Tổng giám đốc xe buýt 2 tầng lý giải việc không muốn doanh nghiệp khác tham gia thí điểm

51
Lãnh đạo công ty vận hành xe buýt hai tầng tại TP.HCM đã có chia sẻ thêm khi không muốn doanh nghiệp khác tham gia thí điểm.
Xe buýt hai tầng của Công ty TNHH Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Xe buýt hai tầng của Công ty TNHH Ảnh Việt Hop On – Hop Off Việt Nam – Ảnh: PHƯƠNG NHI

Ngay sau khi Công ty cổ phần vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus (Viet Bigbus) đề xuất mở tuyến buýt hai tầng tại TP.HCM, ông Nguyễn Khoa Luân – tổng giám đốc Công ty TNHH Ảnh Việt Hop On – Hop Off Việt Nam – đã có kiến nghị không muốn các đơn vị khác tham gia thí điểm đến hết năm 2030.

Theo ông Luân, doanh nghiệp đang vận hành tuyến DL01 hoạt động từ tháng 1-2020 và tuyến DL03 hoạt động từ 29-5 và muốn chia sẻ thêm về việc này.

Muốn giữ quyền khai thác xe buýt hai tầng đến 2030

  • Doanh nghiệp kiến nghị không mở thêm tuyến xe buýt hai tầng ở TP.HCM

* Thưa ông, vì sao doanh nghiệp lại muốn giữ quyền khai thác thí điểm xe buýt hai tầng tại TP.HCM ?

– Chúng tôi là đơn vị tiên phong xây dựng mô hình này trong nước. Chúng tôi cũng đã đăng ký thương hiệu và đóng chi phí bản quyền. Suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã dành nhiều công sức, tâm huyết, vốn để làm hạ tầng, duy trì hoạt động cho đến ngày hôm nay.

Để được hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM, doanh nghiệp trải qua quá nhiều khó khăn và gian nan. Nhưng chưa hết thời gian thí điểm, đã có doanh nghiệp khác xin làm và muốn thừa hưởng những gì chúng tôi đã triển khai. Tôi thấy rằng việc này là bất bình đẳng, bất cập.

Mặt khác, cả nước còn hơn 60 tỉnh thành chưa triển khai thì tại sao tất cả bám vào một TP làm gì để giẫm chân nhau. Sản lượng khách mình làm đâu có bằng ở Paris hay New York.

Ở TP.HCM có vài triệu khách/năm. Trong khi đó ở Paris một năm 52 triệu hành khách, ở New York một năm 60 triệu khách. Nếu cấp phép tràn lan, thị trường sẽ thu hẹp, dễ dẫn đến bát nháo, doanh nghiệp rất khó sống.

Theo quyết định, thời hạn thí điểm đến cuối năm 2025 là hết. Với vai trò là doanh nghiệp tiên phong, chúng tôi đề xuất được kéo dài, mong muốn từ nay đến năm 2030, TP không cấp phép thêm cho doanh nghiệp khác vào vận hành buýt hai tầng. 

Việc này để các hoạt động dịch vụ được làm bài bản, có đánh giá tổng thể để triển khai các bước phát triển tiếp theo.

* Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải không quy định bao nhiêu đơn vị tham gia thí điểm. Việc có thêm doanh nghiệp tham gia sẽ không có yếu tố độc quyền và thêm lựa chọn về giá vé, lộ trình cho người dân?

– Chúng tôi cũng biết quy định của Bộ Giao thông vận tải không hạn chế các đơn vị tham gia thí điểm, nhưng không thể chấp nhận bị sao chép mô hình. Bởi mô hình này cũng chỉ có một kiểu và trên thế giới cũng không ai chấp nhận cho doanh nghiệp đi sao chép mô hình của các doanh nghiệp khác. 

Nếu chúng ta cứ mở đại trà thì đâu còn gọi là thí điểm. Thí điểm thì chỉ nên cho vài đơn vị tham gia để đánh giá, tổng kết. Hơn nữa, thực tế cho thấy giao thông TP.HCM đang ùn tắc, nếu mở quá nhiều tuyến sẽ không hay. 

Ngoài ra, việc này còn dẫn đến doanh nghiệp giẫm đạp nhau về giá và rồi triệt tiêu nhau. Trong khi đó, nhìn sang một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore chỉ có một đơn vị vận hành.

Ảnh Việt nói bị sao chép mô hình

* Nhiều sở ngành cũng đã thống nhất đề xuất mở thêm tuyến mới vì không trùng lắp hoàn toàn với các tuyến cũ?

– Cũng lộ trình, mô hình y chang nhau thôi. Bạn là nhà đầu tư, cá nhân mình mở công ty chạy trên tuyến bạn đã đầu tư, bạn có chịu không? Chưa kể toàn bộ mô hình sao chép hết, chứ không khác gì hơn đâu mà nói là phong phú. 

Tôi cho rằng cách làm việc như vậy rất khó chấp nhận. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, rà soát nếu các đơn vị sao chép mô hình và sẽ kiện.

* Có ý kiến cho rằng giá vé buýt hai tầng hiện hơi cao, chưa thu hút được phần lớn người dân đi lại, trong khi các đơn vị mới đưa ra giá thấp hơn?

– Tôi khẳng định giá city tour của mình đang thấp nhất thế giới. Chỉ có sao chép mới thấp hơn thôi, còn đúng giá trị không thể thấp hơn. Nếu chất lượng dịch vụ, đăng ký sở hữu trí tuệ, hệ thống đúng chuẩn…, tôi khẳng định giá vé hiện tại là đúng giá, không thể thấp hơn.

Viet Bigbus: Tuyến buýt hai tầng mới khác biệt so với các tuyến hiện hữu

Tuổi Trẻ Online liên hệ với Công ty cổ phần Vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus (Viet Bigbus) trao đổi thêm. Công ty cho biết đầu tuần sau sẽ phản hồi về vấn đề này.

Trước đó, trong quá trình đề xuất gửi các sở ngành TP, Công ty Viet Bigbus cho biết việc thí điểm dịch vụ xe hai tầng, thoáng nóc đang được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó có nội dung bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch, chống độc quyền trong triển khai thí điểm.

“So với các tuyến xe hai tầng hiện hữu, tuyến do công ty đề xuất có lộ trình dài hơn, mở rộng phục vụ qua quận 4, quận 5 và TP Thủ Đức. Xe sẽ đưa du khách đến với nhiều địa điểm nổi tiếng mà tuyến cũ không đi qua, giúp du khách hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa của TP. Việc trùng lắp điểm tham quan, du lịch là tất yếu, nhưng lộ trình các tuyến đề xuất của Công ty Viet Bigbus là có sự khác biệt so với các tuyến hiện hữu”, công văn của Công ty Viet Bigbus nêu.

Đề xuất của Công ty Viet Bigbus hiện các sở ngành thống nhất triển khai nhằm tạo sự cạnh tranh về chất lượng, giá vé, hạn chế độc quyền khi thí điểm. Bên cạnh đó là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển loại hình sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm tăng tính hấp dẫn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút và đáp ứng tốt nhu cầu khách du lịch.