Top 15 đặc sản Bạc Liêu hấp dẫn khiến thực khách say mê

72

Top 15 đặc sản Bạc Liêu hấp dẫn khiến thực khách say mê

1. Lẩu mắm

Ảnh minh họa.

Lẩu mắm là món ăn ngon nổi tiếng xuất phát từ miền sông nước miền Tây và ở xứ “công tử Bạc Liêu” nó cũng là món ăn đặc sản phải thưởng thức qua. Món lẩu mắm có hương vị thơm ngon, đậm đà, kết hợp từ nhiều nguyên liệu như cá basa, cá bông lau, tôm, mực và đặc biệt là cá mắm làm nên vị ngon đặc trưng, mặn mà của món ăn. Thực khách ăn lẩu mắm kèm các loại rau dân dã như rau muống, bông súng, bông điên điển… đặc trưng.

2. Bún bò cay

Ảnh minh họa.

Bún bò cay là món ngon đáng để thưởng thức khi ghé đến Bạc Liêu. Tô bún bò ghi điểm với thực khách nhờ vị cay nồng của ớt, mùi thơm của các loại gia vị như sả, hồi, quế… hòa quyện với nước lèo đậm đà, sóng sánh ánh đỏ và có vị ngọt. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được sợi bún trắng mềm, thịt bò chín tái cùng với nước dùng cay cay, đậm đà, bùng nổ vị giác.

Ảnh minh họa.

3. Bánh tằm Ngan Dừa

Bánh tằm Ngan Dừa từ lâu đã là món ăn vặt của người dân thị trấn Ngan Dừa, ngày nay nó trở thành món đặc sản Bạc Liêu, mang lại niềm tự hào cho người dân nơi đây. Những ai muốn thưởng thức hương vị bánh tằm chính tông thì phải về Bạc Liêu. Bánh tằm nơi đây được làm từ bột gạo tẻ lúa mùa nên rất thơm, vừa dai, vừa dẻo. Bánh tằm kết hợp với sợi bì, vài viên xíu mại, dưa leo xắt sợi trộn cùng ít rau thơm, giá sống, rưới lên đĩa bánh một ít nước cốt dừa ngọt thơm, béo ngậy và nước mắm tỏi ớt, tạo nên hương vị lạ miệng, vô cùng hấp dẫn.

Ảnh minh họa.

4. Bánh củ cải

Bánh củ cải là món ăn quen thuộc của người dân Bạc Liêu, gây ấn tượng vị giác bởi vị đậm đà, béo ngậy của tôm, thịt cùng hương vị hăng hăng của bột củ cải. Bánh có hương vị lạ miệng. Nguyên liệu để làm bánh củ cải bao gồm củ sắn, củ cải, tôm khô. Với cách chế biến tinh tế, tỉ mỉ, người dân Bạc Liêu đã tạo nên được món ăn với hương vị độc đáo.

Ảnh: loan.iin.

5. Bún nước lèo

Bún nước lèo là một trong những món ăn quen thuộc của người dân Bạc Liêu. Món ăn này được bán ở khắp nơi, từ những gánh hàng rong đến các quán ăn gia truyền nổi tiếng. Phần nước lèo phải được nấu trong nồi đất để giữ vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm từ mắm. Ăn kèm bún nước lèo với bắp chuối thái mỏng, giá, húng quế, mực tươi, thịt lợn quay, chả giò, bánh cống…

Ảnh: Quoc Dung Do.

6. Cá kèo nấu giấm

Ảnh minh họa.

Cá kèo không chỉ là đặc sản của vùng đất Bạc Liêu nói riêng mà còn là đặc sản của cả miền Tây Nam Bộ nói chung. Cá  kèo được chế biến thành nhiều món ăn ngon như kho tộ, kho rau răm, nướng muối ớt, nấu canh lá giang… Người Bạc Liêu còn có cách chế biến riêng là nấu cùng giấm, tạo thành món ăn mang hương vị khó quên. Với nguyên liệu đơn giản là cá kèo được làm sạch, cho vào nước sôi rồi thêm giấm và vài gia vị cho đậm đà, cho ra món canh ăn với cơm trắng hay với bún đều ngon.

7. Cà ri vịt

Ảnh minh họa.

Cà ri vịt Bạc Liêu từng lọt vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Món ăn có nguyên liệu chủ yếu là thịt vịt nấu với cà ri (một loại bột màu vàng, mịn, có mùi đặc trưng từ nhiều gia vị khác nhau). Một tô cà ri vịt với những miếng thịt vịt chín mềm, hòa lẫn cùng hương vị cà ri thơm nồng, chấm với muối ớt có vị mằn mặn khiến thực khách khó quên. Cà ri vịt có nhiều loại để bạn thưởng thức như cà ri hủ tiếu, cà ri bánh mì, thịt vịt… với nước cà ri sền sệt (cay hoặc không cay) hòa trộn với giá, lá quế… kích thích vị giác.

Ảnh minh họa.

8. Xá pấu

Xá pấu là tên gọi của cộng đồng người Hoa cho món củ cải muối, trở thành món ăn quen thuộc trong những bữa cơm đạm bạc của nhiều người ở vùng đất Bạc Liêu. Cách chế biến món ăn này khá đơn giản, củ cải rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ phơi khô sau đó muối với đường, ngũ vị hương. Xá pấu ngon nhất là khi ăn kết hợp cùng cháo trắng, đậu phụ rán giòn.

Xá pấu (củ cải khô muối) xào nghệ. Ảnh minh họa: cookpad.com.

9. Nhãn da bò

Ảnh minh họa.

