Cà phê đường tàu: Không để hành vi bất thường của cô gái làm ‘chết’ oan sản phẩm du lịch độc đáo

62
Sau vụ cô gái lao ra đường ray tạo dáng, câu chuyện cà phê đường tàu tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Cấm hay không cấm, hoặc quản cách nào hợp lý… được bạn đọc đặt ra và có nhiều ý kiến trái chiều.
Các du khách nước ngoài ngồi sát vào dãy nhà bên đường tàu - Ảnh: NAM TRẦN

Các du khách nước ngoài ngồi sát vào dãy nhà bên đường tàu – Ảnh: NAM TRẦN

Nhằm góp thêm một góc nhìn xung quanh vấn đề đang khơi lên nhiều tranh luận này, Tuổi Trẻ Online giới thiệu chia sẻ của ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia về du lịch.

Chưa thưởng thức cà phê đường tàu thì chưa đến Hà Nội

Cà phê đường tàu” lại dậy sóng truyền thông và mạng xã hội sau việc cô gái “lao ra đường ray tạo dáng khi tàu đang phóng tới”.

  • Vụ cô gái lao ra đường ray tạo dáng: Bạn đọc đề nghị dẹp ngay cà phê đường tàu

Nhiều người bức xúc đòi dẹp ngay tất cả quán xá, vì quá nguy hiểm. Số khác bình tĩnh hơn, đa phần là dân du lịch.

Cả công ty lữ hành và du khách, không ai đồng ý với hành động của cô gái nhưng đề nghị cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Vụ việc xảy ra, ngành chức năng lập biên bản, chủ quán, người nhào ra cứu khách, đã bị phạt.

Từ hành động nguy hiểm của cô gái, ngành chức năng phát hiện chủ quan kinh doanh không phép. Xem clip vụ việc, có người suy đoán: hoặc cô gái có vấn đề; hoặc có sự sắp xếp, tạo scandal, câu view.

Cà phê đường tàu được xem là sản phẩm mới, dù xuất hiện ở Hà Nội từ năm 2017.

Đường sắt xuyên Việt nối liền 20 tỉnh thành với mấy chục km đi qua các khu đô thị. Nhiều nơi, vách nhà chỉ cách đường tàu chưa tới 2m. Không chỉ nguy hiểm về tính mạng mà khổ nhất là tiếng ồn, vì xe lửa chạy suốt đêm và hụ còi khi qua khu dân cư. Vì nhiều lý do nên đành chịu, chẳng ai sung sướng gì khi ở cạnh đường tàu.

Hàng chục km đường tàu qua các khu dân cư nhưng chỉ Hà Nội biết tạo nên sự khác biệt tích cực cà phê đường tàu. Sản phẩm lập tức gây hiệu ứng, thu hút khách quốc tế.

Các chuyên gia du lịch và nhiều công ty lữ hành đánh giá đây là sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo rất Việt Nam của Hà Nội, không giống các sản phẩm du lịch cạnh đường ray ở Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan, Campuchia…

“Railway Cafe, Hanoi, Vietnam” (Cà phê đường tàu, Hà Nội, Việt Nam) trở nên nổi tiếng khắp thế giới, là điểm đến không thể thiếu trong chương trình “Hanoi tour”.

Cà phê đường tàu xuất hiện dày đặc trên Facebook, Zalo và trong rất nhiều sổ tay quảng bá du lịch. Asia Exotica Travel còn khẳng định: “Chưa thưởng thức cà phê đường tàu coi như chưa đến Hà Nội”.

Biến nguy hiểm thành cơ hội kinh doanh

Chợ đường tàu ở Maeklong (Thái Lan) rất độc, lạ thu hút rất đông du khách tham quan, chụp hình - Ảnh: T.L

Chợ đường tàu ở Maeklong (Thái Lan) rất độc, lạ thu hút rất đông du khách tham quan, chụp hình – Ảnh: T.L

Ở Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, không chỉ bán cà phê mà còn họp chợ ngay trên đường ray. Đài Loan tổ chức thả đèn trời ước nguyện trên đường ray. Campuchia có sản phẩm “Bamboo train” không đụng hàng ở Battambang.

