Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố chỉ số phát triển du lịch Việt Nam năm 2023 xếp thứ 59/119 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng sau Singapore (hạng 13), Indonesia (hạng 22), Malaysia (hạng 35) và Thái Lan (hạng 47).
Tuy nhiên, khi báo chí đồng loạt đưa tin và dư luận quan tâm, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam lập tức lên tiếng: “Kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh thật sự chính xác”.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong khối ASEAN, Singapore là quốc gia có thứ hạng cao nhất, xếp thứ 13. Các quốc gia xếp trên Việt Nam gồm: Indonesia hạng 22, Malaysia hạng 35, Thái Lan hạng 47.
Cũng theo đánh giá này, Việt Nam đứng trên Philippines hạng 69, Campuchia hạng 86 và Lào hạng 91.
Cho rằng đây là cách né tránh trách nhiệm, bạn đọc Lại Quang Tấn bình luận: “Tôi nghĩ họ đã đánh giá đúng, Việt Nam phải khắc phục tất cả các thiếu sót của mình mới mong theo kịp các nước trong khu vực.
Xem người ta đánh giá đúng hay sai, Cục Du lịch Quốc gia cứ cho người ra chợ Bến Thành, chợ An Đông (TP.HCM)… ngồi khoảng 1 tuần là biết khách du lịch nhiều hay ít”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours) chia sẻ góc nhìn về vấn đề này:
Không bia rượu, Malaysia vẫn vọt lên dẫn đầu
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, bên cạnh mặt tích cực, các chỉ số kém của Việt Nam theo đánh giá này, được liệt kê như sau: Hạ tầng dịch vụ (hạng 80); Mức độ mở cửa du lịch (hạng 80); Y tế và vệ sinh (hạng 81); Bền vững môi trường (hạng 93); Tác động kinh tế xã hội do ngành du lịch mang lại (hạng 115)…
Là người làm du lịch, tôi chú ý ở lần xếp hạng lần này nổi lên Malaysia, dẫn đầu ASEAN về du lịch bền vững.
Malaysia là quốc gia cũng có hạn chế là không bán rượu bia, cũng không có ăn chơi tới bến, nhưng năm 2023 dẫn đầu ASEAN với 28 triệu khách, đồng thời là quốc gia duy nhất ở châu Á đón khách vượt trước dịch 2019 (28/27 triệu khách).
Tôi nghĩ thông qua cách làm du lịch của nước bạn Malaysia, những người làm du lịch Việt Nam sẽ có được cho mình bài học, đó là tính liên kết. Tính liên kết ở đây gồm liên kết trong ngành, liên kết địa phương và các vùng, liên kết với các ngành.
Xung quanh chuyện liên kết để phát triển du lịch, đã có người đúc kết vui rằng: “Du lịch Việt Nam có nhiều thế mạnh, mạnh nhất là mạnh ai nấy làm!”.
Bậc thầy “dụ” khách vét sạch túi và giá tour cực rẻ
Để khắc phục những yếu kém trên, không ai khác ngoài chính bản thân từng người Việt chúng ta. Mình chưa yêu nước mình, chưa yêu quê mình đủ, làm sao rủ khách tới?
Bên cạnh việc làm đẹp hình ảnh của mình trong mắt du khách, như trên đã đề cập, làm du lịch là phải có liên kết, bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp, không thể mạnh “mình ên”.
Ở các nước, du lịch họ liên kết rất tốt với các ngành y tế (du lịch sức khỏe); giáo dục (du học): thể thao (thi đấu, tập luyện, xem thi đấu); văn hóa (làm phim, dựng phim, các sự kiện); thương mại (hội chợ quốc tế); nông nghiệp (festival homestay, hội chợ OCOP)…
Họ kết hợp truyền thông hiện đại với truyền miệng (talk to talk), làm dịch vụ thật tốt để “tiếng lành đồn xa”.
Trở lại việc du lịch Việt Nam tụt hạng, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nếu như năm tới du lịch Việt Nam vượt Singapore, đảo quốc nhỏ hơn mình 451 lần diện tích và 18 lần dân số, cũng chưa phải là hay.
Vấn đề là làm cách nào phải cố vượt Malaysia và bám sát Thái Lan – bậc thầy về nghệ thuật “dụ khách” vét sạch túi và giá tour cực rẻ.
Muốn vậy phải làm cuộc “cách mạng” thật sự về cách làm du lịch, có cơ chế phù hợp và bắt đầu từ việc nhỏ như: xả rác đúng chỗ, không bóp còi inh ỏi khi ra đường…
Mới đây, trong một dịp tôi may mắn tham dự “Homestay Nite Malaysia 2024” ở Thủ Đức vào tối 26-5 và thật khâm phục cách làm du lịch của nước bạn Malaysia.
Buổi họp mặt đó, chỉ hơn 20 khách mời được chọn lựa nhưng có mặt đủ tổng lãnh sự, các lãnh sự du lịch, giáo dục, y tế, chủ tịch Hiệp hội Homestay Malaysia…
Được biết, Tổng cục Du lịch Malaysia thuộc Bộ Du lịch – Nghệ thuật và Văn hóa. Hiện tại, tổ chức này có 34 văn phòng khắp thế giới. Các sứ quán đều có tùy viên (đại sứ) hoặc lãnh sự (tổng lãnh sự) du lịch, tùy viên các ngành.
Và, khi cần thiết họ tập hợp một cách dễ dàng, trao đổi rất thân tình, ấm cúng như người cùng một nhà.
Một điều đáng học hỏi nữa là trong những cuộc họp mặt như vậy họ không mời đông vì tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả). Điều này khác hẳn ở Việt Nam mình cái gì cũng quy mô hoành tráng, nhưng không thu được kết quả như mong muốn.