Cung Diên Thọ – Cung điện quy mô nhất còn tồn tại ở Huế

48

Cung Diên Thọ – Cung điện quy mô nhất còn tồn tại ở Huế

Kiến trúc toàn bộ cung Diên Thọ

Xây dựng vào tháng 4 năm 1804 để làm nơi sinh sống của mẹ vua Gia Long. Cung Diên Thọ sau đó tiếp tục được các đời vua sau cho đại tu, sửa chữa và đổi tên nhiều lần để trở thành nơi ở của nhiều vị Hoàng thái hậu.

Cổng cung Diên Thọ. Ảnh: liwu_yuxin.

Trải qua bao biến cố lịch sử, cung Diên Thọ tuy bị hư hỏng do thời gian và chiến tranh, nhưng những gì còn sót lại vẫn thể hiện phần nào về nếp ăn ở và sinh hoạt của các bậc mẫu nghi thời phong kiến.

Ảnh: thanhsu162

Khuôn viên cung Diên Thọ ngày nay có diện tích 17.500m² gồm hơn 10 tòa nhà được bố trí trong khuôn tường thành hình chữ nhật rộng khoảng 100m, dài 150m, cao quá đầu người. Các công trình còn tồn tại như Diên Thọ chính điện, điện Thọ Ninh, lầu Tịnh Minh, tạ Trường Du, các Khương Ninh được nối kết với nhau bằng hệ thống hành lang có mái che.

Sập ngồi của Thái hậu. Ảnh: liwu_yuxin.

Tòa nhà Cung Diên Thọ được xây hình chữ nhật, rộng 27,5m, dài 34,7m, gồm bảy gian, hai chái, hai hiên trước và sau. Hệ thống vì kèo tiền doanh làm theo kiểu chồng rường giả thủ, chạm trổ tỉ mỉ. Bốn gian hai bên được ngăn riêng thành buồng kín làm nơi ở của Hoàng Thái Hậu.

Điện Thọ Ninh: nằm cách cung Diên Thọ một sân rộng chừng 20m, thường dùng cho các bà mẹ thứ của vua ở. Diện tích Điện nhỏ, kiến trúc đơn giản nhưng thoáng mát. Điện nối với cung bằng hai dãy hành lang ở bên sân.

Một góc điện trong cung. Ảnh: liwu_yuxin.

Tạ Trường Du: là ngôi nhà thủy tạ nằm trên hồ nước dài 28m, rộng 20m, nền lát gạch hoa, vách bằng gỗ, trổ nhiều cửa sổ, nội thất tinh xảo. Trên bờ nóc chắp bầu rượu bằng pháp lam. Quanh tạ xây lan can, mặt trước có cầu nối với bờ Nam hồ. Hai bên hồ đắp hòn non bộ, trên có am nhỏ và cầu nối.

Nội thất bên trong nhà Tả Trà. Ảnh: ngnbaophat.

Am Phước Thọ (hay Khương Ninh Các): nằm đối xứng với Tạ Trường Du vừa là chùa thờ Phật, vừa là am thờ thánh. Nhà có ba gian, hai tầng. Tầng dưới có bàn thờ ở gian giữa, hai bên là nơi ở của các sư nữ. Sân am lát gạch Bát Tràng, có bể cạn và trồng cây cảnh.

Tạ Trường Du. Ảnh: hoaian.nt.

Tầng trên, phía trước được trần thiết lộng lẫy, với đủ cờ phướn, khám thờ, tranh tượng, bài vị… Phần phía sau cũng có năm gian thờ. Ðặc biệt, ở đây còn thờ hai tượng Tổ nghề hát bội. Ðây là chi tiết thú vị và khác biệt so với những di tích thờ phụng khác mà các Vua Nguyễn đã cho xây cất.

Một lối đi rêu phong. Ảnh: nadiatasso.

Lầu Tịnh Minh: được xây dựng năm 1927 trên nền của nhà hát Thông Minh đường. Đây là một tòa lầu theo lối kiến trúc hiện đại, trang trí nội ngoại thất đều theo kiểu Tây, dành cho mẹ vua Bảo Đại ở.

