Điều thú vị là không phải mọi kỳ quan này đều nằm trên mặt đất. Ẩn sâu dưới lòng đất của Thổ Nhĩ Kỳ là những kho báu lịch sử, một số có niên đại hơn 12.000 năm tuổi với kiến trúc cực kỳ ấn tượng.
Bể chứa nước ngầm Şerefiye ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ
Bể Şerefiye dùng để lưu trữ nước ngọt được mang từ Rừng Belgrade, một vùng hoang dã gần Biển Đen phía bắc thành phố, thông qua mạng lưới kênh đào dài gần 250km. Nước sau đó được phân phối cho người dân.
Vào khoảng cuối thế kỷ 18 hoặc đầu thế kỷ 19, sự tồn tại của bể Şerefiye đã hoàn toàn bị lãng quên. Một khu đất tư nhân lớn được xây dựng trên địa điểm này, làm cho bể nước bị ẩn giấu trong nhiều năm.
Phải đến năm 2010, khi một số công trình bị phá bỏ thì lối vào ngầm của bể chứa nước mới lộ ra. Bể chứa nước 1.600 năm tuổi mở cửa cho công chúng vào năm 2018.
Bể chứa nước Dara, Mardin
Ngoài những người dân địa phương chăn gia súc đi qua đống đổ nát của một thành phố đồn trú có niên đại từ thế kỷ thứ 6, rất ít người đến khu vực của bể chứa nước Dara. Xưa kia, bể chứa nước chảy từ trên núi xuống để người dân địa phương và binh lính La Mã đóng ở Dara sử dụng.
Giờ đây, địa điểm này đã để lại vô số kho báu, bao gồm những ngôi mộ được tạc bằng đá, xưởng chế biến ô liu và hàng loạt bể chứa nước ngầm. Một bể lớn đến mức người dân địa phương tin rằng đó là một ngục tối. Họ kể những câu chuyện hư cấu về những tù nhân bị xiềng xích nhiều năm, phụ thuộc vào những tia nắng yếu ớt để tính toán thời gian trôi qua.
“Giếng sâu” Derinkuyu
Năm 1963, một nông dân Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy đàn gà của mình liên tục mất tích rồi lại xuất hiện như có phép thuật. Anh đã lần theo dấu vết của chúng đến một vết nứt trên tufa, loại đá núi lửa tạo thành các ống khói peribaca của Cappadocia, và tìm ra lối vào hệ thống hang động sâu 18 tầng.
Derinkuyu, nghĩa là “giếng sâu” khi dịch sang tiếng Anh, đã được ghi vào Danh sách Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1985. Đây từng là nơi trú ẩn an toàn cho tới 20.000 người. Càng đi sâu vào, bầu không khí trong hang càng ẩm.
Có 8 tầng được mở cửa cho công chúng tham quan, chứa đầy tàn tích của nhà thờ, chuồng ngựa, máy ép rượu và khu mộ trống.
Đường hầm Rümeli Han, Taksim, Istanbul
Trong những tòa nhà được trang trí công phu như Rümeli Han, những người từ Istanbul đến dùng bữa, trong khi các nghệ sĩ, diễn viên và ca sĩ chiếm vị trí trung tâm.
Rümeli Han được xây dựng vào năm 1894. Công việc cải tạo tòa nhà chỉ mới bắt đầu cách đây hơn 5 năm. Vào thời điểm đó, những bí mật dưới lòng đất của Rümeli Han đã được tiết lộ. Đường hầm hiện đã mở cửa cho công chúng tham quan.
Không ai chắc chắn chính xác về mục đích của đường hầm. Có lẽ giới thượng lưu đã sử dụng con đường này để di chuyển mà không bị phát hiện, và gặp nhau từ lần này sang lần khác.
Cấu trúc Göbeklitepe
Năm 2018, UNESCO đã công nhận Göbeklitepe là biểu hiện đầu tiên của kiến trúc hoành tráng do con người tạo ra trong lịch sử. Để so sánh, so với Göbeklitepe thì bãi đá cổ Stonehenge, công trình cự thạch nổi tiếng của Anh, dường như có tuổi đời còn rất trẻ.
Các chuyên gia tin rằng những cây cột hình chữ T được những người săn bắn hái lượm dựng lên để làm nơi thờ cúng, một tập tục trước đây chỉ gắn liền với các cộng đồng nông nghiệp định cư.
Về mặt vật lý, thật khó để hình dung ra bất cứ ai, con người hay bất cứ thứ gì khác, đã di chuyển những tảng đá khổng lồ này vào đúng vị trí.
Nhà thờ Yeraltı Camii
Nhà thờ Hồi giáo Yeraltı nằm trên một con phố nhỏ ở khu vực Karaköy, Istanbul. Phía sau cánh cửa khiêm tốn mở ra một thiết kế nội thất đơn giản dựa trên sự lặp lại và những đường nét gọn gàng.
Ngay cả trong những ngày ấm áp nhất, bên trong vẫn mát mẻ nhờ những bức tường dày 2 mét.
Thoạt nhìn, nhà thờ Hồi giáo này dường như không mang lại nhiều điều thú vị.
Tuy nhiên, vẻ ngoài của nhà thờ không nói lên hết lịch sử của nơi này. Yeraltı, nghĩa đen là dưới lòng đất, ban đầu là một ngục tối dưới tầng hầm của một pháo đài. Trong những thế kỷ tiếp theo, pháo đài bị hư hại, tu sửa, tái sử dụng và cuối cùng được chuyển đổi thành nhà thờ Hồi giáo vào năm 1757.