Tham quan di tích Hải Vân Quan cheo leo mây phủ
Hải Vân Quan nằm ở đỉnh đèo Hải Vân, phía Tây núi Hải Vân, chỗ giáp vai giữa hai ngọn Hải Vân Sơn (phía Đông) và Bà Sơn (phía Tây), thuộc dãy núi Bạch Mã. Hải Vân Quan nằm giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Tp. Đà Nẵng).
Trước năm 1306, vùng đất có đèo Hải Vân thuộc hai châu Ô và Lý của Vương quốc Chăm Pa. Sau khi Huyền Trân Công Chúa nhà Trần lấy vua Chế Mân, đèo Hải Vân trở thành biên giới giữa hai nước Đại Việt và Chăm Pa. Từ 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông thân chinh Chăm Pa, đèo Hải Vân trở thành ranh giới giữa Thuận Hóa và Quảng Nam, trở thành vị trí xung yếu trên con đường thiên lý Bắc Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ thời Gia Long, triều đình đã cho sửa đường lên đèo Hải Vân. Đến thời Minh Mạng, để khuyến khích người dân sinh sống ở vùng núi non hiểm trở này, nhà vua đã ban thưởng cho mỗi nhà dân ở đây một lạng bạc và xây đá thành bậc ở những đoạn đường dốc cho dễ đi lại.
Trước khi xây dựng di tích Hải Vân Quan, đèo Hải Vân đã được coi là vị trí xung yếu của Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế. Các đồn binh, trạm gác được bố trí trước thời điểm 1826 có qui mô nhỏ bé… không quá chú trọng về mặt quân sự.
Chúa Nguyễn Hoàng khi xưa cũng xem vị trí cửa ải trên đèo Hải Vân này là “yết hầu của vùng Thuận Quảng”. Tháng Hai năm 1826, vua Minh Mạng cho xây một cửa quan ở đỉnh đèo Hải Vân, cửa trước viết ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa sau viết sáu chữ “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan”, hai bên xếp đá làm tường liền nhau. Vì thế ai muốn qua Hải Vân đều phải qua hai lần cửa gạch vồ theo lối vòm cuốn, giống cửa ở Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có bậc thang lên xuống.
Di tích Hải Vân Quan xây trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm, sau đó triều đình phái viên tấn thủ đóng giữ. Các vua nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) đã nhiều lần ra chỉ dụ liên quan đến Hải Vân Quan nhằm bảo vệ an toàn cho Kinh đô Huế và dân chúng qua lại, bảo vệ an toàn mặt phía nam Kinh đô.
Tháng 8 năm 1848, vua Tự Đức cho đắp thêm pháo đài ở cửa ải Hải Vân, năm 1849 lại đặt thêm 7 cỗ thần công để phòng thủ cả trên núi cao lẫn ngoài biển. Nằm ở vị trí chiến lược của đèo Hải Vân, Hải Vân Quan là cơ cấu phòng thủ kiên cố, có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công. Tuy nhiên sau nhiều thế kỷ, Hải Vân Quan chịu chung số phận với sự suy tàn của nhà Nguyễn.
Di tích Hải Vân Quan nằm trên đỉnh núi cao, quanh năm mây phủ, độ ẩm cao cùng với ảnh hưởng của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh nên đã bị hư hại khá nhiều. Di tích này ngày nay chỉ còn lại phần tháp canh và cổng quan rêu phong. Các đồn bốt, hầm hào, pháo đài… mục nát nằm khuất sau bụi cây cỏ mọc um tùm.
Tuy nhiên vào cuối năm 2021, dự án “Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” đã được khởi công, sau khi tỉnh Thừa Thiên – Huế và Tp. Đà Nẵng bắt tay cùng thực hiện. Dự án có tổng đầu tư hơn 42 tỷ từ nguồn ngân sách của hai tỉnh, thành phố. Thời gian trùng tu diễn ra trong 2 năm, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023.
Theo quy mô đầu tư và phương án xây dựng, sẽ tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đến nền gốc tích thời Nguyễn. Tu bổ Hải Vân Quan, cửa Thiên hạ đệ nhất hùng quan theo các dấu tích nguyên gốc, phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ…
Trong tương lai khi hoàn thành việc tu bổ, di tích Hải Vân Quan hứa hẹn trở thành địa điểm du lịch lịch sử hấp dẫn. Du khách có cơ hội vừa khám phá, săn mây trên đỉnh đèo Hải Vân, vừa được tham quan di tích cổ xưa khiến chuyến du lịch hấp dẫn hơn, thu hút du khách trong và ngoài nước!
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Ngắm vẻ đẹp tinh khôi của bãi Rạn Nam Ô Đà Nẵng
Thích thú trước cảnh sắc hoang sơ ở Khe Răm Đà Nẵng
Khám phá làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng có tuổi đời 300 năm