Nghệ thuật trang trí của cung Diên Thọ

Về mặt thẩm mỹ, cung Diên Thọ mang giá trị nghệ thuật cao, đặc biệt là nghệ thuật trang trí, tạo cho công trình sự đa dạng, phong phú và sinh động, tăng thêm độ uy nghiêm và rực rỡ cho kiến trúc hoàng gia.

Ảnh: keyle88

Có nhiều vật liệu được sử dụng, như gỗ, khảm sành sứ, bột màu, xi măng. Gỗ được sử dụng nhiều nhất, được chạm khắc nông từ vì kèo, liên ba, đố bảng… gần gũi với thiên nhiên và rất phương Đông. Sành sứ tạo nên bề mặt công trình nhiều màu sắc thích hợp khi đặt ở ngoại cảnh, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tạo cho không gian rực rỡ hơn.

Ảnh: olaa.le

Ở cụm kiến trúc Diên Thọ, sành sứ có ở khắp nơi, từ cổng, bình phong đến ngoại thất chính điện, lầu Tịnh Minh, Tạ Trường Du, đi kèm theo đó là nghệ thuật khảm. Gốm sứ là chất liệu cứng, khi khảm đòi hỏi nghệ nhân tay nghề cao, quá trình làm việc vô cùng tỉ mỉ và chính xác.

Ảnh: duong_tuan

Các nghệ nhân sử dụng vôi vữa và bột màu làm chất liệu trang trí. So với gỗ và sành sứ, vôi vữa ra đời muộn hơn nhưng ưu điểm rẻ tiền và bền nên nhanh chóng được đưa vào sử dụng đắp nổi các tượng tròn, hoặc phù điêu. Các vật trang trí này có sức chống chịu được với thời tiết khắc nghiệt.

Khoảng sân trong cung. Ảnh: mineyes_vp89.

Các đề tài trang trí rất phong phú và đa dạng, như tứ linh, tứ qúy, bát bửu hay bát quả. Ngoài ra những hình tượng có điềm lành như dơi, cá cũng xuất hiện nhiều. Các đề tài này thể hiện niềm mong ước về triều đại thái bình thịnh trị, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hay thể hiện niềm mong ước gia đình sum vầy.

Hồ sen trong cung Diên Thọ. Ảnh: tuantruongduc.

Những nghệ nhân không áp dụng quy luật màu sắc trong các vật liệu trang trí một cách tùy tiện, mà có sự nghiên cứu cẩn thận và thường áp dụng hai quy tắc cơ bản là tương phản và chính phụ.

Trong trang trí các ô hộc về đề tài Bát Bửu hay Bát Quả, màu nền bao giờ cũng thường tương phản nóng lạnh với các hình tượng chính, gây ra sức hút về mặt thị giác. Nhìn toàn diện, màu lam chiếm vai trò chủ đạo trong cung Diên Thọ.

Ảnh: lanhue

Theo quan niệm của người Huế xưa, màu nóng đại diện cho nam giới biểu thị cho tính dương. Ngược lại, màu lam tượng trưng cho phái nữ bởi tính dịu dàng và khiêm nhường. Vì vậy dù là tranh tường hay khảm sành sứ đều là màu xanh áp đảo, còn màu nóng chỉ làm điểm nhấn chấm phá.

Tất cả những kiểu kiến trúc, nghệ thuật trang trí cung Diên Thọ đã để lại cho hậu thế những công trình lịch sử mang tầm vóc lớn lao, để thế hệ sau hiểu rõ hơn về thời đại phong kiến nước nhà. Hãy đặt tour Huế ở iVIVU nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn cho chuyến thăm cố đô thêm hoàn hảo!

Theo iVIVU.com

Xem thêm bài viết

5 địa điểm check-in khi du lịch Huế vào mùa thu

Hòn đảo Sơn Chà – Đảo ngọc của xứ Huế mộng mơ

Làng cổ Phước Tích – Ngôi làng mang nét Huế xưa cũ hơn 500 năm