quanh đó.
Là nơi đón những ánh nắng đầu tiên trong ngày, bởi vậy thời điểm lý tưởng nhất để đến Mũi Điện chính là vào buổi bình minh. Hay nói cách khác, đó là trải nghiệm “săn bình minh” nơi Mũi Điện. Để trở thành những người đón bình minh sớm nhất ở Việt Nam, theo kinh nghiệm của những người đi trước thì du khách cần chuẩn bị và di chuyển từ khoảng 3 giờ sáng.
Đến Mũi Điện hay khu vực hải đăng là khoảng 4 giờ, mặt trời sẽ dần dần xuất hiện từ đường chân trời, tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng. “Sau khi leo núi một đoạn dài, mình nhận được phần thưởng là cảnh bình minh rực rỡ trước mắt. Mọi sự mệt nhọc sẽ được khung cảnh này xoa dịu ngay lập tức”, Thùy Dương, một du khách đã có 2 lần chinh phục bình minh ở Mũi Điện chia sẻ.
“Mình đến Mũi Điện đã trên 5 lần rồi nhưng lần nào cũng phải trầm trồ bởi thiên nhiên nơi này đẹp một cách mê hoặc. Thiên nhiên của mảnh đất này đã khiến rất nhiều người nhớ thương mà quay lại nhiều lần, trong đó có mình”, blogger Cường Khỉ nhận xét sau rất nhiều chuyến đi tới Phú Yên nói chung cũng như Mũi Điện nói riêng.
Hiện nay, theo chỉ dẫn trên bản đồ, nếu xuất phát từ thành phố Tuy Hòa, du khách chỉ cần đi dọc theo Quốc lộc 1A, quãng đường dài khoảng 35km, mất 1 giờ di chuyển là sẽ tới nơi. Đường đi mới, đẹp, rất thuận lợi, phù hợp cho mọi phương tiện từ ô tô, xe máy hay xe khách.
Phú Yên ngày một thu hút đông đảo du khách bởi chính những vẻ đẹp tự nhiên mà thiên nhiên, tạo hóa ban tặng nơi này. Dưới đây là một số điểm đến lý tưởng khác ở mảnh đất “hoa vàng trên cỏ xanh” mà du khách có thể tham khảo cho chuyến đi của mình.
1. Gành Đá Đĩa
Nhắc đến những điểm đến nổi tiếng ở Phú Yên thì không thể bỏ qua Gành Đá Đĩa – thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Gọi là Gành Đá Đĩa là bởi nơi đây có nhiều những khối đá đen, được sắp xếp trật tự bên bờ biển trong xanh. Nhìn từ xa, trông như một chiếc đĩa khổng lồ. Ngoài ra, du khách đến nơi đây còn bị ấn tượng bởi những cột đá đa hình dạng, từ hình lục giác, hình tròn cho đến hình vuông, xếp chồng lên nhau thành một khối vững chắc.
2. Bãi Xép
Gần với thành phố Tuy Hòa hơn, chỉ cách 13km về phía Bắc và cũng nổi tiếng không kém, là bãi Xép. Bãi Xép có diện tích nhỏ với đường bờ biển 500m nhưng lại thu hút du khách bởi khung cảnh hoang sơ, làn nước biển xanh trong, bờ cát trắng mịn, những vách đá kỳ vĩ hay những thảm cỏ tươi tốt. Đặc biệt, hình ảnh được nhiều du khách đánh giá là biểu tượng cho bãi Xép chính là những bụi xương rồng nằm trên đỉnh núi.
3. Tháp Nghinh Phong
Tháp Nghinh Phong là một công trình kiến trúc mới được hoàn thành, tọa lạc tại quảng trường Nghinh Phong, thành phố Tuy Hòa. Để tạo nên tháp, người ta đã sử dụng 50 khối đá có hình trụ, xếp chồng và liền kề nhau, tô điểm thêm nhiều hoa văn tinh xảo, độc đáo. Được biết, ý tưởng thiết kế tháp lấy cảm hứng từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ.
Cũng do nằm ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, gần nhiều điểm đến du lịch khác nên ngoài Phú Yên, du khách có thể kết hợp thêm một số địa phương lân cận như Nha Trang, Đà Lạt, Lâm Đồng hay Quy Nhơn.