Quán cháo mực gợi ký ức của nhiều sinh viên kiến trúc ở Sài Gòn
Nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đối diện trường ĐH Kiến trúc và trường Kinh tế, đã gần 35 năm nay, quán cháo mực Thanh Sơn gắn liền với ký ức của bao thế hệ sinh viên Sài Gòn.
“Lúc đó thấy bên kia đường có trường Kiến trúc đông sinh viên nên tôi nấu nồi cháo mực bán thử. Nào ngờ sinh viên rất thích nên chiều nào cũng ghé ăn rất đông”, chị Thanh chủ quán kể.
Những ngày đầu bán, quán chỉ có vài chiếc bàn nhỏ đặt sát vỉa hè, bán từ chiều đến tối. Giá mỗi tô cháo chỉ có mực và huyết giá hơn 1.000 đồng, rồi tăng dần lên 2.500 đồng. Khách ăn chủ yếu là sinh viên trường Kiến trúc và Kinh tế.
“Nhiều khách xưa giờ đã là kiến trúc sư thành đạt, có nhiều người nổi tiếng với những công trình lớn. Thi thoảng họ vẫn trở lại để ăn cháo và vẫn nghiện món giò chéo quẩy của chúng tôi”, chủ quán nói.
Theo nhận xét của nhiều kiến trúc sư từng là khách ruột của quán, cháo mực ở đây ngọt tự nhiên nhờ được nấu bằng khô mực và tôm khô, chủ quán còn cho thêm tí gừng xắt nhuyễn khiến tô cháo có vị cay nồng ngon miệng.
Do chất lượng khá ổn định, giá lại bình dân nên sinh viên xem đây là món ăn cứu cánh lúc đói. Ngày nay, quán còn bán thêm bánh canh. Khách đến ăn ngoài sinh viên còn có cả nhân viên văn phòng.
Ngoài cháo nấu với khô mực và huyết heo, da heo luộc cắt miếng hình chữ nhật là thứ gắn liền với tô cháo bình dân.
Hành lá, ngò rí là hai loại rau thơm không thể thiếu với tô cháo mực.
Trứng vịt bắc thảo là món ăn kèm. Nếu muốn ăn, khách gọi thêm với giá 12.000 đồng/quả. Theo người sành ăn, mùi vị của trứng rất hợp với cháo mực.
Quán phục vụ khách từ 9h đến 22h, khách cũng không còn ngồi vỉa hè mà ngồi phía bên trong nhà. Tô cháo mực cơ bản nếu không dùng thêm trứng nay có giá 25.000 đồng. Không quá to như những quán khác, tuy nhiên tô cháo tròn vị thơm phức mùi mực đủ khiến nhiều người muốn quay lại thêm lần nữa.
Theo Mr. True/Ngôi sao