Chợ đêm không tiền mặt tại Nha Trang

81
Chợ đêm Nha Trang ở công viên cầu Trần Phú (đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa) thu hút đông đảo du khách bởi hàng loạt gian hàng đa dạng sản phẩm, hơn hết là sự thuận tiện khi tất cả đều bố trí mã thanh toán, máy POS.
Chợ đêm Nha Trang là điểm tham quan, tập trung đông người nên nhu cầu chi tiêu, mua sắm cao - Ảnh: MINH CHIẾN

Chợ đêm Nha Trang là điểm tham quan, tập trung đông người nên nhu cầu chi tiêu, mua sắm cao – Ảnh: MINH CHIẾN

Khu chợ này là điểm du lịch về đêm mới của Nha Trang, mở cửa từ 17h30 đến 0h mỗi ngày, khai trương vào đầu tháng 2-2024 và thí điểm đến năm 2025.

Tiện dụng cho người bán lẫn người mua

Các gian hàng tại đây được thiết kế di động theo hình thức xe đẩy, sử dụng thuận tiện, có bố trí máy quẹt thẻ POS, mã QR. Ban ngày được cất gọn, trả lại không gian công cộng công viên phục vụ người dân, du khách đến vui chơi.

Pha chế nước uống cho du khách, chị Võ Thị Kim Liên, chủ một quầy hàng tại chợ đêm, cho hay: “Khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến đây hầu hết đều chuyển khoản khi mua hàng, chúng tôi in, bố trí 2 mã QR của Vietcombank để khách thanh toán. Một mã đặt tại quầy, một mã dán trên menu đem đến tận bàn cho khách. Giao dịch này rất nhanh, vừa tiện cho người bán lẫn người mua, khách vừa chuyển khoản tôi nhận được ngay, để chắc ăn tôi cũng có chụp lại biên lai khách chuyển khoản”.

Quầy nước giải khát của chị Liên được bố trí mã QR của Vietcombank để du khách thanh toán - Ảnh: MINH CHIẾN

Quầy nước giải khát của chị Liên được bố trí mã QR của Vietcombank để du khách thanh toán – Ảnh: MINH CHIẾN

Còn ông Lê Hữu Thuận, chủ một quầy hàng tại chợ đêm, cho hay khách Việt, nhất là các bạn trẻ, khi mua hàng rất hay chuyển khoản. Ông khá thích điều này vì họ chuyển đúng số tiền hàng cần mua và ông cũng không cần phải thối lại.

“Tôi cũng có máy POS để khách cà thẻ, máy này tiếp nhận từ thẻ ATM nội địa đến thẻ tín dụng rất tiện. Khách cà thẻ thường đi theo nhóm đông, gọi món số lượng nhiều khi cà thẻ máy sẽ vừa xuất hóa đơn vừa thanh toán dễ dàng, mà khách lại dễ đối chiếu giá, số món mình đã gọi”, ông Thuận nói.

Chị Lê Ngọc Thanh, 27 tuổi, du khách từ Nam Định, chia sẻ: “Tôi có thói quen đến các điểm đông người thường hạn chế mang theo nhiều tiền vì dễ rơi rớt, tệ hơn là bị trộm cắp. Quẹt thẻ hay quét mã QR tiện lợi hơn rất nhiều vì ai cũng có số tài khoản ngân hàng. Tôi hay dùng ví MoMo, không chỉ thanh toán khi mua sắm mà còn mua mã thẻ điện thoại, thanh toán điện nước, gửi tiết kiệm tiền sinh lời… khi giao dịch nhiều sẽ được tích điểm thưởng”.

  • Thanh toán không tiền mặt vào bệnh viện, bệnh nhân đỡ nhiều thời gian chờ đợi

Chị Thanh cũng cho hay người lớn tuổi khó tiếp cận với việc thanh toán điện tử và vẫn còn thói quen dùng tiền mặt hằng ngày, không thể bắt họ phải thay đổi cách chi tiêu, nhưng có thể cải thiện từ từ. 

Anh Nguyễn Trung Tín (31 tuổi, người dân TP Nha Trang) cho hay anh có mở thẻ tín dụng của ngân hàng Techcombank, ưu điểm của thẻ này đó là “thả ga” mua sắm mà không cần có tiền trong thẻ.

“Thủ tục đăng ký cũng rất nhanh gọn, chỉ cần hồ sơ chứng minh thu nhập, các giấy tờ liên quan là đã mở được thẻ với hạn mức giao dịch nhất định… Ngoài ra thẻ tín dụng của tôi còn có ưu điểm là hoàn 5% cho chi tiêu nhà hàng, khách sạn hay giảm giá khi thanh toán tại các sàn mua sắm như Shopee, Lazada… vì tôi là người rất hay đi du lịch”, anh Tín nói.

Nha Trang nhân rộng tuyến phố, khu chợ không tiền mặt

Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên – phó chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa – chia sẻ việc áp dụng thanh toán không tiền mặt đã quá phổ biến từ mua sắm, đặt vé máy bay, khách sạn. Chợ đêm là điểm tham quan, mua sắm được du khách ưa thích, việc bố trí mã QR, máy POS giúp việc mua bán thuận tiện.

“Phát triển kinh tế đêm ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng sản phẩm du lịch thì các dịch vụ, tiện ích đi theo phải thực sự thuận tiện cho du khách, trong đó có việc thanh toán điện tử. 

“Hiện nay hầu hết các nhà hàng, khách sạn đến các quán ăn địa phương tại TP Nha Trang đều áp dụng hình thức thanh toán điện tử. Nhưng các loại hình du lịch sinh thái, tour đồng quê ở các vùng nông thôn được nhiều du khách ưa thích cần phải dần chuyển sang việc thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Nguyên nói.

Một du khách quét mã QR để mua hàng - Ảnh: MINH CHIẾN

Một du khách quét mã QR để mua hàng – Ảnh: MINH CHIẾN

Ông Huỳnh Tấn Hải – phó giám đốc Sở Công Thương Khánh Hòa – cho hay việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm chi phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ tiền mặt, tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cũng dễ dàng quản lý thuế, tính minh bạch trong các giao dịch.

Theo ông, cuối tháng 5-2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cũng đã phát động mô hình Tuyến phố không dùng tiền mặt, nhằm khuyến khích người dân không dùng tiền mặt trong việc chi tiêu, kế hoạch sẽ tập trung ở các trục đường du lịch, chợ đêm. 

“Bên cạnh đó mô hình chợ không dùng tiền mặt được triển khai tại 3 chợ loại 1 gồm chợ Xóm Mới, chợ Đầm, chợ Vĩnh Hải đã dần thay đổi thói quen mua bán của người dân, sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương không chỉ dừng ở mảng dịch vụ du lịch mà còn ở mảng giáo dục, y tế, hưu trí… nhằm thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu năm 2022 có 50% trường học, cơ sở giáo dục và 50% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác. Từ năm 2023 tăng thêm 10%/năm và đạt mục tiêu 80% vào năm 2025.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa, năm 2023 số lượng giao dịch thanh toán qua Internet tăng 67,67% so với năm 2022. Giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng 99,37% so với năm 2022. Có gần 2,34 triệu giao dịch qua thiết bị POS, tăng 14,06% so với năm 2022. Trong đó, giao dịch chuyển khoản như: Thanh toán hóa đơn, chi trả mua hàng hóa dịch vụ chiếm 99,8% và chiếm 98,05% giá trị giao dịch nội địa.