Nhật Bản đau đầu vì quá tải du khách

40
Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản cho biết đã có 14,6 triệu du khách quốc tế đến đất nước mặt trời mọc từ tháng 1 đến tháng 5-2024, trong đó riêng tháng 3 chiếm 3,1 triệu người, theo tạp chí Fortune.
Du khách chụp hình tại địa điểm check-in với núi Phú Sĩ trước cửa hàng tiện lợi ở thị trấn Fujikawaguchiko. Vào tháng 5-2024, thị trấn đã dựng rào chắn ở địa điểm này do các hành vi xấu xí của du khách - Ảnh: AFP

Du khách chụp hình tại địa điểm check-in với núi Phú Sĩ trước cửa hàng tiện lợi ở thị trấn Fujikawaguchiko. Vào tháng 5-2024, thị trấn đã dựng rào chắn ở địa điểm này do các hành vi xấu xí của du khách – Ảnh: AFP

Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 1964, khi các số liệu được ghi nhận. Nếu xu hướng này tiếp tục, Nhật Bản sẽ phá kỷ lục 31,9 triệu du khách vào năm 2019 – thời điểm trước đại dịch COVID-19. Du khách quốc tế đang đổ xô đến Nhật được cho là do đồng yen giảm mạnh và sức ảnh hưởng của “văn hóa Instagram”.

Đồng yen và văn hóa Instagram

Tổng chi tiêu du lịch nội địa Nhật Bản đã tăng lên 1,75 nghìn tỉ yen (10,8 tỉ USD) trong quý 1-2024. Theo tính toán của Fortune và dữ liệu từ Công ty Oxford Economics, điều này biến du lịch thành ngành “xuất khẩu” lớn thứ hai của Nhật Bản (chỉ sau ô tô) và vượt qua các sản phẩm như chất bán dẫn.

Du khách quốc tế gần như biến mất trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhưng đã phục hồi nhanh chóng sau khi đất nước mặt trời mọc bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát vào tháng 9-2022 và dỡ bỏ tất cả hạn chế vào tháng 4-2023.

Du khách đến Nhật hiện có rất nhiều sức mua khi đồng yen chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Chi phí khách sạn, tham quan và các trải nghiệm ẩm thực đang rẻ hơn so với trước đại dịch.

Đồng yen từng là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng nhưng tỉ giá hiện đang giảm mạnh so với đồng USD, từ mức 1 USD đổi 140 yen (năm 2023) hiện trượt xuống còn 161 yen đổi 1 USD.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn khiến đồng USD trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư và gây sức ép lên nhiều đồng tiền châu Á, trong đó có đồng yen.

Các công ty Nhật thường coi đồng yen yếu là điều tốt vì nó làm giảm chi phí xuất khẩu và tăng giá trị lợi nhuận chuyển về từ nước ngoài. Nhưng hiện nay đồng yen có thể quá yếu so với mong muốn của họ, vì hàng nhập khẩu đắt đỏ làm giảm lợi nhuận và kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng.

Ông Jeremy Bek, giám đốc toàn cầu của nền tảng du lịch Nhật Bản Rakuten Travel, cho rằng sự bùng nổ du lịch Nhật Bản không chỉ đơn thuần là do đồng yen yếu. Du khách hiện nay muốn có những trải nghiệm độc đáo để “khoe” trên mạng xã hội Instagram.

“Không phải là bạn ăn gì hay làm gì, mà là mọi người thấy bạn ăn gì và làm gì. Mà Nhật Bản thì lại tuyệt đẹp, có rất nhiều thứ đẹp đẽ để đăng lên Instagram”, ông Bek nói về xu hướng hiện nay.

Nhiều phiền toái

Công ty Rakuten Travel đang hưởng lợi từ sự bùng nổ du khách đến Nhật Bản. Số lượng đặt phòng tăng vọt 75% trong quý 1-2024 so với cùng kỳ năm 2019. Dữ liệu từ Chính phủ Nhật Bản cho thấy khách du lịch đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong hiện chiếm đa số.

Số lượng đặt phòng tại các thành phố nhỏ cũng đang tăng nhanh so với các đô thị lớn, do du khách muốn có trải nghiệm đa dạng hơn thay vì chỉ đến thăm những địa điểm nổi tiếng ở Tokyo hay Osaka.

Tuy nhiên, số lượng du khách quá tải và hành vi thiếu lịch sự của nhiều du khách đang gây ra những phiền toái cho người dân ở đất nước mặt trời mọc. Tại Kyoto, một điểm hút du khách, ứng viên thị trưởng Koji Matsui đã giành chiến thắng nhờ… phàn nàn về tình trạng du khách mang theo vali cồng kềnh lên các phương tiện giao thông công cộng vốn đã đông nghẹt.

Hồi tháng 5, thị trấn Fujikawaguchiko thuộc tỉnh Yamanashi đã dựng rào chắn để chặn một địa điểm “check-in” núi Phú Sĩ nổi tiếng. Họ cảm thấy khó chịu vì lượng du khách ngày càng tăng, vứt rác bừa bãi, đi lại tùy tiện và vi phạm luật giao thông chỉ để chụp ảnh.

Lượng khách tăng đột biến cũng khiến một số địa điểm và doanh nghiệp cân nhắc áp dụng hai loại vé, gồm giá thông thường cho người Nhật và giá cao hơn cho du khách nước ngoài.

Chẳng hạn thành phố Himeji đang cân nhắc yêu cầu khách quốc tế phải trả nhiều tiền hơn để tham quan lâu đài Himeji 400 năm tuổi – di sản thế giới của UNESCO. Lý do chính đáng được đưa ra là để đáp ứng phí bảo trì cần thiết. Thị trưởng Kyoto Koji Matsui cũng đang thúc đẩy việc tăng giá vé phương tiện công cộng với du khách.

Tình trạng quá tải du khách chủ yếu đang chỉ xảy ra ở các đô thị lớn như Tokyo, Kyoto và Osaka. Các khách sạn mà Rakuten Travel hợp tác cũng chưa cân nhắc tăng giá phòng lưu trú.

Các khách sạn Nhật Bản đang cố gắng tận dụng sự bùng nổ du khách quốc tế, đồng thời đảm bảo ổn định lâu dài cho doanh nghiệp. “Họ không muốn lặp lại tình trạng thời COVID-19. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào du khách quốc tế rồi sau đó mọi thứ bị đóng cửa, họ sẽ không còn khách hàng nào”, ông Bek nhận định.

Không chỉ Nhật quá tải

Một số điểm du lịch khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng quá tải du khách, chẳng hạn như ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý… gây ra xáo trộn với cư dân sở tại và hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời góp phần vào ô nhiễm giao thông.

Theo báo Independent, thành phố Venice (Ý) đang áp dụng phí tham quan 5 euro trong giờ cao điểm vào mùa hè và mùa xuân nhằm hạn chế lượng khách tham quan. Ở Portofino (Ý), du khách có thể bị phạt tới 275 euro nếu nán lại chụp ảnh gây cản trở giao thông.

Thành phố Athens (Hy Lạp) giới hạn số lượng khách tham quan thành cổ Acropolis xuống còn 20.000 người/ngày. Vịnh Maya (Thái Lan) vẫn duy trì việc cấm bơi lội để bảo vệ các rạn san hô.