Trái quách – Lạ miệng với trái “đầu trọc”

46

Trái quách – Lạ miệng với trái “đầu trọc”

Cây quách hay còn gọi là cây gáo có chung họ với cây cần thăng. Trước đây là một loài cây mọc tự nhiên khắp lục tỉnh Nam Kỳ nhưng dần dần chỉ còn vài ba nhà trồng chơi để lấy bóng mát ở các nơi như chợ Gạo (Tiền Giang) hay Giồng Trôm (Bến Tre).

Khi sờ vào vỏ ngoài trái quách cảm giác bàn tay nham nhám. Ảnh: Quách Duy Thịnh/Báo Thanh Niên.

Được biết từ tháng 10 âm lịch kéo dài đến tháng Giêng là mùa quách chín. Trái quách tròn tròn cỡ gáo dừa khô, có lẽ vì thế mà dân gian còn gọi nó là “cây gáo” hay “trái gáo”. Để đôi ba hôm cho đến khi trái quách chín muồi, da mốc trắng và tỏa mùi thơm rất đặc trưng là thưởng thức được. Tuy vẻ ngoài xấu xí nhưng luôn được săn đón như một món quà miền quê vô cùng quen thuộc với người dân nơi đây.

Loại trái này có vỏ ngoài rất cứng nên khi rớt xuống không bị bể. Nhiều người nếu thưởng thức được, khi tách ra sẽ ngửi thấy mùi thơm nồng, kích thích vị giác. Còn người không ăn được ngửi thấy mùi thoang thoảng đã quay mặt không dám nhìn vì cái mùi của trái tỏa ra. Chín vì thế trái quách là một loại quả rất dễ gây tò mò từ bên ngoài đến lẫn bên trong.

Cây quách sai trĩu quả. Ảnh: Quánh Duy Thịnh/Báo Thanh Niên.

Khi tách trái quách ra, bên trong ruột có phần cơm mềm màu nâu như màu me chín. Trong đó có nhiều hạt li ti nhỏ hơn hạt lựu, vị chua chua, ngọt ngọt, bùi bùi và giòn giòn của hạt cùng mùi thơm đặc trưng của trái. Người ta thường dùng trái quách để dầm pha nước uống. Để làm thức uống này bạn cần phải tách đôi trái quách sau đó nạo phần ruột cho vào ly và đánh sền sệt lên cho tới khi đặc lại là có thể thưởng thức.

Quách dầm đường đá giải nhiệt ngày hè. Ảnh: Quánh Duy Thịnh/Báo Thanh Niên.

Ngoài ra quách còn để ngâm rượu. Dùng ruột quách ngâm chung với rượu gạo hoặc rượu nếp. Còn không thì chẻ trái quách ra làm những miếng vừa vặn rồi cho vào hũ sành để vài tháng là có thể dùng được. Vì theo dân gian, rượu quách có công dụng chữa táo bón, tăng cường gân cốt, bổ thận, chữa trị cả chứng nhức đầu.

Đây là loại trái mặc dù không được bày bán phổ biến trên thị trường nhưng lại là một thức uống quen thuộc, trở thành một phần ký ức tuổi thơ của rất nhiều người dân vùng miền Tây sông nước.

Theo iVIVU.com

Xem thêm bài viết:

Món ngon ngày Tết miền Tây có gì?

Gà “ăn mày” – Đặc sản lạ tai đầy cuốn hút của người miền Tây

Các món ăn miền Tây độc đáo được nấu từ trái bần