Du lịch vườn cho hái trái thoải mái, vườn nào đáp ứng nổi?

57
Để loại hình du lịch vườn tồn tại và phát triển, nhà vườn chỉ nên bán không gian cho khách trải nghiệm. Cho hái trái thoải mái, vườn nào đáp ứng nổi?
Khách tham quan vườn chôm chôm tại một điểm du lịch miệt vườn ở Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Khách tham quan vườn chôm chôm tại một điểm du lịch miệt vườn ở Bến Tre – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, mấy hôm nay trên mạng xã hội có những bàn luận tiêu cực về việc khách tốn tiền mua vé đi du lịch vườn trái cây nhưng đến nơi trái lèo tèo thưa thớt theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Nhằm góp thêm góc nhìn, dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Nguyễn Vũ Mộc Thiêng – người có nhiều năm gắn bó với loại hình này.

Loại hình du lịch lâu đời, độc đáo

Du lịch vườn, vào vườn ăn trái cây, vào vườn uống mật ong, du lịch vườn nghe đờn ca tài tử…” là loại hình du lịch hay, độc đáo. Cách kinh doanh không phải mới đây, chúng ra đời cách nay gần 30 năm.

Miền Tây, Đông Nam Bộ, cao nguyên Đà Lạt… nơi bốn mùa cây trái, mùa nào trái đó, rất thích hợp cho làm du lịch vườn. 

Loại hình du lịch vườn xuất phát từ Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang… cách đây gần 30 năm, tuy nhiên để tránh bị phiền lòng du khách cũng cần phải hết sức tỉnh táo để phân biệt rõ ràng. Có những lúc tour du lịch ghi rõ: “Vào vườn ăn trái cây”, chứ không phải vào vườn “ăn trái cây trong vườn”.

Dẫn tour đi nhiều, có những nơi tôi thấy chủ vườn chỉ trồng duy nhất một loại trái. Nhưng nếu cần cũng có thể đáp ứng cho du khách trái cây đủ loại, đó là trái cây mua ngoài chợ. Ngay cả ở vườn nhãn, mùa nhãn khách cũng chỉ được hái tượng trưng.

Tùy loại trái cây, chủ vườn biết trái nào chín và cách hái phù hợp, hái nhầm trái xanh, phải vứt bỏ rất lãng phí.

Thử hình dung hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khách ghé vườn mỗi ngày, đến vựa trái cây cũng không đủ, vườn nào đáp ứng nổi? Hơn nữa, hái trái không đúng cách có thể làm hại cây. 

Một số nhà vườn có thể linh động hơn khi giúp khách chọn quả ngon (dừa, mít, bưởi, măng cụt…) giúp khách hái, hướng dẫn khách ăn, trải nghiệm và hiểu thêm về cây trái.

Ghé vườn, ăn trái cây mua ngoài chợ, ăn trưa trong vườn đó là cách làm hợp lý nhất. Các nhà vườn nên bán không gian và giúp du khách trải nghiệm.

Các công ty lữ hành không thể vô can

Trở lại câu chuyện của một du khách phàn nàn khi tham quan một vườn chôm chôm ở miền Tây gây xôn xao mạng xã hội, tôi nhớ những lần đưa khách vào vườn ăn trái cây tự hái ở miền Tây, miền Đông.

Điểm chung của những nơi này là gần như tự phát nên không có chuẩn mực du lịch. Xô bồ, ồn ào, vệ sinh kém, chất lượng trái không được như ý, nên những công ty uy tín gần như không chào bán tour. Khi khách có nhu cầu, nằng nặc đòi đi, phải ký cam kết không khiếu kiện, phàn nàn nếu phật ý.

Tóm lại khi để du khách phàn nàn, các công ty lữ hành phải có trách nhiệm. Làm du lịch, trước khi đưa khách đến, các công ty lữ hành phải kiểm tra. Không thể nhắm mắt bán tour, thu tiền. Khi gặp sự cố, khách phàn nàn thì xin lỗi, cùng lắm hoàn trả phần dịch vụ kém.

Ngoài ra cũng có đôi lời góp ý với du khách. Khi muốn tham quan một điểm đến nào, du khách cần nhín chút thời gian tìm hiểu, nghĩa trước là “chọn mặt” (công ty tổ chức), sau đó mới đến việc tiếp theo là “gởi vàng” (mua tour)”.

Du khách cũng nên xem kỹ các điều khoản hợp đồng. Nếu không đúng phải đòi bồi hoàn cả tổn thất tinh thần vì bực mình do chất lượng dịch vụ kém.

Thực tế tour “vào vườn ăn trái cây bao bụng” hiện nay thể hiện sự bất cập của du lịch nông nghiệp, dù khắp nơi đang “trăm hoa đua nở”.

Thế mạnh của chúng ta là miền Tây và Đông Nam Bộ, lượng trái cây chiếm hơn 60% nguồn trái cây cả nước và chủng loại phong phú. Đó là tài nguyên giá trị cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp, không phải nước nào cũng có. 

Tuy nhiên, để phát triển loại hình này, đã đến lúc phải rà soát, nâng cấp, chứ không phải kinh doanh theo kiểu mạnh ai nấy làm, có gì bán nấy.

4 lưu ý của tour du lịch vườn

Về phía du khách: Nhu cầu vào nhà vườn trải nghiệm, tìm hiểu, ăn trái chín trên cây tự hái là có thật.

Về phía nhà vườn: Mong muốn làm du lịch nhà vườn là chính đáng và cần thiết để tạo thêm việc làm, có thêm thu nhập.

Về phía hướng dẫn: Cần được tính toán để đáp ứng hài hòa, hiệu quả, đôi bên cùng có lợi.

Về phía đơn vị quản lý: Cần xác định vai trò quản lý du lịch trong việc chuẩn hóa dịch vụ, nhân lực, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và chất lượng sản phẩm.