Về làng cổ Đường Lâm ngày cuối năm
Giữa bộn bề, nhộn nhịp của nhịp sống thị thành, ngôi làng cổ ở Sơn Tây có tuổi đời vài trăm năm tuổi này vẫn giữ được những nét u tịch, trầm mặc. Những ngôi nhà cổ dù ít hẳn, thay thế bằng những ngôi nhà tầng khang trang, to đẹp, cái hồn cốt của người dân xứ Đoài vẫn đượm nét. Chiếc cổng gỗ cũ mòn, những bờ tường đá ong phủ đầy rêu phong hay cây đa hơn 300 tuổi đầu làng vẫn đứng sừng sững cho thấy theo thời gian, có thể nhiều giá trị xưa bị mai một nhưng không dễ gì bị mất đi.
Không khí làng cổ Đường Lâm những ngày giáp Tết dường như cũng tất bật, nhộn nhịp hơn. Phiên chợ quê ngay cổng chùa Mía họp từ sáng sớm khi làn sương còn mờ mờ, ảo ảo đến 12h trưa vẫn còn khách. Người ta bày bán đủ thứ nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, nhưng ngày Tết còn có những món hàng đặc trưng hơn. Đó là những cây giang, bó lá rong chuẩn bị cho nồi bánh trưng Tết. Đó là những củ hành trắng, hành tía được bày bán khắp nơi, mà theo lời bà cụ bán hàng: “Hành năm nay rẻ lắm, chỉ 6.000 – 7.000/kg”.
Với những người dân quê, bánh chưng, dưa hành chưa bao giờ thiếu trong ngày Tết. Đó còn là những chậu hoa Tết đang chúm chím sắc xuân với đủ loại màu sắc, chủng loại như thược dược, cúc vàng, đồng tiền, cẩm chướng… Tất cả đều đang ở độ phơi phới, chờ xuân về để thêm thắm sắc. Không chỉ người dân địa phương mà khách du lịch đến từ khắp nơi, cả khách nước ngoài đặc biệt thích thú khi chiêm ngưỡng quầy bán hoa của người dân địa phương. Đắt hàng hơn cả đó là loài mai trắng, tán nhỏ mang đủ các dáng, thế. Những cánh mai phơn phớt hồng nơi đầu cánh với giá chỉ 200.000 – 500.000 đồng/chậu được khách lựa chọn nhiều. Mai được bày bán khắp bên ngoài cổng chùa Mía, và tập kết trong sân chùa.
Trong những nếp nhà cổ, không khí Tết cũng rộn ràng. Bên bình trà xanh còn bốc khói nghi ngút, ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 250 năm của ông Kiều Anh Ban cũng trở nên ấm áp hơn. Nếp nhà thuần Việt 5 gian, 2 trái được làm hoàn toàn bằng gỗ vẫn giữ được nét cổ kính, thâm trầm. Hiên nhà với những cột, kèo được chạm khắc tinh xảo. Bên trong nhà, gian thờ ở gian chính giữa ngôi nhà với khám thờ, các vật thờ cúng được gia đình giữ vẹn nguyên. Nhiều đồ thờ như đôi lục bình, chiếc đĩa cổ… có tuổi đời vài trăm năm. Chủ nhà trầm ngâm kể câu chuyện về việc xây ngôi nhà, về bức hoành phi, những câu đối hay các họa tiết cổ do các cụ để lại với tâm trạng đầy tự hào. Không khó để bắt gặp hình ảnh những lu tương nếp bằng sành được bày biện ngay ngắn ngay trước nhà. Những chai tương vốn là đặc sản nổi tiếng xứ Đường Lâm luôn khiến du khách khi ghé thăm ai ai cũng phải nếm thử.
Những ngày giáp Tết, nhà nhà đều nô nức chuẩn bị những mẻ chè lam, kẹo lạc, kẹo dồi chó, bỏng gạo mới. Tất cả đều được làm thủ công bằng tay với những nguyên liệu thuần chất do chính người dân làm ra. Đó là gạp nếp, gạo tẻ, là mạch nha, gừng cay… Những thứ tưởng chừng có thể bắt gặp ở bất cứ làng quê nào nhưng ở Đường Lâm, qua bàn tay của người dân chúng trở thành những đặc sản mà khách phương xa đến, đều thích thú.
Những ngôi chùa, đình, đền ở Đường Lâm cũng tấp nập du khách thập phương ghé thăm. Họ cùng nhau thắp một nén hương, dâng lên đóa hoa, những đồ lễ để cảm tạ thần phật đã cho một năm may mắn, hạnh phúc. Tục đi tạ lễ những ngày cuối năm vốn rất phổ biến ở các chùa chiền miền Bắc thì về với Đường Lâm, nét văn hóa ấy càng sinh động hơn. Trong nghi ngút khói hương, lòng người như cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn gạt đi những loa toan cuộc sống bên ngoài kia. Ghé Đường Lâm ngoài đình Mông Phụ, chùa Mía, đền bà chúa Mía, du khách thường không thể bỏ qua lăng Ngô Quyền và đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Được mệnh danh là đất hai vua, qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm cùng lịch sử, những di tích ấy vẫn còn được giữ lại khá vẹn nguyên. Câu chuyện với những ông từ giữ đền, giữ chùa càng cho ta thêm hiểu về nét văn hóa đậm nét xứ Đoài.
Theo Zing