Củ niễng – Đặc sản dân dã mùa đông miền Bắc

47

Củ niễng – Đặc sản dân dã mùa đông miền Bắc

Từ cuối tháng 10 đến tháng 11 hàng năm là lúc mùa niễng rộ. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người sành ăn bắt đầu chia sẻ hình ảnh và tìm kiếm thông tin về món ăn dân dã mỗi năm chỉ có một lần này.

Cánh đồng niễng. Ảnh: Fb Yen Tran.

Ngày xưa ở những vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ, cây niễng mọc dại rất nhiều. Người dân cũng vì thế mà cứ độ thu đông lại hái củ niễng về để chế biến món ăn, những món ăn tuy đơn sơ nhưng giúp cải thiện bữa ăn của nông dân nghèo. Hoặc đơn giản hơn người ta ăn sống củ niễng, rất ngọt, mát.

Niễng thu hoạch thành từng bó. Ảnh: Fb Yen Tran.

Ảnh: Fb Ngọc Hân.

Ngày nay niễng không còn mọc dại nhiều như xưa, tuy nhiên lại trở thành món ngon vào hàng đặc sản. Khi gió heo may về, các bà nội trợ lại săn lùng củ niễng cho bữa cơm gia đình thêm lạ miệng và dinh dưỡng.

Ảnh: Fb Quỳnh Bé.

Niễng sau khi bóc hết vỏ. Ảnh: Tổ Quốc.

Tuy nhiên trồng niễng cũng không phải dễ dàng, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện đất đai tự nhiên. Niễng chỉ sinh trưởng mạnh ở vùng trũng, thấp, đất thịt ngọt ẩm ướt. Nếu được trồng ở vùng đất pha cát, niễng không chịu được khô đến khi thu hoạch bắp niễng sẽ lép.

Củ niễng xào trứng. Ảnh: Vnexpress.

Hơn nữa trồng niễng lại phụ thuộc vào thời tiết, nếu mưa bão nhiều thì mùa vụ sẽ thất thu. Niễng trồng kéo dài từ 9 đến 10 tháng nhưng chỉ thu hoạch trong khoảng một tháng. Niễng sau khi thu hoạch được cắt sát gốc, bỏ bớt phần lá phía trên là đã có thể mang bán.

Củ niễng xào thịt bò. Ảnh: Vnexpress.

Từ cuối tháng 10 đến tháng 11, khi tiết trời se lạnh cũng là lúc phần lá khô đi, để cho phần thân dưới phình to như cái chùy, chính là phần củ niễng có thể ăn được. Sau khi thu hái, bóc hết lớp lá bao bọc sẽ được củ niễng trắng nõn pha xanh tím.

Củ niễng xào thịt heo. Ảnh: Fb Huệ Anh.

Củ niễng trắng tinh được rửa sạch, thái lát mỏng rồi xào với thịt lợn hoặc thịt bò, tim cật, trứng hay đơn giản hơn xào với hành lá và gia vị là đã đủ cho bữa cơm mùa lạnh. Riêng người Hà Nội có cách chế biến khá cầu kỳ khi xào củ niễng với rươi đúng vụ đầu đông.

Củ niễng xào hành. Ảnh: Xuân Xuka.

Khi xào niễng với rươi cần để lửa to, đảo nhanh tay cho niễng chín tới và giữ được vị thanh ngọt nguyên bản. Củ niễng mềm, xốp, được xào chín tới vừa ngọt, vừa giòn lại thơm nhẹ là món ăn rất được lòng thực khách.

Bữa cơm ngon với niễng. Ảnh: Xuân Xuka.

Theo Đông y, củ niễng có tác dụng phòng ngừa xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thanh nhiệt, giải độc, góp phần chữa bệnh tiểu đường…

 Theo iVIVU.com

Xem thêm bài viết:

“Nhãn tiến vua”, đặc sản Hưng Yên

Cánh đồng cúc chi nở rộ ở Hưng Yên

Làng Nôm Hưng Yên – Ngôi làng cổ xưa đậm chất Bắc Bộ