Làng hoa giấy Thanh Tiên 400 tuổi ở Huế đón Tết
Thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, làng nghề làm hoa giấy nằm dọc bờ nam, hạ lưu sông Hương, gần ngã ba Sình, cách thành phố Huế 7 km. Nơi đây được bao bọc xung quanh bởi những cánh đồng lúa dài thẳng tắp, những ngôi nhà mái ngói nối dài với những hàng cây xanh phủ bên đường.
Lịch sử để lại, trước đây người dân Thanh Tiên quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Khí hậu ở Huế khắc nghiệt, nắng thì nắng gay gắt, mưa thì dầm dề, kéo dài đến mấy tháng. Do đó người dân ở đây luôn phải lo lắng về kế mưu sinh trong những ngày tháng dài mùa đông lạnh lẽo. Từ đó, nghề làm hoa giấy ra đời.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm là một trong nhiều nghệ nhân làm nghề này đã lâu năm. Thời điểm này bà cùng mọi người tất bật làm lụng phục vụ các đơn đặt hàng của khách.
Còn ông Phạm Loan (62 tuổi), một trong những nghệ nhân đã có gần một đời người làm nghề này chia sẻ ông làm vì muốn lưu giữ lại truyền thống của cha ông, muốn con cháu biết được nét văn hóa đẹp của người Việt chứ về lợi ích kinh tế thì không đáng là bao nhiêu.
Mỗi lần sắp Tết lòng ông như ấm lại. Năm nào gia đình nghệ nhân này cũng sum họp trong nếp nhà đơn sơ với những bông hoa giấy đầy màu sắc.
Hoa giấy tại đây được làm theo nhiều loại như hoa hồng, hoa sen, hoa cúc, đồng tiền…
Ông Loan tiết lộ bí quyết làm hoa giấy tập trung ở khâu nhuộm màu, sao cho giấy giữ được màu sắc lâu bền. Người làm hoa không sử dụng hóa chất công nghiệp, mà dùng các nhựa cây và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm theo kiểu gia truyền.
Những sắc màu làm nên hoa giấy Thanh Tiên được đánh giá là không hề đơn điệu. Từ tờ giấy trắng được nhuộm thành tờ giấy màu bắt mắt với 5 màu chủ yếu: hồng, tím, xanh, vàng, trắng.
Những bông hoa sen trông như thật do họa sĩ sống tại làng là ông Thân Văn Huy sáng tạo từ chính nguyên liệu làm hoa giấy truyền thống. Hoa sen giấy tại đây có tuổi đời muộn hơn, xuất hiện từ năm 2008 đến nay.
Những đóa sen giấy ngũ sắc được ông chăm chút, tỉ mẩn từng chi tiết với các kỹ thuật dập chỉ độc đáo của làng nghề này kết hợp với kỹ thuật tranh lụa, tranh thủy mặc nhuộm giấy từ đậm sang nhạt, có độ loang đều.
Họa sĩ Thân Văn Huy kể có người hỏi hoa sen chỉ có màu hồng và màu trắng nhưng tại sao hoa sen giấy của anh lại có nhiều màu sắc anh bảo: “Trong bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Phật giáo mỗi đóa hoa sen là tượng trưng cho một vị Phật. Tôi cũng lấy ý tưởng từ đó mà làm nên những đóa sen giấy nhiều màu sắc bởi hoa sen là loài hoa của Phật giáo”.
Hoa sen giấy được cắm trang trọng trên bàn thờ Phật. Người Huế rất coi trọng vấn đề tâm linh, thờ cúng. Theo quan niệm của họ, hoa giấy là loại hoa tinh khiết, không có sự ảnh hưởng uế tạp do việc dùng phân bón như hoa tươi, hay thép, nhựa. Do đó nghề làm hoa giấy ở đây không bị mai một như các nghề truyền thống khác.
Ngoài để thờ cúng thì hoa sen giấy còn được làm thành bình hoa đất, có lắp thêm đèn điện để trang trí phòng khách hay làm điểm nhấn cho nội thất căn phòng. Hàng năm, hoa giấy Thanh Tiên được đem đi trưng bày ở các lễ hội như Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế, Lễ hội sóng nước Tam Giang…
Nhằm kịp thời cung ứng cho nhu cầu của mọi nhà vào dịp Tết, vào thời điểm này những người ưa thích hoa giấy đã có thể tìm tới làng này để đặt mua. Giá bán hoa giấy Thanh Tiên loại để trên bàn thờ cúng Táo quân 15.000 đồng/cặp, còn hoa sen giấy đắt hơn, giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/bông.
Theo tư liệu làng hoa giấy Thanh Tiên ra đời gần 400 năm trước, từ thời nhà Nguyễn. Sau khi vua Gia Long thu giang sơn về một mối, nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi một trấn đem về kinh thành một loài hoa quý. Trong triều đình có một vị quan người làng Thanh Tiên làm ở Bộ Lễ chức Tả Hữu Đồng Nghị dâng lên nhà vua một loài hoa ngũ sắc với đầy ý nghĩa Tam Cương – Ngũ Thường: “Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung – Hiếu – Nghĩa. Trong đó luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín”.
Theo Lê Huy Hoàng Hải/Zing news