Đến Cao Bằng thử ăn trứng kiến

68

Ngoài món , Cao Bằng còn chiêu đãi du khách thật nhiều đặc sản thơm ngon mang hương vị núi rừng Tây Bắc như: rau dạ hiến, vịt quay 7 vị, xôi trám, hạt dẻ Trùng Khánh…

>> Tuyên Quang có đặc sản gì hấp dẫn?

>> Độc đáo món ăn ngày Tết ở các quốc gia châu Á

>> Ba món ăn nổi tiếng ở phố núi Pleiku

1.Vịt quay 7 vị Cao Bằng

Gọi là món Vịt quay 7 vị vì người Cao Bằng dùng đến 7 loại gia vị khác nhau để ướp món thịt vịt này. Người Tày sống ở miền đông tỉnh Cao Bằng chế biến vịt quay 7 vị ngon nhất, chỉ cần đi sang miền Tây, đã không còn mang cái vị lạ hấp dẫn ấy nữa. Vịt quay chín còn nóng giãy, bị xẻ làm đôi chỉ bằng đúng một nhát dao. Nước dùng trong bụng vịt được đổ riêng ra bát, dùng luôn làm nước chấm hoặc tưới lên đĩa thịt. Vịt sau khi quay được chặt nhỏ xếp ra đĩa, da óng màu mật, rộm vàng cánh gián. Lớp thịt sau da màu hồng đào, vừa chín tới, mềm và ngọt nhưng không bở, không dai. Quyến rũ hơn cả là mùi thơm hấp dẫn khó tả.

2. Rau dạ hiến

Dạ hiến (hay còn gọi là rau bồ khai), tiếng Tày – Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng không phải chỗ nào cũng có. Vì thế, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, ai vào rừng hái được một, hai nắm rau dạ hiến là cảm thấy rất quý. Dạ hiến không đơn thuần là một thứ rau rừng có vị ngon, hấp dẫn một cách kỳ lạ mà còn là vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt và nhiều tác dụng với các bệnh khách. Rau dạ hiến xào với tỏi là món ăn dân dã và ngon miệng.

3. Bánh trứng kiến

Cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm, bà con dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng lại cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen về làm bánh Trứng kiến. Bánh Trứng kiến (tiếng Tày gọi là pẻng rày) được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Trứng kiến đen ở rừng Cao Bằng rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến. Đây là một trong những nét văn hóa ẩm thực mang giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng.

4. Hạt dẻ Trùng Khánh

Khi nói về các sản vật quý của Cao Bằng ai cũng nhớ đến Hạt dẻ Trùng Khánh. Du khách nhớ đến hạt dẻ vì nó là loại quả có hương vị thơm ngon nhất; bùi ngậy nhất, dù bạn chế biến luộc, rang, sấy hoặc ninh với chân giò, thịt gà, hạt dẻ vẫn giữ được hương vị. Mùa thu hoạch hạt dẻ ở Trùng Khánh thường vào vào tháng Chín, tháng Mười hàng năm.

5. Xôi trám Cao Bằng

Chọn trám đen chín mọng, tươi, ngâm nước ấm rồi lấy thịt trám trộn với xôi đã đồ. Xôi trám (khẩu nua mác bây) dậy mầu hồng tím, ăn thơm và béo ngậy. Vào tháng tám, tháng chín âm lịch, người dân lên rừng hái quả. Trám nấu xôi chọn quả chín mọng, không bị sâu, hái về ngâm vào nước ấm khoảng 25 đến 30 độ C một lúc cho mềm (nước nóng hơn trám sẽ không mềm). Trám om rồi đem bóc vỏ đen, lấy phần thịt bỏ hột, rồi trộn với xôi đã đồ chín đảo thật đều, nhuyễn, xôi có mầu hồng tím là được.

6. Bánh áp chao

Mùa đông ở Cao Bằng có một món ăn rất đặc biệt, món ăn làm xua tan đi nhanh chóng cơn giá lạnh miền núi. Đó là món ăn thoạt nhìn thì giống bánh rán, nhưng không phải là bánh rán, người Cao Bằng gọi đó là áp chao. Món ăn được nhiều người Cao Bằng rất mê, và rất nhớ khi đi xa vì cái sự đơn giản nhưng ngon khó diễn tả. Chỉ cần một hũ bột, nêm gia vị đơn giản, với một chảo dầu đầy, nóng, lấy khuôn đong từng đọt bột, nhúng vào chảo dầu sôi lên, ăn nóng kèm với một số phụ gia, rau thơm.

7. Bánh khảo

Mỗi dịp xuân về, người Cao Bằng hối hả sửa soạn làm bánh khảo – bánh cổ truyền không thiếu được trên bàn thờ cúng tổ tiên. Bánh khảo thực chất là một thứ lương khô của bà con Tày, Nùng, cất để ăn cả tháng cũng không mốc, không ỉu. Với phong tục đón Tết trong cả tháng đầu xuân, thì chừng nào trong nhà còn bánh khảo, chừng đó vẫn còn là Tết. Làm bánh khảo đòi hỏi phải khéo léo và tỉ mẩn. Bánh khảo thì ai có dụng cụ cũng có thể “làm được”, nhưng muốn “ăn ngon” thì thật là kiệt tác.

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU