Lên Bắc Giang ăn đặc sản trứng kiến

57

Du lịch Bắc Giang thưởng thức đặc sản trứng kiến

Trứng kiến gói lá sau sau rừng để nướng – Ảnh: Hoàng Hân

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi nên những đặc sản gắn liền với tuổi thơ luôn là những ký ức khó quên đối với tôi. Món ăn chế biến từ trứng kiến là một trong số đó.

Ngày xưa, những món ăn đó chỉ là thú vui của thời “chăn trâu, cắt cỏ”, nhưng giờ đã trở thành đặc sản mà mỗi mùa những người con đã trưởng thành như chúng tôi lại “thèm thuồng” tìm về.

Trứng kiến chỉ có từ cuối tháng 3 sang tháng 4 âm lịch. Trong thời gian rất ngắn, nếu không nhanh tay, những trứng kiến bé xíu sẽ nở và bạn sẽ không kịp thưởng thức món ngon này.

Người dân quê tôi chế biến rất nhiều món ăn từ trứng kiến, như xôi trứng kiến, bánh trứng kiến nhỏ xinh hay món canh trứng kiến thơm lừng… Nhưng tôi thích nhất là món trứng kiến nướng lá sau sau.

Bên cạnh chuyện ăn, công cuộc đi đánh trứng kiến cũng thú vị không kém. Đầu tiên phải tìm được tổ kiến để đánh. Không phải tổ kiến nào cũng đánh được, phải là tổ kiến đen, to bấu trên những chạc cây.

Khi đã xác định được tổ kiến, phải nhanh chóng hạ xuống cho vào bao tải, nếu không sẽ bị kiến bu đốt đầy người. Gặp ngày nắng khi tổ bị đánh, kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài, còn gặp mưa kiến sẽ nằm lì bên trong rất khó tách lấy trứng.

Khi tổ kiến đã được chặt hạ, mang về và cầm vạc ra gõ nhanh cho kiến và trứng kiến rơi xuống rá, những quả trứng kiến màu trắng sữa, kích cỡ như gạo tấm hoặc như hạt gạo nguyên, căng mẩy. Do trứng kiến rất nhỏ, muốn lấy được nhiều có khi phải đi đến cả ngày trời.

Việc sàng sảy lấy trứng kiến cũng vất vả không kém. Phải khéo léo để tách nếu không trứng kiến sẽ bị giập nát hoặc bị kiến tha đi mất.

Những người có kinh nghiệm đi rừng lâu năm thường truyền tai nhau rằng tổ kiến nào nhìn có màu đen bạc, thớ tổ gờ to, cành cây hơi trĩu, khi chặt cành nâng lên thấy nặng tay, đó sẽ là tổ kiến mẩy. Tổ nào trông đen sì, xốp khỏi mất công chặt đốn, để gây đến mùa sau.

Tổ kiến được chặt hạ mang về để tách trứng và kiến – Ảnh: Hoàng Hân

Tổ kiến được lấy về gõ nhẹ để tách kiến và trứng – Ảnh: Hoàng Hân

Tranh thủ khi ra khỏi rừng chúng tôi cũng nhanh tay hái lấy một ít lá sau sau rừng để về chế biến món khoái khẩu.

Trứng kiến mang về phải làm sạch kiến còn bám lại. Người dân quê tôi thường lấy một khăn mặt ướt sau đó trải nhẹ nhàng lên lớp trứng kiến, những con kiến còn lẫn trong trứng và những mảnh vỏ tổ bẩn bám vào khăn để lộ ra trên rá những quả trứng kiến trắng đục, căng mẩy.

Sau đó, trứng kiến được gói với lá sau sau nướng trên bếp than hoa cho vừa chín tới. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng cũng mang lại hương vị khó quên cho người thưởng thức.

Đưa một gói trứng kiến vào miệng những cái trứng nhỏ xíu như hạt gạo lạo xạo trong lưỡi thật thú vị. Trứng vỡ lụp bụp, có vị béo, vị bùi, chua chua quyện cùng với vị chan chát của lá sau sau rừng tạo thành một hương vị độc đáo và dân dã nhưng không kém phần quyến rũ, mê hoặc.

Nếu muốn thưởng thức món đặc biệt này, các bạn hãy nhanh chân nhấc balô và ghé thăm vùng đất Bắc Giang, chắc chắn món trứng kiến sẽ làm bạn nhớ đến mùa trứng tiếp theo.

Trứng kiến mẩy, căng, thành quả của một buổi chiều – Ảnh: Hoàng Hân

Trứng kiến gói lá sau sau nướng đơn giản nhưng cực hấp dẫn – Ảnh: Hoàng Hân

Theo Tuổi Trẻ