Nỗi ám ảnh khi du khách "ở bẩn": Rác ngập phòng, chó phóng uế trên giường

87
Nhiều chủ khách sạn không khỏi "đau đầu" khi gặp cảnh khách thuê phòng ở bừa bộn, vương vãi đồ ăn, chén đũa ra khắp sàn…

Gần đây, hình ảnh ghi lại cảnh một căn villa ở Hạ Long ngập tràn rác sau khi cho thuê được chia sẻ rộng rãi. Được biết, khách thuê villa đã mở tiệc ăn uống trong phòng nhưng không dọn dẹp. Họ rời đi và để lại rác ngổn ngang từ phòng khách đến nhà bếp, không khác gì một “bãi chiến trường”. Ly nhựa, vỏ chai, vỏ bánh, hạt dưa… vương vãi khắp bàn ghế và sàn nhà.

Ở khu vực nhà bếp, khách sử dụng chén đũa nhưng không rửa, thậm chí còn để lại đồ ăn, rau củ thừa trên bàn. Ngoài ra, một số đồ trang trí, khăn tắm của villa cũng bị hư hỏng nặng, ố bẩn. 

Khách thuê villa ăn uống, để rác ngập phòng (Ảnh: Chụp màn hình).

Ngay khi những hình ảnh được chia sẻ thu hút sự chú ý của cộng đồng với hàng nghìn bình luận. Phần đông đều tỏ ra bức xúc trước lối sống bừa bộn, kém ý thức khi khách thuê phòng. 

“Như thế này thì ý thức kém thật sự! Nhà mình thuê villa, khi ra về tụi mình để đồ vào đúng vị trí, dọn dẹp gọn gàng. Đừng có ý nghĩ thuê phòng rồi có quyền xả rác, không phải đồ của mình thì không giữ gìn. Cái này còn thuộc về ý thức và thói quen sinh hoạt”, tài khoản V.T.M. bình luận. 

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng khách thuê phòng không làm gì sai bởi đó là quyền lợi của họ.

“Căn villa cho thuê, giá trị ghi trên hóa đơn rồi, bên dịch vụ phải có trách nhiệm. Lấy tiền của khách, khách đến là thượng đế, khách đi cũng vẫn là thượng đế. Có vậy họ mới quay lại và chia sẻ giới thiệu dịch vụ bên mình”, một tài khoản bình luận. 

Thực tế, những tranh cãi xoay quanh việc khách ở bừa bộn khi thuê phòng thường xuyên xảy ra trong ngành dịch vụ. Trong khi quản lý, nhân viên ngành quản trị khách sạn ám ảnh với cảnh phòng ốc bừa bộn, thì khách thuê phòng lại mang suy nghĩ “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”. 

Năm 2019, loạt ảnh ghi nhận tại một khách sạn 5 sao thuộc Hạ Long gây “sốc” với hình ảnh căn phòng sau khi cho thuê biến thành một “bãi rác lớn” với đầy vỏ chai, vỏ bánh, ly mì, gói gia vị, giấy vệ sinh… Gối, chăn trên giường bị quăng ném thẳng xuống dưới sàn nhà. Khăn tắm trắng trở thành giẻ lau.

Khi xem được những hình ảnh này, nhiều người tỏ ra ngao ngán trước cách sống bừa bộn của khách thuê phòng. 

Hiện trạng sau khi khách trả phòng (Ảnh: Chụp màn hình).

Ở một diễn biến khác, năm 2019, câu chuyện về cặp đôi lén đưa chó vào khách sạn ở Đà Nẵng, cũng từng gây xôn xao mạng xã hội.

Theo quản lý khách sạn, mặc dù đã biết quy định cấm đưa thú cưng vào phòng nhưng cặp đôi vẫn cố tình qua mặt nhân viên, lén đưa chó vào ở chung. Sau khi rời đi, cặp đôi đã để lại căn phòng với đầy rác thải, vỏ chai, đầu thuốc lá… 

Chưa kể nhân viên còn phát hiện vị khách này cắt tỉa lông thú cưng trong phòng, để lông dính vào các vật dụng khác. Đáng nói, cặp đôi còn để thú cưng phóng uế lên giường ngủ.

