Việt Nam có nên mở "những thành phố không ngủ" để hút khách tiêu tiền?

62
Chuyên gia nhận định du lịch đêm tại Việt Nam thiếu những "thành phố không ngủ" có kiểm soát, "làm thế nào để bên này hoạt động, bên kia người dân vẫn được ngủ".

Tháng 7/2023, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 tỉnh, thành phố nhằm thu hút du khách, tăng chi tiêu. Trong đó, Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM được yêu cầu hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.

Đề án đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó đề xuất tăng thời gian mở cửa các hoạt động dịch vụ ban đêm, xem xét điều chỉnh, cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ đến 6h sáng, thay vì 2h sáng như hiện nay.

Nhiều chuyên gia du lịch “hiến kế” Việt Nam nên xây dựng những “thành phố không ngủ” để du khách mạnh tay chi đến những đồng tiền cuối cùng.

Tuy nhiên, điều này gây lo ngại bởi những “xung đột” với hoạt động an ninh, trật tự do các địa phương chưa quy hoạch các điểm chơi đêm rõ ràng. Nhiều quán bar, nhà hàng nằm trong khu dân cư, khó hoạt động muộn, dễ ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân.

Đây cũng là điều mà Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng quan tâm. Ông yêu cầu các địa phương nghiên cứu một số giải pháp, trong đó quy hoạch khu phát triển kinh tế đêm “làm thế nào để bên này hoạt động, bên kia người dân vẫn được ngủ”.

Phóng viên Dân trí đã có buổi trao đổi với chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trong bối cảnh du lịch đêm, kinh tế đêm hiện là bài toán khó chưa có lời giải thỏa đáng.

Chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khách sẽ không chi tiền khi chỉ đi bộ rồi về khách sạn ngủ

Tại Pháp, du lịch đêm đã tạo ra 157 tỷ USD. Ngành này cũng đã đóng góp khoảng 63 tỷ USD, chiếm khoảng 11% tổng giá trị ngành du lịch, cho nước láng giềng Thái Lan. Rõ ràng việc phát triển du lịch đêm là “mỏ vàng”. Dù được kỳ vọng là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng theo ông vì sao tại Việt Nam du lịch đêm “không làm thì thiếu, làm xong nhiều nơi lại bỏ”?

– PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7h đến 17h. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Trong khi đó, 70% còn lại là các sản phẩm dịch vụ thu được từ 18h hôm trước đến 2h sáng hôm sau thì lại không phát triển.

Một tour Việt Nam đi du lịch Thái Lan trong 5 ngày 4 đêm chỉ có giá 7-9 triệu đồng/người trong đó đã bao gồm toàn bộ chi phí vé máy bay, ăn uống, khách sạn. Vậy thì họ lãi bằng cách nào, chính là hàng loạt các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm và đặc biệt là các trải nghiệm về đêm.

Nhìn sang Việt Nam, chúng ta chưa thực sự hiểu khái niệm “du lịch đêm”, “kinh tế đêm”, chưa đầu tư trí tuệ, tiền bạc và thời gian để biến nó thành lĩnh vực thu hút khách du lịch.

Nói đến du lịch đêm, chúng ta chỉ biết hội chợ, quầy hàng lưu niệm… Chỗ nào cũng tuyến phố đi bộ, quán ăn, nhà hàng… thì sau một thời gian du khách sẽ chán.

Bạn thử nghĩ xem, liệu du khách có mạnh tay chi tiền cho một buổi tối chỉ để đi bộ, mua đồ lưu niệm, ăn một vài món đặc sản rồi về khách sạn… ngủ? Đương nhiên, nếu chỉ có vậy, họ đến Việt Nam một lần và sẽ không trở lại.

Khách quốc tế đến từ các thị trường Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ – có nhu cầu giải trí về đêm rất lớn. Họ “lệch múi giờ” với chúng ta, giờ họ thức thì chúng ta đi ngủ và ngược lại.

Mỗi đêm, chúng ta phải tạo cho du khách một niềm hứng khởi, trải nghiệm mới, thì họ mới sẵn sàng bỏ giấc ngủ bình thường để mạnh tay chi tiền tham gia.

Nhiều người cho rằng, để một đêm trôi qua không “làm ra tiền” là lãng phí thời gian, lãng phí nguồn tài nguyên, trong khi thực tế tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế đêm, thưa ông?

– PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trên thực tế, Việt Nam thừa tài nguyên để phát triển du lịch đêm. Chúng ta là quốc gia đa dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền mang đặc tính, văn hóa, bản sắc khác nhau.

Để có thể khai thác hiệu quả, khiến du khách “vét sạch” những đồng tiền cuối cùng vui chơi, trải nghiệm thì tư duy người làm du lịch phải được cởi trói, thoát khỏi những thứ lối mòn, sáo rỗng.

Năm 2007, tôi từng tới Tiền Giang và đưa ra lời đề xuất địa phương xem xét mở thêm dịch vụ câu cá đêm, có thể tới 1-2h sáng để du khách được trải nghiệm miền sông nước.

Thời điểm ấy, tôi nhận thấy khách du lịch, cả người Việt Nam lẫn khách Tây phần lớn chỉ coi Tiền Giang như một điểm nghỉ chân trong ngày và sẽ quay về TPHCM để ngủ qua đêm.

Tuy nhiên, ý kiến này của tôi ngay lập tức khiến một vị lãnh đạo địa phương “nhăn mặt”. Họ lo ngại phát triển các sản phẩm đêm có thể nảy sinh “mại dâm trá hình” rồi hàng loạt nguy cơ mất an toàn khác.

Bản thân tư duy của những người có thể làm kinh tế đêm rõ ràng đã và đang còn bị trói buộc. Không gỡ được nút thắt này, mọi thử nghiệm sẽ đều thất bại. Cái gì cũng sợ thì sao thành công. Chúng ta phải tạo ra những thứ mới lạ thì khách mới sẵn sàng chi tiền trải nghiệm.

Tôi lấy ví dụ như ở Hội An, có quá nhiều thứ làm được để khai thác “mỏ vàng” kinh tế đêm. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc cho khách du lịch cấy lúa ban đêm. Khách nước ngoài thích lắm, họ sẵn sàng trả gấp 10 lần số tiền mua mạ, bằng cả vụ mùa của người nông dân.

Tại Hà Nội, tôi rất tiếc khi các đơn vị không khai thác những câu chuyện tại các đền chùa, cũng là cách lôi kéo không chỉ khách Tây mà cả khách nội địa.

Chúng ta rõ ràng có nhiều lợi thế từ văn hóa, lịch sử đến truyền thống dân tộc nhưng chưa biết khai thác, thiếu cơ chế, chưa cởi trói tư duy. Nếu được khai thác tốt, du lịch đêm sẽ trở thành nhiều mỏ vàng cho các địa phương.

Du khách trải nghiệm một số tour đêm tại Hà Nội, như “tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; “tour Du lịch Đêm Thiêng Liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, “Tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám – tinh hoa đạo học”… (Ảnh: Mạnh Quân).

Du lịch đêm phải có đặc thù vùng miền

Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… có nên có những con phố “không ngủ” để khách đến vui chơi, tiêu tiền? Để làm được điều này, chúng ta cần quy hoạch thế nào để giống như lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói, “bên này hoạt động, bên kia người dân vẫn được ngủ”, thưa ông?

– PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nhiều địa phương hiện nay cứ “hô hào” làm du lịch đêm nhưng các con phố chỉ mở cửa đến 0h thì khó có nền kinh tế đêm phát triển.

Chúng ta phải nới lỏng giờ bán hàng, phục vụ nhu cầu khách 24/7 và đương nhiên Việt Nam cần những “thành phố không ngủ” nhưng có kiểm soát, quản lý và phân khu.

Kinh tế đêm mang đến nhiều lợi ích, là “mỏ vàng” nhưng cũng ẩn chứa những điểm chưa tích cực. Tại các đô thị lớn, hoạt động sôi động về đêm có thể ảnh hưởng đến cư dân – những người cần sự nghỉ ngơi yên tĩnh để tái tạo sức lao động sau một ngày làm việc.

Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề về an ninh trật tự, môi trường… Nếu phát triển kinh tế ban đêm mà tội phạm phát triển theo thì du khách cũng… chả dám tới.

Tuy nhiên, “khó” không có nghĩa là chúng ta bỏ; thay vì cấm đoán thì nên tính toán quy hoạch, xây dựng hoạt động kinh tế đêm một cách khoa học, không ảnh hưởng đến hoạt động chung của địa phương và cộng đồng dân cư.

Tại những điểm tham quan du lịch đêm, chính quyền có thể bố trí nhà hát riêng, biểu diễn dưới dạng tai nghe trực tiếp cho du khách. Những người tham gia biểu diễn trong phòng kín để tránh khuếch tán âm thanh, ánh sáng ảnh hưởng người dân xung quanh.

