Năm Đinh Đậu, ‘điểm danh’ 6 món gà đã ăn thử một lần là nghiện từ Bắc chí Nam
1. Gà hấp lá chanh truyền thống
Người dân Việt Nam già trẻ lớn bé chắc chẳng ai lạ gì món gà hấp lá chanh – món ăn chẳng hề cầu kỳ, với hai nguyên liệu chính vốn dĩ đã kết hợp cực kỳ ăn ý, giữ cho gà nguyên vị ngọt thịt tự nhiên, lại thoang thoảng mùi thơm nồng hấp dẫn.
Được biến tấu từ món thịt gà luộc, gà hấp lá chanh được mổ moi xát muối rửa sạch, đôi nơi còn tẩm ướp thêm chút gia vị tỏi, tiêu, muối, đường, rồi cho lên nồi hấp cách thủy, để lửa nhỏ. Gà chín thì bày ra đĩa, rồi lấy dao chặt miếng vừa ăn, sau đó rắc lên lá chanh thái nhỏ. Vì gà không tiếp xúc với nước, nên cuối cùng chúng ta có một món gà giữ trọn vẹn vị ngọt thịt thơm ngon. Món gà hấp lá chanh hầu như phổ biến ở mọi miền đất nước.
2. Chân gà Đông Tảo hầm thuốc bắc
Gà Đông Tảo hay gà Đông Cảo là một giống gà có nguồn gen cực kỳ quý hiếm của Việt Nam, được cho vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Ở Việt Nam, rất nhiều người chịu bỏ tiền ra thưởng thức món gà với cặp chân “voi” xù xì trứ danh này. Hưng Yên được cho là vùng cho những chú gà Đông Tảo chất lượng nhất.
Gà Đông Tảo có thịt chắc nịch, vị thơm đặc biệt không lẫn với bất cứ loại gà nào, được chế biến thành vô số món khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là luộc, nấu đông, xáo măng, quay chảo hay nướng lá chanh. Riêng phần chân gà được xem là bộ phận quý nhất của con gà Đông Tảo được chế biến cầu kỳ đặc biệt hơn là hầm thuốc bắc.
Chân gà Đông Tảo hầm thuốc bắc khi ăn vừa ngọt, vừa thơm, vừa giòn vừa mềm, ăn rất dễ nghiện. Ngoài chân gà, món chân gà Đông Tảo hầm thuốc bắc này còn được chế biến cùng hai hòn kê gà. Ngon như thế nhưng giá bán của loại gà này trên thị trường rất đắt nên không phải ai muốn cũng được thưởng thức.
3. Gà sa lửa Tây Nguyên
Gà sa lửa Tây Nguyên là một trong những món gà nổi tiếng của núi rừng Tây Nguyên, nhưng ngon nhất là ở bản Đôn (Đắk Lắk). Trước đây, gà được chế biến hầu hết là những con gà rừng chắc thịt, nhưng nay do số lượng gà rừng không còn nhiều, người ta đã thay thế dần bằng gà thả vườn.
Gà được làm sạch, chặt dọc theo ức để bẻ đôi gà nằm xẹp xuống, rồi ướp đều hai mặt với chanh, muối ớt giã, nước sả. Sau 30 phút, gà được nẹp tre nướng trên bếp than. Khi chín, gà có vị thơm đậm khó cưỡng, thịt ngọt vừa, chấm mới muối ớt xanh vắt chanh. Thú nhất là thưởng thức gà sa lửa kèm với cơm lam dẻo mềm, chấm với muối vừng.
4. Gà bọc đất sét nướng kiểu miền Tây
Những ai đã từng yêu thích bộ phim truyền hình vang danh một thời “Đất Phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, hẳn sẽ cực kỳ ấn tượng với phân cảnh bé An (Hùng Thuận) thòm thèm nhìn ông ăn trộm (Trung Dân) làm món gà bọc đất sét rồi phủ rơm nướng thơm lừng đầy sống động.
Quả thật, gà nướng đất sét là một trong những món ăn không thể thiếu nếu muốn chiêu đãi khách phương xa của người dân miền Tây. Có lẽ không có cách chế biến gà nào đơn giản như thế, khi con gà chẳng phải mổ, chỉ được đắp kín đất sét bên ngoài rồi thui bằng rơm.
Gà được thui cho đến khi đất sét khô nứt, bóc hết đất ra thì lông cũng đi hết luôn. Chẳng gì thú bằng ngồi cùng nhau thưởng thức món gà vừa thui nóng hổi được đặt trên miếng lá chuối xanh, thịt trắng ngần còn ứa nước mỡ thơm hương rơm rạ và nồng mùi đất, chấm với muối tiêu chanh kèm thêm chút rượu quê.
5. Gà không lối thoát
Món gà không lối thoát không chỉ độc đáo bởi cái tên, món này thoạt nhìn thôi khách đã thấy “sướng mắt”. Con gà bị “giam cầm” trong một bọc xôi chiên khá bự, vàng rộm hấp dẫn. Để thưởng thức, tất nhiên bạn sẽ phải phá vỡ “bức tường xôi” kín bưng kia.
Nhờ được bọc trong lớp xôi nếp thơm, dẻo những thớ thịt gà giữ được độ ngọt tuyệt đối làm món ăn trở nên hấp dẫn vô cùng. Gà để làm gà không lối thoát không quá to, chỉ chừng 1,2 – 1,4kg là nhiều nhưng lớp thịt dày, trông mềm béo, vẫn còn ươn ướt vì được ấp ủ lâu trong bọc xôi.
6. Gà cay phô mai
Nếu các món gà phía trên đều rất Việt Nam thì món gà cay phô mai này lại có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Đây cũng là một trong những món ăn được giới trẻ ưa thích cả trong Nam lẫn ngoài Bắc năm 2016.
Công thức của gà phô mai được chế biến không quá cầu kỳ: thịt gà lọc xương, cắt miếng vuông vừa miệng rồi được nướng với rất nhiều loại gia vị Hàn đặc trưng và cuối cùng là phủ lên trên một lớp phô mai béo ngậy, mềm dẻo.
Sau đó, phần gà được đặt trên chảo đá nóng rất to, lúc mang ra còn bốc khói sôi nóng, thơm lừng mùi phô mai. Khi ăn, thực khách dùng thìa gỗ đảo đều để lớp phô mai được quyện đều lấy miếng gà.
Khoảnh khắc dùng đũa gắp miếng thịt gà nhấc lên là hàng lớp phô mai chảy kéo theo khiến người ăn ai cũng thích thú. Thịt gà mềm, cay tê lưỡi quyện cùng phô mai béo ngậy càng đưa đẩy và hấp dẫn hơn trong ngày mùa đông đấy!
Theo Afamily