Đó là cảm nhận của bạn đọc Dã Quỳ sau 15 năm trở lại chợ nổi Cái Răng, góp thêm một góc nhìn về “Chợ nổi Cái Răng đang bị ‘chìm’ vì ngày càng xa bờ?“.
Giá tham quan chợ nổi chênh lệch gấp đôi
Cách đây 15 năm, khi lần đầu tiên đi chợ nổi Cái Răng, tôi thật sự háo hức và khám phá nhiều điều thú vị. Nhưng hai lần mới nhất đây khi trở lại nơi này, chúng tôi không còn vui như trước mà chỉ có một từ: Chán!
Thứ nhất, về giá cả: Khi vừa check-in khách sạn, cô tiếp tân đã hỏi có đi tour chợ nổi Cái Răng không. Trong đoàn có mấy người chưa đi nên tôi quyết định đăng ký với giá 200.000 đồng/người. Thế nhưng khi chúng tôi đi dạo trên bến Ninh Kiều, không ít nơi chào mời với giá 100.000 đồng/người.
Đem thắc mắc về hỏi lại tiếp tân thì cô này nói do đoàn mình có hướng dẫn viên. Hôm sau đi mới biết tàu nào cũng có hướng dẫn viên. Ngay cả trên tàu của chúng tôi đi cũng có nhiều loại giá khác nhau nhưng dịch vụ hưởng chung, không có quyền lợi gì đặc biệt!
Thứ hai, về giờ giấc xuất phát, có cần thiết phải đi lúc 4h sáng không? Theo giải thích của hướng dẫn viên là do chợ họp sớm nên phải đi sớm mới thấy được cảnh họp chợ trên sông, đặc biệt có thể chụp ảnh bình minh ở cầu Cần Thơ.
Nhưng trong đoàn có người già và trẻ em, thế mà phải dựng dậy hết để xuất phát. Đi bộ ra bến Ninh Kiều mà vẫn chưa tỉnh ngủ. Đến nơi lại phải chờ thêm những người khác đủ chuyến mới mò mẫm xuống tàu, trong lòng vô cùng lo lắng.
Đi chợ nổi mà như dạo mát trên sông
Thứ ba, các điểm đến quá nghèo nàn. Hai bên bờ hầu như không có một kiến trúc gì nổi bật. Các điểm tham quan bán đồ thủ công không có gì đặc sắc. Điểm tham quan làng nghề làm kẹo dừa, làm hủ tiếu quy mô nhỏ, chỉ nhìn chứ không có chút cảm xúc gì để thưởng thức hay mua sắm.
Đặc biệt, nơi đoàn ghé vào ăn sáng lại là một trải nghiệm vô cùng tệ. Do đi quá sớm nên nhiều người không ăn nổi. Họ hẹn với nhau về khách sạn ăn buffet sáng. Thế nhưng hướng dẫn viên dùng đủ chiêu trò để lôi khách lên ăn cho bằng được với những lý do: đồ ăn khách sạn dở lắm, khi về lại khách sạn sẽ không kịp ăn…
Mọi người lại lục tục lên “nhà hàng phao” chỉ bán hủ tiếu và bún riêu. Giá 50.000 đồng/tô nhưng chỉ có vài lát thịt, không ai ăn nổi vì quá dở.
Điều đáng nói là thức ăn dư bị đổ thẳng xuống sông. Trong đoàn có mấy du khách nước ngoài đều lên tiếng bất bình.
Thực tế, chúng tôi quay về khách sạn chỉ hơn 7h sáng. Mọi người còn tranh thủ tắm rửa mới xuống nhà ăn dùng bữa sáng ngon lành.
Thứ tư, sản phẩm chính của tour là chợ nổi nhưng không tạo chút ấn tượng gì. Ghe bán đậu hủ nóng, cà phê, dừa là chính.
Chỉ có vài ghe thưa thớt bán các sản vật địa phương. Ngay cả các cây bẹo treo các loại sản phẩm bán trên ghe cũng không đa dạng và sắc màu nên không bắt mắt, không thu hút người mua. Và giá cũng không hề rẻ hơn trên bờ.
Đã từng đi chợ nổi Pattaya ở Thái Lan nên chúng tôi thấy chợ nổi Cái Răng quá mộc mạc, chủ yếu là xem như dạo mát trên sông, chứ không thể gọi là du lịch thật sự.
Ngay cả dạo trên sông thì đi thuyền trên dòng Chao Phraya của Thái Lan cũng thú vị hơn nhiều vì hai bên bờ có nhiều kiến trúc rất đẹp như cung điện, chùa chiền, đặc biệt có thể ngắm nhìn và cho cá ăn trên sông. Còn hai bên bờ sông Cần Thơ, thứ nhìn thấy nhiều nhất chính là rác…
Để làm sống lại ký ức chợ nổi này cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, sắp xếp các thương hồ lại một địa điểm, đa dạng hàng hóa, dịch vụ, trưng bày bắt mắt. Đặc biệt là giá cả hợp lý, giữ gìn vệ sinh chung… thì may ra mới có thể gây thương nhớ cho du khách xa gần.