Quán sinh tố Sài Gòn: 28 năm chủ và khách không nói với nhau một lời

38

Quán sinh tố Sài Gòn: 28 năm chủ và khách không nói với nhau một lời

Trên con đường Võ Văn Tần (quận 3, Sài Gòn) tấp nập người qua lại, cứ vào lúc trời nhá nhem tối, người ta lại thấy đôi vợ chồng đã luống tuổi cặm cụi chất hàng chục loại trái cây lên chiếc tủ kính đã tróc sơn. Đó là chị Tuyết Mai (47 tuổi) và anh Sơn Chiến (57 tuổi).

Cách để trao đổi, nói chuyện tại quán nhỏ bên đường này là dùng giấy và viết. Anh Chiến và chị Mai đều bị câm điếc từ nhỏ.

Chị Mai quê ở Đà Nẵng, anh Chiến là người miền Tây. Hai anh chị lần đầu gặp nhau tại trường dành cho người khiếm thính tại Bình Dương. Trong khoảng thời gian cùng nhau dưới mái trường, anh Chiến đem lòng thương chị Mai.

Trước khi nên duyên vợ chồng, cả hai đều trải qua không ít sóng gió là những lần hờn dỗi vì còn trẻ tuổi. Có lần giận quá, chị Mai bỏ Bình Dương, trở về Đà Nẵng. Vì quá thương nhớ, chàng trai miền Tây đã dò hỏi địa chỉ, vượt gần nghìn cây số để xin lỗi và hỏi cưới chị Mai. Sau lễ thành hôn, cả hai cùng nhau lập nghiệp ở Sài Gòn.

Dưới ánh đèn đường lờ mờ, trên cuốn sổ tay nhỏ, chị Mai kể lại, chị và anh Chiến mở quán sinh tố trái cây này từ năm 1990. Tính đến nay, anh chị đã gắn bó với đất Sài thành được 28 năm.

Nhờ ly sinh tố đậm mùi cây trái, giá cả phải chăng và sự ân cần, chu đáo của ông bà chủ, quán đón hàng trăm lượt khách vào mỗi tối. Anh chị cũng được những người sống gần đó yêu mến, giúp đỡ.

Chị Mai năm nay 47 tuổi. Ảnh: Phong Vinh.

Anh chị hiện sống trong một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Xe sinh tố được gửi nhờ nhà một người quen trên đường Võ Văn Tần với giá hơn 100.000 đồng một tháng. Chủ một cửa hàng thời trang cho dùng điện với giá gần 400.000 đồng một tháng. “Tôi thấy thương anh chị ấy nên nhiều năm qua tôi cung cấp nước miễn phí để rửa ly chén cho khách”, một thanh niên sống gần đó chia sẻ.

Khoảng 18h, anh Chiến sẽ chuyển trái cây đã được rửa sạch từ nhà ra quán. Chị Mai sắp xếp chúng lên tủ cho bắt mắt. Bà chủ kể, toàn bộ hoa quả đều được lấy từ mối quen ngoài chợ hoặc mua trực tiếp từ siêu thị để đảm bảo độ tươi ngon.

Quán còn có một người phụ là anh Tài – cháu của anh chị. Anh Tài năm nay ngoài 30, cũng bị khiếm thính bẩm sinh. Những “chỉ thị”, “ý đồ” sắp đặt bàn ghế hay khi muốn làm gì… họ chỉ có thể hiểu nhau bằng những ký hiệu từ ánh mắt và đôi bàn tay.

Ly sinh tố có giá 30.000 đồng. Ảnh: Phong Vinh.

Thực đơn tại địa chỉ đặc biệt này có gần 20 món khác nhau là sinh tố và nước ép. Giá trung bình 30.000 đồng một ly. Khách sẽ ngồi thưởng thức trên bàn ghế thấp.

Nhiều khách quen thường mua mang về mà ít ngồi lại ăn. “Tôi đã ăn sinh tố ở đây được chục năm. Hai vợ chồng chăm chỉ thấy thương, nhiều bữa trời mưa mà cũng dọn hàng bán nên hồi nào thèm sinh tố, tôi đều ra đây mua ủng hộ”, cô Hiền (ngụ ở quận 3) chia sẻ.

Có lẽ, không nhiều thì ít, ai đến quán đều cảm nhận được sự lạc quan của anh chị trong cuộc sống. Nụ cười tươi rói trên gương mặt chủ quán là thứ bạn sẽ dễ dàng bắt gặp. Người quen đến quán thì không cần nói gì, từ tốn chờ mảnh giấy nhỏ và cây bút bi từ chủ. Khách lần đầu ghé cũng sẽ dễ dàng thông cảm sau khi nhìn thấy vài động tác trao đổi thông tin của họ.

Hiện quán mở cửa từ khoảng 18h đến 23h30 mỗi ngày. Sau khi bán xong, đôi vợ chồng cùng nhau dọn hàng về nhà, rồi đi thẳng ra chợ đầu mối để lấy trái cây. Sau đó, họ sẽ ngủ đến gần trưa hôm sau. Các bước chuẩn bị cũng bắt đầu từ thời điểm này cho đến lúc mở cửa trở lại.

Giấy viết để thực khách chọn món. Ảnh: Phong Vinh.

Giữa đô thị gần 9 triệu dân này, có lẽ chủ quán sinh tố C&M cũng như bao địa chỉ ẩm thực khác, đều cố gắng để mưu sinh. Nhưng khi được hỏi có gặp bất kỳ khó khăn nào khi buôn bán hay không, chị Mai viết nhanh chữ “Không” rồi quay lại ấn nút chiếc máy xay sinh tố đã được đơm đầy sữa, đá bào và những miếng bơ xanh béo ngậy.

IVIVU.COM GỢI Ý MỘT SỐ KHÁCH SẠN SÀI GÒN GIÁ TỐT

1. Khách sạn The Myst Đồng Khởi Sài Gòn

2. Khách sạn The Reverie Sài Gòn

3. Khách sạn ÊMM Sài Gòn