Lò bánh mì "cá sấu khổng lồ" từng bán gần 600 ổ/ngày ở TPHCM sắp đóng cửa

60
Sau gần 2 năm hoạt động, bán hàng trăm ổ bánh mì "khổng lồ" hình động vật mỗi ngày, tiệm bánh mì của anh Trịnh Thiện Thành (SN 2000) chuẩn bị đóng cửa do dần thưa khách.

Bánh mì hình thù đặc biệt, bán 600 ổ/ngày

Trên đường Lý Thường Kiệt, đoạn giao với đường Tân Phước (quận 10, TPHCM), lò bánh mì của anh Thiện Thành thu hút sự chú ý của người đi đường với những chiếc bánh mì có hình dáng cá sấu, tôm hùm… ngộ nghĩnh, “siêu to khổng lồ”.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Thanh Thắng (SN 2006) – thợ làm bánh mì gắn bó với lò từ ngày lò mới khai trương – cho biết việc làm bánh mì hình con vật không phải điều dễ dàng, mà thợ phải trau dồi hằng ngày cho quen tay, bởi bánh mì vốn không có khuôn.

Bánh mì hình tôm, cá sấu (Ảnh: Mộc Khải).

Cũng chính vì kỹ thuật làm bánh khó nên hầu hết thợ tại đây đều được đào tạo ở quê rồi lên TPHCM làm việc. Hằng ngày, từ 2-3h sáng, lò bánh mì này đã “đỏ lửa”, những người thợ bắt đầu nhồi bột, tạo hình rồi nướng bánh để kịp bán cho khách vào sáng sớm.

Những khối bột trắng tinh, qua đôi bàn tay thoăn thoắt của những người thợ lành nghề nhanh chóng có được hình thù cua, tôm, cá sấu… Đường nét, mắt mũi và vảy của các con vật đều được thợ nhào nặn và khắc hình tỉ mỉ, bằng phương pháp thủ công. 

Sau khi có hình dạng, bánh mì hình con vật được nướng theo phương pháp thông thường, một mẻ khoảng hơn 10 chiếc bánh. Bánh nướng khoảng nửa tiếng thì được thợ mang ra phết bơ, rắc mè, trang trí để hoàn thiện rồi đưa vào lò nướng thêm khoảng 30 phút thì cho ra thành phẩm.

“Bánh lớn nên mỗi mẻ chỉ nướng được số lượng ít. Bánh mì cá sấu to nhất ở tiệm được làm từ 3kg bột, dài hơn 60cm”, thợ làm bánh cho hay.

Những chiếc bánh mì hình động vật thành phẩm vàng ươm, nở phồng, bên ngoài giòn, ruột mềm và có vị ngọt nhẹ. Đặc biệt, bánh mới ra lò hương thơm ngào ngạt, hấp dẫn khách hàng.

Bánh mì hình cá sấu làm từ 3kg bột (Ảnh: Mộc Khải).

Nhân viên tiệm bánh cũng chia sẻ, thợ làm bánh ở lò không ngơi tay. Bánh được làm và nướng vào sáng sớm và buổi trưa, nên luôn nóng giòn để phục vụ khách hàng. Quán cũng khẳng định bánh mì chỉ được bán trong ngày, nếu bán không hết sẽ bỏ chứ không để hôm sau bán tiếp.

Anh Thiện Tùng (SN 1967) – thợ nướng bánh – cho biết thời gian đầu khi mới khai trương, mỗi ngày lò bán được gần 600 bánh mì hình động vật. Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, lượng khách có phần sụt giảm, mỗi ngày lò bán được khoảng 200 bánh.

“Khách hàng chủ yếu mua bánh mì con vật làm quà tặng hoặc mua cho trẻ em, con cái trong nhà. Giá bánh dao động từ 20.000 đồng đến 80.000 đồng/bánh”, anh Tùng nói.

Từng gây “sốt”, dần thưa khách sau 2 năm

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Thiện Thành cho biết gia đình anh có truyền thống làm bánh mì đã hơn 30 năm và có nhiều cửa hàng bánh mì ở các tỉnh miền Tây. Hai năm trước, gia đình anh mở thêm lò bánh mì ở TPHCM, chuyên làm bánh mì hình động vật.

Để hấp dẫn khách hàng, lò bánh mì của anh cho ra đời nhiều loại bánh mì với nhiều kích thước khác nhau. Song, được ưa chuộng nhất là bánh mì hình cá sấu, tôm, cua…

Tuy nhiên, anh Thành cũng tâm sự, gia đình anh đã quyết định đóng cửa lò bánh mì ở TPHCM, để tập trung phát triển, mở rộng các cửa hàng ở miền Tây.

“Hồi mới mở cửa tiệm ở TPHCM, tôi ở lại để quản lý. Tuy nhiên về sau, tôi phải về An Giang sống, quản lý các chi nhánh khác, nên việc kinh doanh ở TPHCM cũng sụt giảm.

Ban đầu, tiệm bán được gần 600 bánh/ngày, nhưng giờ đây chỉ bán được khoảng hơn 200 bánh/ngày. Vậy nên trong tháng 6 này, chắc tôi sẽ đóng cửa, dời cơ sở ở TPHCM về Cần Thơ luôn”, anh Thành nói.

Anh Thiện Thành đang có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh bánh mì hình động vật ở miền Tây (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh Thành cho biết thêm, hiện tại, gia đình anh đã có 7 lò bánh mì ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ, mỗi tiệm có khoảng mười mấy thợ. Anh thường xuyên di chuyển giữa các tỉnh để quản lý các tiệm bánh.

“Tôi có một thợ làm bánh chính, khi thợ này sáng tạo ra được hình thù mới hay cách làm bánh mới, sẽ đi các lò để hướng dẫn lại cho các thợ khác. Ở mỗi lò tại các tỉnh miền Tây, bánh mì hình động vật bán được khoảng 300-400 bánh/ngày”, anh Thành nói.

Anh Thành cũng bày tỏ, anh mong muốn duy trì và phát triển được nghề làm bánh mì truyền thống của gia đình, đồng thời mang đến những trải nghiệm mới lạ cho thực khách.

Một số vị khách ghé mua bánh mì cho biết, họ tìm đến đây phần vì tò mò, phần là khách quen muốn mua để làm quà cho trẻ nhỏ. Chị Thu Nga (SN 1972, quận 11) ghé lò mua một ổ bánh cá sấu khổng lồ cho con và các cháu. Chị Nga nhận xét: “Con cá sấu to làm rất tỉ mỉ. Bánh cũng rất giòn và thơm. Tôi rất thích”.

Chị Thanh Thúy (SN 2001, quận Tân Bình) thì chia sẻ chị đến mua vì hiếu kỳ với những ổ bánh mì cá sấu “siêu to khổng lồ” nên muốn dùng thử, sẵn chụp ảnh.

“Ổ bánh mì rất lớn và được tạo hình tỉ mỉ nên rất bắt mắt. Tuy nhiên mua bánh mì với giá gần 100.000 đồng cũng hơi đắt, nên chắc chúng tôi chỉ mua dùng thử lần này”, chị Thúy cho hay.