Anh Nguyễn Văn Hậu, hướng dẫn viên du lịch người bản địa ở Hà Giang, cho biết trong sáng 10/6, công ty anh đã có 2 đoàn khách Tây hủy lịch vì mưa lũ, mỗi đoàn khoảng 5-7 người.
“Hiện tại nhiều điểm du lịch ở Hà Giang nước dâng cao, phương tiện giao thông không thể đi lại. Nhiều đoàn khách đã phải tìm đủ hướng để về được homestay trú ngụ”, anh Hậu nói.
Theo hướng dẫn viên, nhiều đoàn phải bỏ xe máy lại nhà dân và thuê ô tô đi theo lối mòn trên núi về trung tâm Hà Giang. Tất cả hoạt động dưới nước như tắm thác, đi thuyền trên sông Nho Quế đều bị hủy để đảm bảo an toàn.
Ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang, cho hay đây không phải mùa du lịch cao điểm, may mắn chưa ghi nhận du khách gặp nguy hiểm do mưa lũ.
Hiệp hội Du lịch Hà Giang đã ra văn bản cảnh báo sạt lở, thiên tai tại các điểm, khu vực tham quan du lịch Hà Giang. Trong đó, tuyến đường lên sông Nho Quế (huyện Mèo Vạc) bị sạt lở, nhiều người dân và du khách mắc kẹt, không thể di chuyển.
Tuyến đường Thuận Hòa – Thái An; đường Mèo Vạc – Đồng Văn cũng bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở. Một lượng lớn đất đá tràn xuống đường lớn tuyến huyện Mèo Vạc – huyện Đồng Văn và nước dâng ngập gần 1m nên các phương tiện không thể đi qua các đoạn đường này.
Trong chiều 9/6, mưa lớn khiến tuyến đường chính xuống sông Nho Quế, vào 3 xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ bị chia cắt. Nhiều đoạn đường bị phá hủy bởi lượng nước lớn từ khe núi cao đổ xuống.
Đoạn đường 6km từ đường 193A xuống bến thuyền hẻm Tu Sản, sông Nho Quế (thuộc xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) cũng bị mưa lũ tàn phá khiến nhiều phương tiện bắt buộc phải dừng lại không thể đi qua.
“Chúng tôi ra văn bản cảnh báo sớm để các đơn vị có phương án phù hợp, tránh ảnh hưởng đến hành trình trải nghiệm của du khách khi đến với Hà Giang”, ông Tĩnh cho hay.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết đơn vị vừa ban hành công văn đảm bảo an toàn hoạt động du lịch và cho du khách trong mùa mưa lũ.
Theo đó, Sở đề nghị các địa phương tạm dừng và thay đổi phù hợp những hoạt động du lịch gây mất an toàn cho du khách trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Bà Tình khuyến cáo tất cả doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn đảm bảo an toàn cho du khách, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú chuẩn bị tốt phương án tại chỗ, thông báo đến du khách về diễn biến thời tiết.
Ngoài ra, lực lượng công an và các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách; sẵn sàng triển khai ứng phó với các tình huống xảy ra, cung cấp đường dây nóng, chủ động phương án cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp cấp bách.
Sở đề nghị người dân và khách du lịch hạn chế đi lại các khu vực sạt lở tại các cung đường, điểm, khu vực tham quan du lịch trên địa bàn; cảnh báo và không cho khách tắm thác, suối, không tham gia hoạt động đi thuyền lòng hồ thủy điện gây mất an toàn.
“Các đơn vị bố trí các biển cảnh báo, rào chắn tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn; đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, du khách, tránh những trường hợp bất chấp cảnh báo vẫn trải nghiệm những điểm du lịch có khả năng gây nguy hiểm”, bà Tình nói.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Hiệp hội du lịch tỉnh điều chỉnh kế hoạch để đảm bảo được mục tiêu kép vừa phát triển du lịch vừa đảm bảo an toàn cho khách.
Hiệp hội cần thông báo tới các chi hội và hội viên tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin chính xác về hoạt động của du khách thông qua kênh nội bộ, hỗ trợ du khách bị mắc kẹt di tản đến khu vực an toàn.
Tùy chương trình tour và các điểm du lịch, các đơn vị lữ hành thay đổi thời gian, đổi tour, chuyển sang điểm đến khác không bị ảnh hưởng hoặc rút ngắn chương trình.
Trong trường hợp khách không đồng ý, đơn vị lữ hành phải hoàn tiền lại cho khách (nếu đã đạt cọc), tuyệt đối không bất chấp nguy hiểm đưa khách đi theo kế hoạch trước đó.