Chúng ta cũng có thể có những phân khu là tổ hợp các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống, nằm cách xa khu dân cư.

Để phát triển, thúc đẩy kinh tế ban đêm thì phải có một chiến lược phát triển bài bản và tổng thể. Du lịch cần một “nhạc trưởng” để liên kết các ngành cùng phối hợp.

Nhu cầu của khách về đêm là rất lớn nhưng đến tối chúng ta lại bắt khách đi ngủ, đó là sự lãng phí rất lớn.

Thái Lan đã nới lỏng từ tháng 12 năm ngoái cho phép 5 địa điểm hoạt động đến 4h sáng. Trong khi Việt Nam chỉ mới thí điểm mở rộng hoạt động kinh doanh đến 2h sáng tại khu vực phố cổ vào những ngày cuối tuần. Theo ông, Việt Nam có nên mở rộng thời gian, khu vực thí điểm, đo lường cụ thể để đánh giá hiệu quả kinh tế đêm, nới lỏng giờ giới nghiêm tại các điểm du lịch nổi tiếng?

– PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Kinh tế đêm nghĩa là từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Do đó, nếu chỉ giới hạn thời gian hoạt động đến 23h hoặc lâu hơn là 2h sáng hôm sau, thì không thể gọi là kinh tế đêm. 

Ngoài ra, nếu chúng ta chỉ thí điểm nới lỏng giờ giới nghiêm tại 1-2 khu vực, thì chỉ mở được một tuần là đóng cửa vì không có khách, không đủ tiền chi trả cho nhân viên.

Theo tôi, chúng ta phải mở rộng độ bao phủ thí điểm ra nhiều khu vực, nhiều địa phương. 

Du khách vui chơi ở Phố Tây Bùi Viện TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Đã từng đến nhiều nước trên thế giới, ông ấn tượng với mô hình phát triển kinh tế đêm ở đâu? Theo ông, Việt Nam có thể học được gì từ các mô hình này để khai thác hiệu quả “mỏ vàng” tiềm năng?

– PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Mỗi quốc gia phát triển du lịch đêm theo cách khác nhau. Như Singapore với thế mạnh mua sắm, lượng du khách đến sân bay Changi ghi nhận “khủng”. Họ chỉ cần mở cửa là bán hàng hóa xuyên đêm. 

Nhật Bản cũng đang phát triển kinh tế đêm kết hợp văn hóa, lịch sử. Trước đây, các bảo tàng và đền thờ ở Nhật Bản thường đóng cửa lúc 17h, còn các buổi hòa nhạc và chương trình biểu diễn thì kết thúc lúc 20h30. Chính vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đề xuất chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ban đêm từ cuối năm 2017.

Bên cạnh việc nới lỏng các chính sách cho phép các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm về đêm hoạt động tới sáng, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch và hạn chế tiếng ồn từ các hoạt động dịch vụ ảnh hưởng đến các khu dân cư được Nhật Bản quan tâm thực hiện.

Mỗi quốc gia có những nét đặc trưng riêng, Việt Nam có quá nhiều thứ để làm du lịch đêm nếu biết đa dạng, phong phú “chủng loại sản phẩm”.

Điều quan trọng, chúng ta không phải “bắt chước” các quốc gia khác mà là học tập những điều tốt từ họ để xây dựng mô hình kinh tế đêm phù hợp với từng địa phương cụ thể.

Sự khác biệt về khẩu vị, sản phẩm đa dạng phong phú là điểm mấu chốt để níu chân du khách.

Cách đây hơn 10 năm, khi tôi nói về ý tưởng lấy thuyền thúng đưa khách đi trải nghiệm tại rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An), nhiều người tỏ ra dè dặt, sợ mất an toàn, sợ nguy hiểm… Thế nhưng trò chơi “múa” thúng hiện giờ lại rất “hot”, du khách rất thích, đặc biệt là khách nước ngoài.

Trò chơi này gây sốt chính bởi nét độc đáo, mang dấu ấn văn hóa vùng miền, kích thích sự tò mò, tính chinh phục của du khách.

Làm kinh tế đêm cũng vậy, chúng ta phải gỡ bỏ tư duy cũ, phải đầu tư, nghiên cứu, dám làm những sản phẩm độc đáo, đó mới là thứ khách cần, khách muốn và khách vui vẻ bỏ tiền.