Quán nộm "nồng nặc mùi sông Tô Lịch" khách vẫn ngồi ăn chật kín vỉa hè

305
Quán nộm bò khô của chị Huyền nằm ngay sát bờ sông Tô Lịch (Hà Nội). Hàng ngày, mùi hôi từ sông bốc lên nồng nặc nhưng thực khách vẫn chen chúc ngồi ăn.

15h30p, chị Thanh Huyền, chủ quán nộm bò khô bắt đầu dọn đồ nghề ra vỉa hè đoạn Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) để bán hàng. Quán chị Huyền không có biển hiệu cầu kỳ, chị chỉ mang theo chiếc thúng to đựng nguyên liệu, vài chiếc ghế nhựa đặt ngay sát bờ sông Tô Lịch. 

Sông Tô Lịch từ hàng chục năm nay được mệnh danh là “dòng sông chết” bởi tôm cá không sống được và quanh năm bốc mùi hôi thối. Vào những ngày nắng gắt ngay cả những người đi xe máy qua đường cũng cảm thấy ngột ngạt. 

Nằm ở vị trí không thuận lợi, quán nộm của chị Huyền được gọi vui là “quán ăn cho người ngạt mũi”. Nhiều người khó tưởng tượng được cảnh thực khách có thể ngồi ăn ngay cạnh một con sông nồng nặc mùi hôi như thế.

Quán nộm của chị Huyền ngay sát sông Tô Lịch, đoạn Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) (Ảnh: Phúc Anh).

Chuyển về đây bán hàng đã hơn 10 năm, chủ quán lý giải: “Có mùi hôi thoang thoảng từ sông, nhưng lòng sông, nơi có rác bẩn không gần vị trí khách ngồi ăn. Quán tôi rất sạch sẽ, vỉa hè lúc nào cũng tinh tươm, không có rác bao giờ”.

Mỗi ngày, quán nộm của chị Huyền bán được khoảng 100 bát nộm cho khách ngồi ăn tại chỗ, hơn 30 bát mua mang đi. Bà chủ cho biết, đa số đều là khách quen đã ăn nhiều năm. Quán không có số nhà khách vẫn nhớ địa chỉ, và cũng “quen” luôn mùi của sông Tô Lịch.

Thực khách thoải mái ngồi ăn nộm ngay sát sông Tô Lịch (Ảnh: Phúc Anh).

Suất nộm bò khô đầy đủ giá 40.000 đồng (Ảnh: Phúc Anh).

Trong sạp hàng nhỏ, các nguyên liệu chính của món nộm được chia nhỏ trong các túi bóng, xếp lần lượt theo miệng thúng. Gồm: nộm đu đủ thái sợi, bánh bột lọc, bò khô, rau sống hành phi, lạc rang, nước mắm…

Thịt bò khô sấy, cắt thành thỏi nhỏ, màu sậm như màu gỗ lim, gần giống những miếng thịt khô gác bếp vùng cao Tây Bắc. Đây đều là nguyên liệu chị Huyền tự làm, trong đó, quan trọng nhất là nước mắm được pha với công thức riêng, đảm bảo độ chua, cay, mặn, ngọt vừa đủ. 

Thực khách có thể gọi phần nộm đầy đủ giá 40.000 đồng/bát hoặc gọi riêng bánh bột lọc giá 30.000 đồng/bát.

Hàng ngày, chị Huyền chỉ bán từ 15h30 đến khoảng 18h, từ lúc mở cửa, quán đông khách liên tục. Vỉa hè chỗ chị ngồi xếp được hơn 10 chiếc ghế nhựa, có lúc quán chật kín chỗ, khách tới sau phải xếp hàng dưới lòng đường.

Khách quen cho biết có thấy mùi hôi từ sông nhưng chỗ ngồi của quán khá sạch sẽ, món nộm ngon (Ảnh: Phúc Anh).

Bạn Thanh Thảo (25 tuổi, Hà Nội), một khách quen của quán chia sẻ: “Tôi đã ăn ở đây từ khi là sinh viên. Đúng là ngồi vào mùa nào cũng khó tránh được mùi hôi, nhưng có khi mùi chỉ thoang thoảng tôi vẫn ngồi ăn bình thường”.

Quán cóc nằm trên vỉa hè, không có mái che nên khá bất tiện nếu ăn uống vào ngày trời mưa. Chỗ để xe cũng không thoải mái. Khi ghé ăn, thực khách nên để xe gọn gàng, đúng nơi quy định, tránh ảnh hưởng giao thông. 

Ngoài ra, dù đến vào thời gian nào, ngồi từ vị trí của quán, thực khách cũng có thể cảm nhận rõ mùi hôi từ sông Tô Lịch, nhất là vào những ngày oi nóng.