Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM tọa lạc tại số 1 Nguyễn Tất Thành, quận 4, là một trong những địa điểm văn hóa, lịch sử quan trọng của thành phố nằm trong khuôn viên của cảng Nhà Rồng, một địa danh lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cảng Nhà Rồng được xây dựng vào năm 1863 dưới thời Pháp thuộc và từng là trung tâm giao thương quan trọng của Sài Gòn.
Điểm nhấn lịch sử của địa danh này chính là vào ngày 5-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình này đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.
Sau năm 1975, để tưởng nhớ và tôn vinh Bác, khu vực cảng Nhà Rồng được chuyển đổi thành Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Hiện tại, bảo tàng có nhiều khu trưng bày chuyên đề. Mỗi khu vực phản ánh một giai đoạn hoặc một khía cạnh khác nhau trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các hiện vật, hình ảnh và tư liệu tại đây không chỉ giúp người xem hiểu rõ hơn về vị lãnh tụ kính yêu, mà còn mang đến cái nhìn toàn diện về lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, quận 5, nơi Bác Hồ từng ở
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, quận 5, TP.HCM là một địa danh lịch sử quan trọng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống ở Sài Gòn 9 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Nằm trong khu vực Chợ Lớn, căn nhà này đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng.
Nơi đây, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ở từ tháng 9-1910 tới ngày 4-6-1911. Đây là cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán – một tổ chức kinh doanh do sĩ phu Bình Thuận thành lập năm 1906, đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành trong quá trình từ Phan Thiết vào Sài Gòn, hỗ trợ tài chính cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi lên tàu sang Pháp.
Hiện nay căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5 là di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di tích luôn được mở cửa để đón du khách tham quan.
Di tích là căn nhà phố khoảng 35m2, rộng 4m, dài 8,8m, có một tầng lầu, nền lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương. Từ nền nhà đến trần cao 3m, chiều cao tầng lầu 4m, từ nóc đến mái cao 1m. Cầu thang lên lầu bằng gỗ. Trên lầu có ban công rộng 2m x 4m, cửa ra ban công bằng gỗ.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ là một biểu tượng quan trọng của TP.HCM.
Được khánh thành vào ngày 17-5-2015, nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người, tượng đài cao 7,2m, bao gồm bệ và tượng đồng.
Tượng đài khắc họa hình ảnh Bác Hồ trong tư thế đứng, vẫy tay chào, gương mặt hiền từ và thân thiện, phản ánh tinh thần và phong cách giản dị của vị lãnh tụ kính yêu.
Tọa lạc tại trung tâm phố đi bộ sầm uất, tượng đài không chỉ là nơi người dân và du khách đến viếng thăm, tưởng nhớ mà còn là điểm nhấn văn hóa, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan thành phố.
Không gian Bác Hồ với thiếu nhi tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM
Không gian Bác Hồ với thiếu nhi tọa lạc tại khuôn viên Nhà Thiếu nhi TP.HCM là một khu vực trưng bày đặc biệt, nơi tôn vinh tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các em thiếu nhi.
Được khánh thành vào năm 2019, không gian này mang đến cho các em nhỏ và du khách một cái nhìn gần gũi, sinh động về tình yêu thương và những lời dạy bảo của Bác dành cho thế hệ trẻ.
Tại đây, các hiện vật, hình ảnh và tư liệu quý giá về các lần gặp gỡ giữa Bác và thiếu nhi, những bức thư Bác viết cho các em được trưng bày trang trọng.
Không gian cũng có nhiều hoạt động giáo dục và giải trí bổ ích, giúp các em hiểu hơn về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần học tập và rèn luyện theo gương Bác.