Sài Gòn: Trở về ngày xưa nếm món kẹo tơ hồng

75

Kẹo chỉ (hay còn gọi là “kẹo giũ”, “kẹo tơ hồng”) – một thứ quà vặt được ưa thích của rất nhiều trẻ em. Hiện nay, thị trường có hàng trăm, hàng ngàn loại bánh kẹo khiến cho kẹo chỉ không còn phổ biến như trước.

Nói là kẹo nhưng kẹo chỉ lại giống bánh hơn, không chỉ do hình dạng mà còn bởi thành phần cấu thành và các bước hoàn thiện.

Đường được thắng (nấu) dẻo, để nguyên thanh, bọc nilon, có khách yêu cầu, người bán mới kéo ra và chia nhỏ. Thường họ sẽ dùng tay không để làm kẹo vì “như thế mới thật tay”, chú Lương, người bán kẹo chỉ lâu năm cho biết. Để người ăn không thấy dơ, trước và sau khi làm kẹo, người bán sẽ lau sạch tay.

Người bán đang biến cục đường thành nhiều sợi nhỏ.

Loại bánh tráng dùng để làm “vỏ” cho kẹo chỉ.

Từ thanh đường lớn, họ sẽ kéo ra, lấy một lượng đường vừa phải, gấp nó lại thành vòng tròn, rồi liên tục cuộn và lăn với bột năng (đã chín). Sau các động tác lặp đi lặp lại nhanh lẹ, thuần thục như ảo thuật của người thợ, khối đường lớn trở thành những sợi nhỏ, nhẹ và tơi mềm. Những sợi đường hồng hồng, dây dây như ngàn sợi chỉ trong tay người làm.

Lúc này, họ sẽ giũ một cái thật mạnh để bột năng rơi ra hết, rồi cho nắm chỉ đó lên bánh tráng xốp. Chính vì thế mà kẹo chỉ còn được gọi là “kẹo giũ”.

Những sợi đường này sẽ được đặt nhẹ nhàng lên bánh tráng.

Sợi đường có màu hồng nhạt, rất mảnh.

Lớp kế tiếp là dừa nạo sợi. Dừa cũng được giữ nguyên trong vỏ, khi nào làm mới nạo nên không bị khô mà rất tươi và ngọt.

Sau đó là đến đậu phộng rang đã lấy vỏ với mùi thơm bùi. Cuối cùng là sữa đặc có đường. Để hoàn thiện, người bán sẽ thêm một lớp bánh tráng phía trên.

Dừa nạo tươi, thơm và ngọt.

Đậu phộng rang và sữa đặc được cho lên trên cùng.

Nhìn kẹo chỉ thật hấp dẫn với các tầng nguyên liệu.

Cuối cùng là lớp bánh tráng thứ 2.

Dù nguyên liệu chủ yếu bằng đường nhưng kẹo không ngọt khé do có sự hòa trộn các vị khác. Cắn một miếng thấy dai dai trong miệng. Khi nhai, sẽ thấy dẻo dẻo ngọt ngọt của đường quấn vào bánh tráng, rồi kiểu béo mà không ngán của dừa cùng với vị bùi mà thanh thanh của từng sợi dừa tươi, bùi thơm đặc trưng của đậu phộng rang, sữa đặc tạo nên một thứ mùi vị đặc biệt.

Tuy nhiên, kẹo nên ăn sớm, vì để lâu, với thời tiết nóng của Sài Gòn, đường, sữa, nước dừa sẽ chảy ra khiến kẹo ướt và không thơm ngon như ban đầu. Tùy theo khẩu vị, người mua có thể yêu cầu gia giảm hay tăng các loại nguyên liệu làm nên kẹo.

Mỗi chiếc chỉ có giá 5.000 đồng.

Nếu mua về nhà, người bán sẽ cho kẹo vào bịch nilon trắng sạch sẽ.

Giữa ồn ào của Sài Gòn, nếu muốn nhớ lại thời tuổi thơ, hãy ghé qua khu Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Đại học Tự Nhiên (đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5) để tìm lại vị của món kẹo chỉ ngọt ngào ngày xưa.

Những chiếc xe bán kẹo chỉ thường là xe đạp rất đơn giản, có thùng nhỏ phía sau đựng các nguyên liệu, một cặp loa vừa đi vừa phát tiếng rao. Và thường bán theo kẹo kéo vì cả hai đều được làm từ một nguyên liệu chính, đó là đường.

Xe bán kẹo chỉ rất đơn giản.

Vì phải kéo như thế này nên kẹo có cái tên gợi hình: “kẹo kéo”

Mỗi chiếc kẹo kéo cũng có giá 5.000 đồng.

Xem thêm bài viết:

10 món ăn vặt dưới 10 nghìn đồng ở Sài Gòn

Ẩm thực Sài Gòn phong phú món ngon thế giới

Cơn sốt chè khúc bạch ở Sài Gòn