Biết mình không có được ‘phúc phận’ như hai người anh em láng giềng là Quảng Nam và Huế – những nơi có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được UNESCO công nhận (Quảng Nam có Hội An, Mỹ Sơn; còn Huế có Đại Nội, một loạt lăng tẩm, nhã nhạc cung đình), nên theo phương châm “nếu không có sẵn thì tạo ra”, du lịch Đà Nẵng đã có rất nhiều bước đi táo bạo, để tìm mọi cách thu hút và sau đó là níu chân du khách ở lại với mình. Cho tới thời điểm này, có thể coi những sáng tạo của Đà Nẵng là tương đối thành công, tạo ra những hiệu ứng tốt hơn mong đợi trong lòng du khách.
Chính thức phủ sóng wifi toàn thành phố
Đà Nẵng không phải là thành phố đầu tiên thử nghiệm việc lắp đặt wifi miễn phí trong thành phố, nhưng họ là nơi đưa việc thử nghiệm trở thành chính thức sớm nhất nước. Ngày 10/7 vừa qua, Đà Nẵng đã chính thức phủ sóng wifi toàn thành phố, tức những sự cố kỹ thuật trước đó như mạng chậm, thỉnh thoảng không hết nối được,… đã được khắc phục đáng kể.
Với 330 trạm thu phát sóng được lắp đặt khắp nơi, wifi miễn phí không chỉ phục vụ cho người dân và du khách ở các quận trung tâm, mà còn ở vùng ven. Tuy nhiên, dù là wifi miễn phí cũng không có nghĩa là bạn thích dùng làm gì và bao nhiêu cũng được. Hiện tại, wifi miễn phí ở Đà Nẵng chỉ cho phép người dùng sử dụng trong khoảng 20 phút/1 lượt.
Công viên châu Á và Vòng quay mặt trời
Công viên châu Á là khu công viên vui chơi giải trí hàng đầu tại Đông Nam Á với quy mô đầu tư “khủng” lên đến 4.000 tỉ đồng, nằm phía Đông Nam Đài Tưởng niệm, trên đường 2/9 dọc theo bờ Tây sông Hàn, ngay chân cầu Tuyên Sơn. Theo bản kế hoạch, công viên sẽ được chia làm 4 phân khu chức năng chính: công viên văn hoá, công viên vui chơi giải trí, khu nhà biểu diễn đa năng và bãi đỗ xe.
Riêng trong khu công viên vui chơi giải trí sẽ có đến 60 trò chơi, trong đó có đến 20 trò chơi cảm giác mạnh. Nhưng hiện tại, chỉ mỗi Vòng quay mặt trời Sun Whell là đã chính thức đi vào hoạt động. Sun Whell cao lên đến 115m, vòng quay khổng lồ này đạt vận tốc 16 phút/1 vòng và có thể chở được tối đa 384 hành khách mỗi lượt với 64 cabin. Trên Sun Whell bạn sẽ thấy hết Đà Nẵng, không trừ một khu nào. Nó đang là 1 trong 10 vòng đu quay lớn nhất trên thế giới.
Thành phố “nồng nàn” hoa sữa
Nếu bạn du lịch Đà Nẵng để vui chơi dịp 2/9, nên chuẩn bị một chút để không cảm thấy khó thở và khó chịu khi ở đây. Bởi, đây là thời điểm mà hoa sữa bắt đầu nở, mà thành phố Đà Nẵng có rất nhiều cây hoa sữa, trồng khắp nơi. Như bản chất, nếu Đà Nẵng đã không làm thì thôi, nếu làm sẽ đến nơi đến chốn. Việc trồng hoa sữa cũng vậy, trong phong trào “người người trồng hoa sữa, nhà nhà trồng hoa sữa” rộ lên ở miền Trung cách đây hơn chục năm, không ai hưởng ứng nó sốt sắng bằng người Đà Nẵng.
