Động Huyền Không huyền bí trong dãy núi Ngũ Hành Sơn

67

Động Huyền Không huyền bí trong dãy núi Ngũ Hành Sơn

Nhà thơ Tản Đà đã ca ngợi vẻ đẹp của động Huyền Không qua những câu thơ rất đắt như sau:

“Rủ nhau lên động Huyền Không

Bụi trần rũ sạch như không có gì”.

Đường xuống động. Ảnh: Báo Đà Nẵng.

Động Huyền Không nằm trên đỉnh Thượng Thai, đỉnh núi cao nhất trong quần thể Ngũ Hành Sơn. Nơi đây phong cảnh hữu tình cùng những mỏm đá rêu phong là địa điểm được tiền nhân chọn xây dựng nhiều công trình độc đáo mang giá trị lịch sử văn hóa to lớn.

Ánh sáng chiếu vào động. Ảnh: Báo Bình Phước.

Ảnh: @frozenery

Để vào được động Huyền Không phải bước xuống hơn 20 bậc cấp nằm sâu hơn động Hoa Nghiêm khoảng 5m. Bậc cấp bước xuống động là tượng của các vị Thiện và Ác đập ngay vào mắt du khách khi vừa mới đến tham quan động như nhắc nhở sự thánh thiện, từ bi.

Ảnh: silkevogel.de

Có chu vi khoảng 25m, động Huyền Không giống như chiếc chuông úp, là một trong những động rộng, thoáng mát và đẹp nhất của quần thể Ngũ Hành Sơn, vòm động tiếp xúc với bên ngoài, ánh sáng rọi vào làm khung cảnh lung linh huyền ảo.

Tượng Phật trong động Huyền Không. Ảnh: fujimotommr.

Ngày nắng, động đóng vai trò như một chiếc điều hòa thiên nhiên làm không khí mát mẻ. Điểm độc đáo này khiến động Huyền Không đặc biệt hơn các động ở Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng…

Ảnh: thinh.phannnnn

Trong khi các nơi phần lớn là hang động kín, ẩm, trong động có đèn chiếu sáng thì động Huyền Không tuy ít thạch nhũ nhưng thoáng và đầy đủ ánh sáng tự nhiên.

Ảnh: nactraveler

Tượng Phật Thích Ca nằm trên vị trí cao nhất của động, được nghệ nhân Nguyễn Chất ở làng đá mỹ nghệ Non Nước tạc vào năm 1960. Bên dưới động là bàn thờ Phật Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bên trái động có đền thờ bà Ngọc Phi (bà Chúa Tiên); đền thờ bà Lồi Phi (Chúa Thượng Ngàn).

Ảnh: nactraveler

Sâu trong động, Trang Nghiêm Tự cổ kính được xây dựng năm 1825. Đền có 3 gian, gian chính thờ Phật Quan Âm, bên trái thờ 3 vị Thánh (Quan Công, Quan Bình và Châu Xương) tượng trưng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành. Đặc biệt, gian bên phải thờ ông Tơ, bà Nguyệt, nơi các bạn trẻ thường đến cầu duyên.

Ảnh: Báo Lao Động.

Đến lối đi bên phải chùa Tam Thai du khách sẽ gặp cửa động có ba chữ “Huyền Không Quan”, qua khỏi cổng là động Hoa Nghiêm – một động nhỏ thờ Quan Thế Âm tay cầm bình cam lồ với đôi mắt từ bi; bên trái có tượng Phật Thích Ca, trên vách động là tấm bia cổ Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật quý hiếm do nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn (1640), bia ghi tôn vinh công đức của các phật tử góp công xây dựng chùa; trong đó, có nhiều gia đình người Nhật Bản, Trung Hoa sống ở Hội An.

Ảnh: Báo Lao Động.

Quanh vòm động có nhiều nhiễu đá bám vào vách tạo nên những hình thù kỳ lạ, đó là khuôn mặt ông già nhìn nghiêng, con chim hạc hay đà điểu, hình hai đầu voi, con cò cùng chiếc mỏ dài nhọn ép vào vách động…

Ảnh: Báo Đà Nẵng

Bên cạnh giá trị tâm linh, động Huyền Không còn có giá trị lịch sử to lớn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đây là căn cứ hoạt động bí mật của cán bộ địa phương và du kích. Những năm Mỹ đến Việt Nam đã biến động Huyền Không thành nơi huấn luyện biệt kích và trú ẩn của nhiều đơn vị Mỹ – Ngụy.

Ảnh: Báo Đà Nẵng

Năm 1968, quân giải phóng đã đánh bật quân Mỹ – Ngụy ra khỏi động, đồng loạt tấn công nhiều căn cứ lân cận và sân bay quân sự Nước Mặn. Động Huyền Không trở thành nơi điều trị thương binh của quân giải phóng.

Đường vào động. Ảnh: Dân Việt.

Từ đó nơi đây đã ghi dấu những trận đánh oai hùng của quân dân Quảng Nam – Đà Nẵng, tiêu biểu là trận đánh của anh hùng Phan Hiệp. Sau, Đại đội trưởng Phan Hiệp được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đổi tên thành Phan Hành Sơn.

Theo iVIVU.com

Xem thêm bài viết:

Đặc sắc nghề hái mứt biển Nam Ô, Đà Nẵng

Ngắm vẻ đẹp tinh khôi của bãi Rạn Nam Ô Đà Nẵng

Phố đêm Túy Loan Đà Nẵng – Nơi vui chơi thâu đêm hấp dẫn