“Đổ cái rầm” trước làng hương Thủy Xuân ở Huế, cứ lên hình là cho ảnh đẹp
Bước chân đến đầu làng, hương thơm của hương đã tỏa ngát khắp không gian. Dạo quanh làng hương Thủy Xuân, đâu đâu cũng là những vòm hương đẹp mắt, tỏa ngát hương cả một vùng. Nơi đây còn có những nghệ nhân tài hoa đang từng ngày giữ gìn nghề truyền thống mang hồn cốt của dân tộc Việt.
Để làm ra một cây hương thì khâu đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu, thường gồm: ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế… hòa với nước, trộn lại với nhau làm bột hương. Sau đó là công đoạn làm lõi hương, lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ đều tăm tắp, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn. Tre làm lõi hương là tre già lấy từ rừng Nam Đông, Bình Điền, Phong Sơn. Bột hương trộn dẻo rồi được se quanh lõi hương, se sao cho vừa đủ mỏng, tròn thì lại đem đi phơi nắng.
Người dân làng Hương Thủy Xuân vẫn lưu giữ cách làm hương truyền thống thay vì máy se hương tuy khá vất vả hơn nhưng lại dân gian, giữ gìn nét truyền thống, “hồn cốt” của nghề.
Chân hương được người nghệ nhân nhuộm tẩm khéo léo từ nước sôi và bột màu để luôn tươi sắc và bền màu. Hương trầm được tạo ra ở đây có mùi hương đặc trưng, sâu lắng, được ưa chuộng ở khắp nơi, không chỉ vì chất lượng mà còn bởi cái tâm người nghệ nhân đặt vào nghề. Những bông hoa chân hương vừa để phơi nắng sau khâu nhuộm, vừa là một chiêu “marketing” bởi chính những người nghệ nhân làm hương làng Thủy Xuân, không chỉ khéo tay mà còn khéo níu chân du khách.
Bởi vậy mới nói, đến Huế đâu chỉ để nghe câu hò trên sông Hương, nghe nhã nhạc Cung đình, thăm Cố đô, rồi thăm những lăng mộ của các triều đại vua chúa. Nếu có cơ hội đặt chân đến Huế, đừng bỏ qua cơ hội thăm thú làng hương Thủy Xuân xinh xắn này bạn nhé!
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com