Hệ quả: Đến mùa hoa sữa, nhiều người có nhà vô tình ở những con đường như Phan Thanh, Hoàng Diệu, Đống Đa hay Hà Huy Tập đều muốn chuyển nhà đi nơi khác, vì không thể chịu nổi việc ngày đêm bị “tra tấn” bởi cái mùi hết sức nồng nàn của hàng hoa sữa ken dày trên đường. Còn người trong hẻm, có việc gì cần kíp lắm họ mới chịu ra đường. Hàng quán nào vô phúc có 2 đến 3 cây hoa sữa bao quanh, cũng vắng đi nhiều khách vì lẽ đó.
Bánh tráng cuốn thịt ba chỉ 2 đầu
Về cơ bản, món bánh tráng cuốn thịt ba chỉ 2 đầu ở Đà Nẵng chẳng khác gì bánh tráng cuốn Trảng Bàng trong miền nam. Chỉ có điều, thịt 3 chỉ có 2 đầu da, ngoài bánh tráng mỏng còn có bánh ướt. Bí quyết dính thêm một miếng da nữa ở đầu kia miếng thịt vẫn là một bí mật riêng của người Đà Nẵng.
Tuy nhiên, trừ cái chuyện đó ra, bánh tráng cuốn của Đà Nẵng chẳng ngon gì hơn Trảng Bàng của miền Nam. Thậm chí, nó còn kém hơn một chút, khi rau ăn kèm không phong phú bằng Trảng Bàng. Đã thế, nếu so với mặt bằng chung của Đà Nẵng, nó tương đối đắt. Thế nên, với những người miền Nam, đã từng ăn nhiều chỗ bánh tráng Trảng Bàng ngon, có thể bỏ qua món này cũng không sao.
Cầu Rồng phun lửa
Cầu Rồng chính là công trình thể hiện sự chịu chơi tột độ của người Đà Nẵng. Cầu Rồng là cây cầu thứ 7 bắt qua sông Hàn, tại bùng binh Lê Đình Dương – Bạch Đằng. Ngoài những hạng mục cơ bản như các cây cầu khác. Cầu Rồng còn có hẳn một còn rồng bằng thép sơn vàng uốn lượn bên thân cầu. Công trình được kỳ vọng sẽ là biểu tượng của thành phố trẻ này trong tương lai.
Ngoài chức năng trang trí, con rồng trên cầu rồng còn hai chức năng khác vô cùng ấn tượng: phun nước và phun lửa. Thứ mà con rồng này phun ra vào mỗi 21 giờ 2 ngày cuối tuần và các ngày lễ là lửa và nước thật, chứ không phải hiệu ứng laze. Thế nên, nếu bạn du lịch Đà Nẵng vào dịp 2/9, chắc chắn sẽ được xem một con rồng phun lửa thật, chứ không phải chỉ trong truyền thuyết.
Cáp treo đạt 4 kỷ lục Guinness thế giới
Có thể khẳng định chắc chắn một điều, nếu không có hệ thống cáp treo hoành tráng, khu du lịch Bà Nà Hills sẽ không có được vị thế như ngày hôm nay, cho dù bản thân nó cũng có rất nhiều điều kiện thuận lợi. Để làm những tuyến cáp treo đưa du khách từ mặt đất lên đỉnh Bà Nà ở độ cao hơn 1400 mét so với mực nước biển, thành phố Đà Nẵng đã đổ rất nhiều tâm sức.
Tháng 2/2013, sau khi khai trường tuyến cáp treo thứ 3 không lâu, Bà Nà nhận được tin vui khi tổ chức Guinness công nhận nó là tuyến cáp treo duy nhất đạt 4 kỷ lục thế giới: Tuyến cáp một dây dài nhất thế giới với tổng chiều dài hơn 5,771km; độ chênh giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới với độ chênh lệch hơn 1,368km; chiều dài một sợi cáp không nối dài nhất thế giới với 11,587m và độ nặng cuộn cáp nặng nhất thế giới với 141,24 tấn.
Theo Linh Đan
Xem thêm bài viết:
Cầu Rồng – Đà Nẵng đoạt giải thế giới về thiết kế ánh sáng đẹp
10 điểm ấn tượng chỉ có tại thành phố Đà Nẵng
Những món hải sản tuyệt ngon ở Đà Nẵng