Bất an với thị trường thực phẩm
Không chỉ dùng để ăn trong ngày lễ truyền thống, làm mâm cỗ cúng bái mà bánh Trung thu còn trở thành quà tặng quen thuộc mỗi dịp tháng 8. Ngoài chất lượng, những năm trước, hình thức và mức độ cao cấp của bánh được chú trọng đặc biệt. Người ta sẵn sàng bỏ ra vài trăm nghìn cho 1 hộp bánh vì thương hiệu. Tuy nhiên, suốt thời gian gần đây, những tin tức về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã khiến không ít người lo ngại và càng tỉ mỉ hơn trong nhu cầu ăn uống. Bánh Trung thu cũng không nằm ngoài nỗi lo lắng đó. Đến hẹn lại lên, thị trường bánh nhộn nhịp sôi động từ cách đây cả tháng, và càng được chú ý, thì những vấn đề bên cạnh cũng đáng quan tâm không kém.
Xuất phát từ những thông tin trên mạng xã hội, đưa ra bằng chứng nguyên liệu làm bánh không phải từ tự nhiên mà là hóa chất trộn bột, hay bánh sử dụng chất bảo quản,… Thậm chí có thông tin được cho là từ người thân công tác tại Trung Quốc, rằng bánh Trung thu tại Việt Nam đa phần được nhập từ đây và không an toàn đến mức cả người dân Trung Quốc cũng không dám ăn.
Nỗi lo lắng dâng cao khi một số tin tức lan truyền cho biết tình trạng này còn xuất hiện ở cả cửa hàng danh tiếng. Tuy chỉ là tin đồn, nhưng vì thật sự không biết rõ quy trình cũng như có thể kiểm tra được, cộng thêm việc sau lễ, những chiếc bánh có giá cả trăm nghìn được “đổ đống” với giá chưa đến 10.000đ làm người tiêu dùng càng không tin tưởng ở nhà sản xuất.
Bánh “tại gia” lên ngôi
Từ thực tế này, xu hướng mua bánh Trung thu năm nay chuyển hẳn sang bánh tự làm tại gia. Muôn vạn hình thức mọc lên như nấm và được ưa chuộng nhiệt liệt.
Có thể thấy rõ ràng xu hướng này, như:
– Xếp hàng mua bánh gia truyền ở Hà Nội: Những hình ảnh kẹt xe trên đường Thụy Khê để chờ mua bánh Trung thu tại cửa hàng truyền thống ở Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, có thể lý giải được, khi mà càng bất an với bánh mẫu mã đẹp, người ta càng yên tâm với bánh đơn giản nhưng được tận mắt thấy quá trình chế biến. Được biết, bánh ở các cửa hàng này còn được khuyến cáo sử dụng trong vòng 7-10 ngày, càng làm mọi người tin tưởng việc không sử dụng chất bảo quản, nguyên liệu tươi ngon.
– Bánh “nhà làm” tràn ngập Facebook: Cũng như cơn sốt rau sạch nhà trồng, trào lưu bánh “nhà làm” cũng rộ lên trên các mạng xã hội. Với ưu điểm có thể đưa ảnh nguyên liệu, quy trình trình bày rõ ràng trên mạng, cộng với việc thông tin qua người quen, dựa trên độ tin cậy, dù không mở cửa hàng, các tiệm bánh tại gia cũng thu hút khá đông người quan tâm.
Với lời cam đoan không sử dụng chất bảo quản, nguyên liệu 100% nguyên chất, cùng nhiều hình thức mới lạ như hình heo con, gà,… dù không có những nguyên liệu cao cấp như vi cá, bào ngư,… thì bánh tại gia vẫn đắt khách. Cộng thêm, nếu người sản xuất có người quen với lượt follow cao trên Facebook, việc quảng bá trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
– Bánh Trung thu rau câu: Nếu như một số “ông lớn” tung ra sản phẩm bánh Trung thu kem lạnh như điểm nhấn độc đáo, thì ở thị trường bánh tại gia, bánh Trung thu rau câu cực kỳ hút hàng. Có hình thức như chiếc bánh truyền thống, nhưng làm từ rau câu với nhân bánh flan, đậu xanh, đậu đen, khoai môn, bánh trung thu mới lạ này vừa không khó làm vừa hấp dẫn. Nguyên liệu lại đảm bảo khá bình dân với dừa, lá dứa, café,.. Dạo một vòng Facebook cũng có thể thấy hàng chục nơi bán bánh loại này. Gía dao động từ 30K/chiếc.
– Lớp học làm bánh Trung thu: Bên cạnh việc lựa chọn các cửa tiệm tại gia, không ít người tham gia các lớp dạy làm bánh đang nở rộ. Trên nhiều trang web, các công thức hướng dẫn tự làm bánh Trung thu an toàn cũng được chia sẻ liên tục.
Điểm bất lợi của các bánh làm tại gia này là không dùng chất bảo quản nên phải ăn trong thời gian ngắn (3 – 5 ngày), không phù hợp lắm cho mục đích làm quà biếu. Tuy vậy, có thể nói trào lưu làm bánh trung thu “tại gia” là một xu hướng mới mẻ, thể hiện ý thức cao hơn của người Việt về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
***
Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com