Những ngày này, chỉ có bát xôi chè Bà Thìn mới đủ hấp dẫn để ta tung chăn, vượt rét lên phố cổ đi ăn

37

Những ngày này, chỉ có bát xôi chè Bà Thìn mới đủ hấp dẫn để ta tung chăn, vượt rét lên phố cổ đi ăn

Chắc rằng mỗi chúng ta luôn có nhiều lý do để tụ tập ăn uống với đám bạn bè giữa mảnh đất mà đồ ăn tứ xứ hội tụ như Hà Nội và một người dù đầy nguyên tắc như tôi cũng không có gì ngoại lệ. Tôi có một nhóm bạn nhỏ biết nhau từ khi là những đứa trẻ học chung lớp mầm non. Những đứa mà mỗi lần lấy danh nghĩa họp lớp đều bị dẫn dụ tới quán chè nơi góc phố Hàng Bồ – Bát Đàn, một trong số ít những nơi hàng chục năm qua vẫn bán những món chè nguyên bản theo kiểu miền Bắc.

Trước khi chúng ta biết đến những nền văn hóa trà sữa chân châu, hay những loại đồ ngọt mang hơi hướng Tây phương thì chè gần như là món tráng miệng chiếm vị trí độc tôn. Tôi còn nhớ cảm giác mừng húm khi được chiêu đãi ly chè đỗ đen thơm lừng hương dầu chuối cùng thạch xô đen và thật nhiều trân châu dừa chỉ với 1 ngàn đồng. Đó là những gì tôi vẫn hay nhắc lại mỗi lần ghé quán Bà Thìn.

Những đứa bạn của tôi không kể đông hay hè, lạnh hay nóng, vẫn chung thủy với các loại chè lạnh, đứa thì đỗ đen, đứa lại đỗ xanh, con gái thì thích chè sen thanh mát. Một ly chè Bắc đơn giản lắm, ngoài nhân vật chính là các loại hạt được ninh nhừ cùng với đường, sẽ có một vài loại đồ ăn kèm như thạch đen xô – loại thạch tương tự với sương sáo của miền Nam và một chút dừa tươi nạo sợi. Có một nhân vật luôn luôn dành được sự yêu mến của tôi cũng như nhiều người đó là trân châu dừa.

Khác biệt với trân châu đi kèm với trà sữa, trân châu dừa truyền thông được làm từ bột năng với nhân bên trong là dừa tươi cắt hạt lựu. Để kích thích hương vị, Bà Thìn đã cho thêm một chút vừng rang vào trân châu, tạo ra tổng thể dai mềm hòa quyện với mùi thơm nhẹ của dừa, thực sự mê mệt.

Chẳng theo chúng bạn, tôi lại đem lòng yêu mến xôi chè, cũng là món đem lại tên tuổi cho quán nhỏ phố cổ này. Một bát chè ấm nóng nức tiếng tôi đang nhắc đến là sự kết hợp giữa xôi vò – loại xôi đặc biệt mà từng hạt nếp mẩy thơm được phủ một lớp đậu xanh xát vàng ươm, dù ăn nóng hay ăn nguội đều giữ nguyên độ dẻo bùi của xôi nếp dùng chung với chè.

Thay vì để nước loãng như các loại chè lạnh, chè nóng được quấy thêm chút bột sắn dây để hỗn hợp tạo ra một kết cấu đặc quánh, ánh lên màu đặc trưng của từng loại nguyên liệu. Ngoài đỗ xanh và đỗ đen, chúng ta còn có hai sự lựa chọn khác là chè hoa cau và chè bà cốt.

Chè hoa cau của miền Bắc có nét tương đồng với chè bưởi của người miền Nam, cũng là những hạt đậu xanh nguyên hạt được nấu chín mềm cùng bột sắn dây, nhưng thay vì dùng cùi bưởi đã qua xử lý thì người miền Bắc chỉ dùng một chút tinh dầu bưởi đem lại hương thơm thoang thoảng nhưng không lấn át những nguyên liệu khác.

Bên cạnh đó, chè bà cốt lại là cách nấu truyền thống kiểu Hà Nội với nhân vật chủ đạo là nếp cái hoa vàng và đường nâu, phảng phất hương gừng già. Tôi dám đảm bảo, trong cái tiết trời mùa đông rét mướt này, thật khó để chối từ cái ngòn ngọt, âm ấm thơm lừng của bát xôi chè Bà Thìn.

Ngoài những món chè ăn trực tiếp, xôi chè bà Thìn có phục vụ thêm một vài loại bánh truyền thống như bánh cốm, kẹo lạc. Đặc biệt hơn cả, những ngày rằm, mùng một, người dân quanh đây thường ghé quán để đặt mua chè con ong – một món ăn nâu óng màu hổ phách và dẻo ngọt vị nếp cái hoa vàng, thường được ưu tiên đặt trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp lễ đặc biệt.

Tôi vẫn thường tự tin đứng lên “bao” bất kỳ ai đi cùng tôi tới quán chè yêu thích này, từ cái lũ bạn lâu năm đến những người bạn phương xa lâu ngày đến thăm Hà Nội. Nằm ở vị trí vàng giữa ngã tư phố cổ sầm uất, cạnh con phố “Hàng Phở” Bát Đàn, vậy mà mỗi phần chè cũng chỉ có giá 15 đến 20 ngàn đồng, quá dễ dàng để mạnh miệng phải không nào?

Bởi quán lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào, nên chẳng mấy khi tôi có dịp hỏi chuyện chị chủ quán bà Thìn. Chị chia sẻ:

– Bà Thìn là tên bà chị, thật ra hàng nhà chị mở từ thời cụ những năm 30 cơ em ơi, nhà chị làm hết đấy, nhân viên cũng toàn con cháu họ hàng cả.

– Cho em chụp chị bức hình với nồi chè được không?

– Thôi xin, đừng cho chị vào ảnh đấy, người ta lại bảo chị nhờ người quảng cáo, mang tiếng ra, mà chị cũng chẳng xinh nữa.

Cái người “chẳng xinh” đang trả lời tôi đầy khiêm tốn kia là một người phụ nữ gần 30 tuổi, gương mặt thanh tú, nước da trắng ngần và giọng nói dễ chịu đúng chuẩn con nhà phố cổ. Đây cũng là điển hình của cái cách người Hà Nội giao tiếp, chẳng phô trương, cũng chẳng nói quá nhiều về thành tựu bản thân, mọi thứ ý nhị vừa đủ.

Xôi chè Bà Thìn hay những quán chè theo lối truyền thống khác là đại diện tiêu biểu cho một nhánh của ẩm thực Hà Nội. Bằng cách âm thầm tồn tại, giản dị và không hề lai tạp, chúng đã gìn giữ văn hóa thị thành ở mảnh đất này theo cách khiêm nhu nhất và nhắc nhớ về tuổi thơ nhiều nhất cho bất kỳ ai có lòng tìm về. Những đứa bạn của tôi, người gần, người xa nhưng mỗi khi tụ lại đều có ưu tiên cho quán chè phố cổ nhỏ này giữa vô vàn những lựa chọn.

IVIVU.COM GỢI Ý MỘT SỐ TOUR HÀ NỘI GIÁ HẤP DẪN

Tour Hà Nội 1N: Tham quan chùa Hương

Tour Hà Nội 1N: Tham quan phố cổ

Tour Hà Nội 1N: Hà Nội – Bái Đính – Tràng An