Người Campuchia dùng máy nổ, có dây curoa, tạo lực đẩy cho bamboo train chở hàng hóa và du khách trải nghiệm xe lửa nông dân tự chế. Khi xe lửa sắp chạy tới, họ mời khách xuống, khiêng bamboo train khỏi đường ray. Các chợ và thả đèn trời chỉ hoạt động trong thời gian không có xe lửa đi qua.

  • Khách Tây vẫn đến cà phê đường tàu nườm nượp sau vụ cô gái lao ra đường ray chụp ảnh

Họ quản lý đơn giản, hiệu quả, an toàn. Cả người mua lẫn người bán đều tự giác.

Chưa có nước nào có ý định xóa sổ sản phẩm du lịch độc đáo, chỉ mấy nước châu Á mới có và không nơi nào giống nơi nào.

Tôi không tán thành cách làm có vẻ xô bồ của cà phê đường tàu Hà Nội hiện nay nhưng sẽ phản biện tới cùng nếu sản phẩm này bị xóa sổ.

Không thể vì hành vi bất thường của một cô gái mà cả sản phẩm du lịch độc đáo bị chết oan.

Dù còn những bất cập nhưng cà phê đường tàu là sản phẩm hút khách, là một phần của thương hiệu du lịch Hà Nội.

Để có được những sản phẩm như vậy cần rất nhiều yếu tố, không phải muốn là được. Tạo dựng được sản phẩm mới hấp dẫn là chuyện không dễ dàng, còn đập bỏ thì quá dễ. Thực tế đã chứng minh chuyện “không quản được thì cấm” không phải lúc nào hiệu quả, thậm chí tác dụng ngược.

Lời giải bài toán cà phê đường tàu là quản lý. Các hộ kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy theo chuẩn quốc gia.

Khuyến khích mở cà phê đường tàu, thậm chí cả quán ăn đường tàu ở những nơi có không gian hợp lý. Không cần rào chắn, chỉ cần kẻ vạch an toàn. Lịch tàu chạy luôn cố định, trước giờ tàu tới 30 phút, tất cả phải lùi vào vạch an toàn. Hộ kinh doanh vi phạm, rút giấy phép. Khách vi phạm, phạt tiền thật nặng.

Sản phẩm cà phê đường tàu của Hà Nội là gợi ý sáng tạo rất hay cho nhiều địa phương khác, vận dụng cảnh quan đô thị thuần Việt dọc đường tàu.

Từ tranh bích họa, các điểm check-in, các loại hình văn hóa đường phố (ở đây là đường ray) cho đến hiệu ứng truyền thông và tác động dây chuyền của đám đông. Nên thay các đèn lồng trang trí bằng đèn ngôi sao thủ công thuần Việt.

Sản phẩm chỉ bền vững khi xuất phát từ nhu cầu thực tế của người mua, không vi phạm pháp luật và đạo đức.

Theo tôi, cà phê đường tàu cần được nâng cấp quản lý và chuẩn hóa dịch vụ, biến “nguy thành cơ”, không chỉ với đường tàu mà ở nhiều lĩnh vực khác.

Phải tính toán đánh đổi và cân đối nhiều thứ

Đường tàu có từ năm 1902 và các gia đình ở đây đã 3 thế hệ. Ý tưởng cà phê đường tàu mới xuất hiện từ năm 2017, rộ lên sau đó. Địa phương và các đơn vị chức năng như đường sắt… nhiều lần nhắc nhở, xử phạt, ra quân tháo dỡ nhưng đâu lại vào đấy.

Mạng du lịch nước ngoài nói rất nhiều về 2 đoạn đường tàu có một không hai này. Tâm lý càng cấm đoán, càng nhắc đến nhiều thì càng tò mò, muốn du lịch trải nghiệm.

Có ý kiến đề nghị dẹp hẳn, làm mới cầu Long Biên và tuyến mới, giải tỏa trắng hai đoạn này trả lại hành lang an toàn. Thế nhưng phải tính toán đánh đổi và cân đối nhiều thứ. Không vội được đâu.

Bạn đọc Phạm Sanh