Theo kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được các chuyên gia công bố, rừng cổ đại mọc dưới đáy các hố sụt khổng lồ ở Trung Quốc có sự phát triển vượt trội hơn nhiều so với thực vật cùng loài sống trên bề mặt trái đất do chúng nhận được nguồn dinh dưỡng phong phú.
Các hố sụt khổng lồ là một trong những nơi trú ẩn tự nhiên cuối cùng còn sót lại của các khu rừng cổ đại. Có thể đây còn là nơi ẩn náu của những loài mà con người chưa từng biết tới. Chính xác những loài này có thể phát triển mạnh thế nào dưới đáy hố sâu, đến nay chưa có câu trả lời rõ ràng.
Trong những khu rừng cổ đại này, cây nguyệt quế, dương xỉ và tầm ma sinh sôi mạnh mẽ nhờ lượng lớn nitơ, phốt pho, kali, canxi và magie. Ngược lại, ở bề mặt trái đất, nguồn dưỡng chất này bị coi là khan hiếm.
Theo báo cáo từ Tạp chí Plant Ecology của Trung Quốc hồi cuối tháng 7 vừa qua, những dưỡng chất này đặc biệt dồi dào ở dưới đáy các hố sụt. Nhờ đó, thực vật có thể phát triển và tận dụng tối đa tia sáng mặt trời chiếu tới chúng.
“Cây cối có thể thích nghi với môi trường khắc nghiệt bằng cách điều chỉnh hàm lượng dinh dưỡng. Rất ít ánh sáng chiếu rọi được tới đáy hố sụt. Đó là những hố có chiều sâu trung bình 100m nằm ở khu vực phía tây nam Trung Quốc.
Theo nghiên cứu, những hố sâu này là nơi sinh tồn của nhiều loài thực vật ưa độ ẩm cao và bóng râm. Trong đó có nhiều loài đặc hữu tại khu vực này”, một phần nội dung báo cáo chia sẻ.
Ngoài ra, do vách đá cao chót vót và địa hình dốc của hố sụt nên những khu rừng cổ đại này ít bị tác động bởi hoạt động từ con người.
Theo Tân Hoa Xã, một trong những hố sụt khổng lồ mới nhất được phát hiện có độ sâu gần 200m, gồm 3 lối vào, nằm ở khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây thuộc miền nam Trung Quốc. Từ lâu, Quảng Tây vốn được biết tới với nhiều công trình đá vôi bao gồm các hố sụt, cầu đá tự nhiên và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Trên thực tế, miền nam Trung Quốc là nơi có địa hình núi đá vôi rất dễ xuất hiện hố sụt.
Ông George Veni, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Hang động và Karst Quốc gia (NCKRI) tại Mỹ, lý giải, hố sụt được hình thành chủ yếu do sự phân hủy của nền đá. Nước mưa có tính axit nhẹ, hấp thụ carbon dioxide khi đi qua đất.
Sau đó, nó nhỏ giọt, chảy qua các vết nứt trên nền đá, từ từ mở rộng thành những đường hầm và khoảng trống. Theo thời gian, nếu khoang hang đủ lớn, trần hang sẽ sụp xuống dần dần, hình thành những hố sụt khổng lồ.
Huyện Lạc Nghiệp ở tỉnh Quảng Tây là nơi sở hữu cụm hố sụt Dashiwei được ví như kỳ quan địa chất. Hiện nơi này có 30 hố sụt trên khu vực rộng 20km2. Những nghiên cứu tương tự trước kia từng phát hiện thấy hàng chục hố sụt tại Thiểm Tây, khu vực tây bắc Trung Quốc và cụm hố sụt thông nhau ở Quảng Tây.
Các hố sụt không chỉ là nơi ẩn náu của sự sống, chúng còn là đường ống dẫn tới các tầng chứa nước hoặc kho chứa nước sâu dưới lòng đất.