Nhãn da bò là loại trái cây đặc sản của vùng đất Bạc Liêu. Nhãn da bò có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã được người Hoa đem qua Việt Nam nhân giống và có mặt ở Bạc Liêu cho đến nay. Loại nhãn này có cơm dày và hương vị thơm ngọt. Bề ngoài, nhãn da bò trông vàng óng ánh, vỏ mỏng, láng bong. Đến Bạc Liêu, bạn có thể ghé thăm những vườn nhãn, vừa tận hưởng không khí miệt vườn thanh bình, yên tĩnh, vừa có thể thưởng thức những trái nhãn thơm ngọt.

10. Mắm chua không xương Vĩnh Hưng

Vĩnh Hưng là một xã thuộc huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, nơi đây nổi tiếng với món mắm trứ danh – mắm chua Vĩnh Hưng. Mắm chua nơi đây được những thực khách sành ăn trong cả nước đánh giá cao, có cách chế biến cũng lắm công phu. Nguyên liệu chính để làm mắm chua là cá. Người ta có thể chọn cá rô, cá lóc hay cá sặc đồng, có kích thước chừng hai ngón tay. Cá được sơ chế bằng cách loại bỏ đầu, nội tạng, đem để ráo khô, rồi mới ướp gia vị gồm muối, đường, bột ngọt, thính, tỏi, ớt, riềng… Mắm chua có thể thưởng thức khi mở nắp thấy thịt cá chín và toàn bộ xương đã mềm. Có thể thưởng thức mắm chua cùng rau thơm, ổi xanh, khế chua, chuối chát, dứa và thịt heo ba chỉ luộc.

Ảnh minh họa.

11. Các món ăn từ năn bộp

Cây năn bộp mọc nhiều ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cà Mau… song nơi có nhiều nhất có lẽ là vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng. Gọi là năn bộp vì thân rỗng, khi vỗ vào sẽ phát ra tiếng “bộp” rất vui tai. Cây năn bộp có ba phần gồm đọt năn, chồi non và củ năn đều được sử dụng để chế biến ra nhiều món ăn. Đọt năn mọc ở gần gốc, có màu vàng nâu xỉn vì nhiễm phèn nhưng khi bóc lấy phần non thì có màu trắng ngà, nhẹ như xốp. Phần chồi non thường được sếu đầu đỏ ăn. Cuối cùng là củ năn, khi cây năn chết thì đến mùa mưa năm sau mới mọc lên thành cây mới.

Người dân miệt vườn khéo léo đã chế biến ra những món ăn dân dã nhưng ngon hấp dẫn đến từ ba bộ phận của cây năn. Trong đó phải kể đến rau năn ăn sống với cá rô đồng rán giòn, cá lóc nướng trui hoặc cá trê nướng dầm nước mắm gừng thì không còn gì tuyệt hơn.

12. Các món ăn từ bồn bồn

Bồn bồn là một loại cây hoang dã, mọc nơi đầm lầy và ruộng thấp, nhiều nhất là ở Cà Mau, Bạc Liêu… Bồn bồn được xem như loại rau sạch, ngoài việc dùng làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn (thân, gốc) còn được chế biến thành nhiều món ngon dân dã nhưng đầy hấp dẫn như xào tôm thịt, nấu canh chua, nấu lẩu chua, làm gỏi, nấu canh dừa…

13. Rượu long nhãn

Ảnh minh họa: Rượu long nhãn có nguyên liệu chính là nhãn da bò.

Rượu được làm từ nhãn da bò, rượu nếp thượng hạng cùng một số vị thuốc bắc như hạt kỷ tử, bạch truật, đương quy, đậu đen… Các thành phần trong rượu bổ trợ cho nhau khiến rượu long nhãn có vị thơm đặc biệt, dễ uống. Nếu sử dụng đúng liều lượng, rượu long nhãn Bạc Liêu còn có tác dụng tốt với sức khỏe về vấn đề lưu thông khí huyết cũng như hỗ trợ chữa trị đau nhức xương khớp, mất ngủ.

Ảnh minh họa.

14. Bún xào nem nướng

Bún xào nem nướng bao gồm bún, thịt heo cắt mỏng, tỏi, sả băm nhuyễn cùng nem nướng đã được tẩm ướp vừa ăn. Sợi bún trắng thơm, làm từ loại bột gạo đặc biệt, còn nem nướng cây to, tròn vừa ăn. Khi ăn cùng nhau, món ăn có hương vị rất riêng, mặn mặn ngọt ngọt vừa miệng, ăn kèm rau sống vô cùng hấp dẫn. Cũng giống như bún bò cay, du lịch Bạc Liêu bạn có thể thưởng thức bún xào nem nướng ở bất kỳ khu chợ nào với mức giá bình dân.

15. Ốc len xào dừa

Ảnh minh họa.

Ốc len xào dừa là món ăn mà thực khách khó bỏ qua khi về xứ “công tử Bạc Liêu”. Với nhiều người dân Bạc Liêu và du khách khi ghé nơi đây, ốc len xào dừa là món “ăn chơi cho vui” nhưng gây hấp dẫn bởi hương vị độc đáo. Nước cốt dừa hòa trộn cùng thịt ốc len tạo nên một loại nước cốt thơm ngon với vị không quá mặn, không quá ngọt mà lại rất béo, thơm. Hầu như các quán ăn, quán nhậu lớn nhỏ ở Bạc Liêu đều có bán món ốc len xào dừa.

Ảnh minh họa.

Hướng dẫn cách đặt tour miền Tây – Bạc Liêu hấp dẫn:

– Gọi (028) 3933 8002 để được tư vấn.

– Đặt online và xem thông tin chi tiết TẠI ĐÂY.