Chợ nổi Cái Răng ‘chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe’ lại còn hét giá, cần học Thái Lan?

49
Trước ý kiến cho rằng chợ nổi Cái Răng chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe, nhiều bạn đọc đã đưa ra giải pháp để duy trì và phát triển loại hình du lịch này ở miền sông nước Nam Bộ.
Thay vì là nơi thương hồ mua bán, chợ nổi Cái Răng chỉ sống nhờ khách du lịch - Ảnh: C.QUỐC

Thay vì là nơi thương hồ mua bán, chợ nổi Cái Răng chỉ sống nhờ khách du lịch – Ảnh: C.QUỐC

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sáng 5-7 tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND TP Cần Thơ, chất vấn giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy phản ảnh: khách du lịch chê chợ nổi Cái Răng chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe.

Ý kiến này được đông đảo bạn đọc đồng tình. Nhiều bạn đọc còn đưa ra giải pháp nhằm vực dậy loại hình du lịch đặc thù của miền sông nước.

Chợ nổi Cái Răng không còn hồn xưa

Theo quan sát của bạn đọc Kha Nguyen: Theo thời gian, chợ nổi Cái Răng giờ chỉ còn lại phần nổi để du lịch mà thôi, còn bản chất của một cái chợ thì rất mờ nhạt, nếu không nói là đã mất.

“Chợ nổi miền sông nước là trên bến – dưới thuyền, là đầu mối trao đổi nông sản… trên bờ là kho – bãi.

Nhưng hiện tại làm gì còn cái bến nào để chuyển hàng hóa nữa, có lẽ cũng chẳng còn hệ thống kho bãi cần thiết. Quan trọng nhất là thương lái thực sự không còn nữa, chỉ có những người làm dịch vụ buôn bán kiếm sống.

Tinh thần cốt lõi không còn từ khi có quy hoạch và khai thác du lịch theo kiểu “công nghiệp”, thiếu bền vững. Giờ thì nó vẫn tồn tại dưới dạng hình bóng, đến lúc nào đó sẽ biến mất hẳn.

Đó cũng là bài học cho các nhà quản lý văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy di sản. Muốn làm tốt phải am hiểu sâu sắc và cần có cách tiếp cận tổng thể – dài hạn, không thể đốt cháy giai đoạn hay hời hợt được” – bạn đọc Nguyen Kha phân tích.

Cùng nhận định như vậy, bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp bổ sung: chợ Cái Răng ngày nay đã dần mất cái thật thà chất phác của những người buôn bán trên sông của năm nào.

Cũng theo bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp: “Khách được đưa xuống thuyền, nếu không rành thì bị hét giá đến mức mà giá nào cũng bị hố. Trái cây mua được thì hầu như không ngon bằng trái cây ở chợ, giá cả mắc hơn.

Du khách được đưa đi tham quan các nhà vườn thì chủ yếu phục vụ uống nước giải khát là chính, chứ cảnh vật chẳng có gì hấp dẫn.

Trở lên bờ thì ghé quán cà phê uống nước hay về khách sạn, nằm nghĩ ngày mai lại về Sài Gòn hay xuống Hà Tiên”.

“Một thành phố có sông nước, có đất rộng rãi, khí hậu điều hòa nhưng không giữ được chân của khách và hẹn một ngày trở lại, thật là điều đáng tiếc!”, bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ.

Bài học từ “miền Tây thu nhỏ” ở Hội An

Nhiều bạn đọc đã hiến kế, đưa ra những giải pháp rất thiết thực.

Đầu tiên, bạn đọc Huu Quyen góp ý: “Khu du lịch mà cái bờ kè thiếu thẩm mỹ, bít hết lối lên xuống bờ sông, nhìn bê tông hóa như vậy mất vẻ đẹp tự nhiên truyền thống”.

  • Cần Thơ lập ban quản lý để bảo tồn chợ nổi Cái Răng

Bạn đọc Lý Thị Quan gợi ý: “Ai đã từng đi du lịch Thái Lan chắc biết khu chợ nổi ở Thái Lan. Du khách đến hai chợ này rồi nghĩ về chợ nổi Cái Răng thì một đi không trở lại. Vì sao?

Câu trả lời là: chợ nổi Cái Răng không có gì là đặc sắc, lại thêm cách làm kinh tế trên sông không vì lợi ích cộng đồng mà vì lợi ích cá nhân của người kinh doanh, mong sao bán kiếm lời được ngày nào hay ngày ấy. Làm du lịch như thế thì thua dài dài”.

Gợi ý để chợ nổi Cái Răng nói riêng và loại hình du lịch sông nước phát triển, bạn đọc Nguyen Viet Trung kể: “Tôi rất thích thú với cách làm du lịch của Hội An khi chỉ có một rừng dừa Bảy Mẫu, nhưng họ quảng cáo “miền Tây thu nhỏ”.

Đến đây du khách có nhiều cái để vui chơi như: môn lắc thúng, câu cá, chèo ghe loanh quanh mấy cái kênh, văn nghệ trên sông… Như vậy mà lại lấy tiền du khách.

Chưa kể “miền Tây ở Hội An” họ thật sáng tạo khi còn sản xuất chòi canh, nhà lá, dù lá… từ cây dừa nước chở bán tận Tây Ninh.

Trong khi đó, miền Tây chính hiệu thì lại không làm được”.

Bạn đọc Vinh góp ý: “Nếu chợ nổi Cái Răng có thể duy trì nhiều hơn số lượng chợ truyền thống và bờ kè tự nhiên thì may ra có thể phát triển du lịch”.

Theo bạn đọc này: Hiện tại, chợ truyền thống tuy có hơi bẩn và lộn xộn, nhưng đó là nét văn hóa, là nét tự nhiên, có thể thu hút du lịch.

Nó cũng là kế sinh nhai của nhiều người lao động. Bờ kè nếu có thể thì làm quy mô nhỏ, vừa ít tốn kém, vừa duy trì độ thoát nước tự nhiên, có cây xanh.