​Về làng Sình xem vẽ tranh Tết

35

Không gian vẽ tranh của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.

Những ngày cận tết Bính Thân, không khí vẽ tranh của người dân tại làng Sình (tên chữ là làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) lại càng thêm hối hả, tất bật để kịp phục vụ cho dịp tết cổ truyền.

Đây là dòng tranh gắn liền với tín ngưỡng dân gian, đời sống tâm linh của người dân đất cố đô trong những ngày đầu năm mới. Tranh làng Sình có khoảng 50 đề tài được thể hiện, gồm ba nhóm chủ đề chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật.

Theo ông Kỳ Hữu Phước – một nghệ nhân lâu năm có bốn người con đều theo nghề vẽ tranh làng Sình, tranh làng Sình đã tồn tại hơn 400 năm nay, tuy nhiên theo thời gian đã bị mai một ít nhiều.

“Tranh làng Sình chỉ in thô bằng một bản màu đen rồi tô màu lên bức tranh. Do vậy nên mỗi tác phẩm sẽ không giống nhau. Điều quan trọng, để mỗi bức tranh có sức sống, có hồn thì người nghệ nhân phải toàn tâm, toàn ý trong lúc vẽ, không bị xao nhãng bởi những tác động bên ngoài” – nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho hay.

Hiện nay, tranh làng Sình không chỉ nổi tiếng với dòng tranh thờ cúng dân gian độc đáo, mà còn phát triển thêm dòng tranh du lịch với đa dạng các nội dung là các trò chơi dân gian dịp tết như đấu vật, kéo co… hay cảnh làm việc, sinh hoạt hằng ngày của người dân nông thôn như cấy lúa, kéo cày…

Dòng tranh này thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Nhiều công ty cũng mở các tour du lịch cho khách nước ngoài về với làng Sình để thưởng lãm, mua tranh để làm kỷ niệm. Đây cũng là cơ hội để tranh làng Sình được biết đến nhiều nơi trên thế giới.

Mỗi bức tranh đều được tô màu thủ công, vì vậy không có tác phẩm nào giống nhau. ​Nhiều hộ dân tại xã Phú Hậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) và ở tận TP Đà Nẵng được tiếp cận với cách làm các mộc bản và vẽ tranh làng Sình, trở thành một nghề để kiếm sống.

Những bức tranh thờ tại Trang Ông, Trang Bà,… được tô màu dưới bàn tay thoăn thoắt của anh Kỳ Hữu Hải – người con thứ tư của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Mỗi ngày anh Hải phải in và vẽ hàng trăm bức tranh thờ như thế này.

12 bản khắc để in những bức tranh mang hình 12 con giáp cầm tinh cho thập nhị địa chi trong âm lịch gồm: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Trong ảnh: bản khắc hình một chú khỉ (Thân).

Các bản khắc bộ tranh Bát Âm với tám thiếu nữ chơi đàn trong chiếc áo mã tiên. Bộ tranh Bát âm là một trong những bộ tranh điển hình của làng Sình, nằm trong nhóm tranh nhân vật dùng để thờ cúng.

Những bức tranh miêu tả những trò chơi dân gian dịp đầu xuân như bịt mắt bắt dê, đấu vật… giúp tranh làng Sình nổi tiếng hơn, được du khách trong nước và quốc tế biết đến, tìm hiểu, yêu thích.

Một tờ lịch được in mộc bản, vẽ về đấu vật đầu năm tại Làng Sình, chuẩn bị được tô màu

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước hướng dẫn cho du khách cách in mộc bản tranh làng Sình.

Tranh làng Sình được vẽ trên giấy điệp, khó có thể đem đi xa vì điệp và màu sơn có thể bong ra nếu không được bảo quản tốt. Vì vậy, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã nghĩ ra cách lấy tre lồ ô làm thành ống đựng tranh, giúp tranh được bảo quản. Tên làng Sình, cơ sở sản xuất, số điện thoại đều được viết thủ công lên từng ống tre.

Tranh làng Sình sẽ không mất đi nếu thế hệ sau có thể kế cận và phát triển. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước sẵn sáng dạy cách làm, cách vẽ tranh làng Sình miễn phí cho tất cả mọi người, dù đó là người ngoài làng Sình.

Theo Tuổi Trẻ

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com