Để thú cưng phóng uế lên ga giường gây tranh cãi (Ảnh: Chụp màn hình).

Cùng thời điểm trên, chủ của một homestay Đà Lạt phản ánh về việc khách thuê phòng trong 3 ngày nhưng kém ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, làm hư hỏng đồ dùng. 

Khi nhận lại phòng, chủ homestay đã không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh đồ đạc nằm ngổn ngang, rác đầy phòng. Vị khách còn vô tư dùng khăn tắm làm giẻ lau, sử dụng nồi đến mức cháy đen…

Trước sự việc, chủ homestay đã yêu cầu khách hàng phải bồi thường thiệt hại, Tuy nhiên, sau khi giải quyết ổn thỏa, nhóm khách lại đánh giá 1 sao cho homestay.

Khách thuê làm hỏng đồ dùng của homestay (Ảnh: Chụp màn hình).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại diện của một homestay ở Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết, họ thường xuyên gặp phải những khách hàng vô ý thức. Homestay này có nhà bếp và đầy đủ các dụng cụ nấu nướng để khách tiện sử dụng. 

“Đến Hà Tiên, đa số khách thích bày tiệc hải sản ăn uống, nhậu nhẹt. Khi khách đến thuê phòng chúng tôi nói rõ rằng, nếu như khách nhậu trong phòng thì phải chủ động dọn dẹp, còn để nhân viên dọn thì phải đóng phụ thu 100.000 đồng.

Cách đây vài hôm, chúng tôi gặp trường hợp vô cùng khó xử vì khách nhậu xong không dọn dẹp. Ban đầu, nhân viên có ý nhắc nhở khách phải dọn rác ra khỏi phòng để tránh ám mùi, nhưng khi nhậu xong họ vẫn để rác đầy phòng và bốc mùi hôi. Nhân viên buộc lòng phải dọn dẹp cho khách. 

Tuy nhiên khi chúng tôi đề cập đến phí phụ thu thì khách hàng lại không chịu trả. Họ nói phí dọn dẹp nằm trong tiền thuê phòng nên không trả thêm”. 

Quản lý của một khách sạn ở Đà Lạt cho biết, để dọn dẹp một căn phòng mất nhiều thời gian, trong khi đó, nhân viên chỉ có khoảng 2 tiếng (12h-14h) để dọn dẹp sau khi khách trả phòng.

“Nếu khách trả phòng trong tình trạng bừa bộn, chúng tôi gặp khó khăn trong việc lau chùi, khử mùi căn phòng. Thông thường, sau khi dọn dẹp xong, chúng tôi phải để phòng trống 1-2 tiếng cho bay hết mùi thì mới nhận khách sau.

Tuy nhiên, ở khách sạn thì ít gặp trường hợp khách bày biện nhậu nhẹt hay nấu nướng, nên đỡ vất vả hơn trong việc dọn dẹp. Trường hợp bừa bộn nhất thường là chai nước, vỏ bánh kẹo thôi… Thỉnh thoảng, khách vô ý lấy khăn tắm để lau chân”. 

Đại diện một homestay ở Vũng Tàu cho biết, để giảm bớt thiệt hại đồ đạc trong phòng, homestay có dán đầy đủ nội quy sử dụng cho từng món đồ. Nếu khách hàng làm hư hại thì phải bồi thường theo đúng giá đã niêm yết trên nội quy. 

“Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn gặp những trường hợp khách kém ý thức, ăn uống nhưng không dọn dẹp, quăng đồ đạc lung tung. Tuy nhiên, hướng giải quyết của chúng tôi thường là tự dọn dẹp, xem khách hàng là thượng đế”, phía homestay đưa ý kiến.