Ăn bánh khoái Thượng Tứ xứ Huế

50

Du lịch Huế thưởng thức bánh khoái Thượng Tứ

Quán bánh khoái Thượng Tứ và bức tường chi chít “lưu bút” của thực khách – Ảnh: THỦY OCG

Trong 10 cửa của Kinh thành Huế thì cửa Thể Nhơn và cửa Đông Nam (còn có tên gọi khác là cửa Thượng Tứ) dường như là cửa quen thuộc nhất với nhiều du khách. Có lẽ vì nếu di chuyển từ nội kinh thành đi về các khu vực khách sạn bên bờ kia sông Hương, thì đây là hai cửa tiện đường nhất, một để vào và một để ra.

Buổi sáng ở chợ Cống, tôi đã nhìn thấy một o Huế ngồi trong góc chợ bé xíu lúi húi làm bánh khoái. Tôi thấy o cũng rải bột, rải nhân nhưng thấy phần lớn nhân là giá đỗ, con tôm be bé và miếng chả giò cũng xinh xinh.

O mời tôi ăn quà nhưng do vừa ăn bún bò Huế nên tôi lắc đầu từ chối, rồi hỏi xem đây có phải là món bánh khoái bạn vẫn nói mấy hôm, thoạt nom giống như bánh xèo.

Cửa Thượng Tứ xe cộ qua lại khá đông, tìm được chỗ đậu xe bên kia đường không dễ, bạn đã ghé hàng tìm một chiếc bàn trống trên vỉa hè và ngồi đợi. Nhiều người, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài, khách trong nước và dân địa phương, ngồi rải rác trong nhà ngoài hè đều đang kiên nhẫn đợi mẻ bánh của mình.

Quán có 3 chảo để đổ bánh, các nguyên liệu đều chuẩn bị sẵn gồm bột bánh, tôm, giò sống, trứng gà, thịt ba chỉ và giá đỗ. Khách gọi mới bật bếp đun dầu nóng già, chao một muôi bột, rồi lần lượt xếp nhân lên trên, thêm trứng cho bánh thơm và có màu hấp dẫn.

Đậy vung om một lúc sao cho bánh chín đúng độ vàng ruộm, giòn dai, gập bánh lại làm đôi trước khi trút lên đĩa, miệng bánh mở he hé, thấy rõ cả tôm, thịt giò và giá đỗ trộn lẫn, nhìn đã ứa nước miếng.

Mẻ bánh khoái tráng trên bếp, mỗi chảo một bánh – Ảnh: THỦY OCG

Bánh khoái Thượng Tứ ngon lành và hấp dẫn – Ảnh: THỦY OCG

Trong lúc ngồi đợi chủ quán đổ bánh thì người nhà đã mang ra bàn đĩa rau sống, bánh đa nem và trái vả cắt lát, thứ không thể thiếu khi ăn bánh khoái.

Một thứ đặc biệt khác không thể không nhắc tới là nước lèo của bánh khoái Thượng Tứ. Nghe nói được làm theo công thức bí truyền của dòng họ, sóng sánh, đậm đà và tạo vị giác khác lạ.

Thoạt nhìn, tôi nghĩ đây là một loại tương, nhưng bạn đồng hành bảo, đây là nước lèo. Thứ nước lèo được làm từ nước tương đậu nành, gan heo, thịt nạc, đậu phộng, mè rang và những gia vị gì, theo tỉ lệ nào thì chỉ có chủ quán mới biết chính xác.

Cái quan trọng là, khách ăn bánh khoái Thượng Tứ một lần, lần sau quay lại sẽ lại ăn.

Mỗi đứa một dĩa bánh khoái nóng hổi vàng ruộm, xắt ra cuốn vào bánh tráng với rau ghém các loại, chấm ngập thứ nước lèo gia truyền rồi đưa lên miệng cắn. Phồng miệng lên thưởng thức bột bánh giòn giụm, với vị ngọt thơm của tôm, thịt, trứng, giá đỗ mềm mát, rau ghém với lát vả thanh thanh.

Ăn xong một dĩa lại đòi ăn dĩa nữa, bù cho bữa trưa quá giờ.

Vẻ như bánh khoái Thượng Tứ đã được ghi danh trên bản đồ ẩm thực Huế, thấy chất lượng và cung cách phục vụ của cửa hàng khá ổn định và chuyên nghiệp, phù hợp với dân du lịch và dân địa phương kỹ tính muốn ăn “xịn một tý”.

Chứ như trong các hẻm nhỏ hay góc chợ, bánh khoái được đổ không nhiều nhân thịt bằng hay con tôm bé hơn, giá tất nhiên có khi chỉ bằng một nửa ở cửa Thượng Tứ. Nhưng dù thế nào, bánh khoái vẫn luôn mang trong mình phong vị Huế, để bất kỳ ai cũng thấy thèm muốn và nhớ về xứ kinh kỳ nếu đã một lần qua.

Món nước lèo gia truyền trứ danh để ăn bánh khoái – Ảnh: THỦY OCG

Bánh khoái cuốn với rau ghém và lát vả – Ảnh: THỦY OCG

Bạn vẫn nhẩn nha chấm bánh khoái vào chén nước lèo trứ danh. Vừa ăn vừa bảo, ăn xong sẽ chạy xe qua Tứ Phương Vô Sự lầu uống một cốc cà phê.

Lầu Tứ Phương Vô Sự thuộc nội cung thành Huế, trong quá khứ vốn là nơi nhà vua và các thành viên hoàng gia hay ngồi hóng mát. Ở nơi ấy, có thể tưởng tượng ra lầu Kiến Trung, điện Cần Chánh (hiện đã không còn gì ngoài nền móng) và Kỳ đài (cột cờ Huế) nằm trên một đường thẳng như thế nào.

Bạn đã bao giờ ăn bánh khoái Thượng Tứ rồi lên lầu Tứ Phương Vô Sự thử nhìn về quá khứ hay chưa?

Theo Tuổi Trẻ

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com