Du thuyền xanh trên dòng Mekong: Trang bị máy lọc nước ngọt, biến nước sông thành nước uống; di chuyển chỉ 6 hải lý/giờ để giảm tiêu thụ năng lượng và giảm tác động đến bờ sông

34
Mỗi quốc gia, mỗi cơ sở lưu trú đều đang nỗ lực đưa ra những phát kiến mới, những hành động cụ thể, thiết thực nhằm hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững.

Môi trường đang ngày càng trở thành yếu tố được đặt lên hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phát triển du lịch dựa vào môi trường song song với việc bảo tồn môi trường cũng là xu hướng đang ngày càng thịnh hành trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), khái niệm du lịch bền vững được hiểu là: Bảo tồn tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học; Tôn trọng và giữ gìn văn hóa của cộng đồng địa phương; Giải quyết nhu cầu của khách du lịch và ngành công nghiệp này trong khi mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả. Tại các quốc gia phát triển về du lịch, giải pháp du lịch bền vững đã được áp dụng có hiệu quả.

01. DU LỊCH BỀN VỮNG LÀ TẤT YẾU 

Đơn cử như Bhutan – xứ sở được mệnh danh “hạnh phúc nhất thế giới”, nơi này có nguyên tắc riêng để phát triển nền du lịch đi đôi với việc bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá – môi trường tự nhiên. Theo đó, vương quốc nằm ở phía Đông dãy Himalayas này đã đề ra những yêu cầu nghiêm ngặt dành cho khách du lịch và chỉ đón một lượng giới hạn du khách, với tối đa chi phí từ họ. 

Du thuyền xanh trên dòng Mekong: Trang bị máy làm nước ngọt, biến nước sông thành nước uống  - Ảnh 1.

Mỗi du khách khi muốn tới chiêm ngưỡng cảnh quan kì vĩ của Bhutan sẽ phải chi một khoản thuế là 250 USD/ngày cho các chi phí bao gồm: chỗ ở, hướng dẫn viên được cấp phép, các bữa ăn và thiết bị hỗ trợ đi bộ đường dài. Phần lớn số tiền này được dùng để duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng, đóng góp cho giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ miễn phí cho người dân. Nhờ đó, nền du lịch ở đây mang lại lợi nhuận rất cao, trong khi lại ít gây ra tác động tới môi trường tự nhiên.

Fiji – quần đảo thiên đường phía Tây Nam Thái Bình Dương sở hữu vô số những hòn đảo nhỏ tuyệt đẹp, nơi có thể trở thành những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp chỉ phục vụ riêng cho giới thượng lưu. 

Du thuyền xanh trên dòng Mekong: Trang bị máy làm nước ngọt, biến nước sông thành nước uống  - Ảnh 2.

Tại các khu nghỉ dưỡng này, chính quyền Fiji khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời lên tới 100% hiệu suất, và nước uống được lấy chủ yếu từ nguồn nước mưa, sử dụng hệ thống lọc để hạn chế chai nhựa dùng một lần. Mục tiêu của họ là thải ra môi trường ít rác nhất có thể. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp này còn khuyến khích du khách và người dân địa phương tái chế, tái sử dụng vật liệu.

Nổi tiếng với nền văn hoá rực rỡ của nhiều sắc tộc dân cư, Nam Phi cũng là một trong những điểm đến nằm trong list “must go” của giới du lịch. Để phát triển cộng đồng bản địa song song với phát triển du lịch, Mdumbi Backpackers – một doanh nghiệp du lịch tại Nam Phi đã đưa ra sáng kiến là khuyến khích cộng đồng địa phương cùng tham gia điều hành, quản lý hoạt động du lịch. 

Du thuyền xanh trên dòng Mekong: Trang bị máy làm nước ngọt, biến nước sông thành nước uống  - Ảnh 3.

Nằm ở trung tâm của ngôi làng amaXhosa thuộc Đông Cape, Mdumbi Backpackers đã có những giải pháp hiệu quả cho phát triển bền vững, bao gồm: sử dụng lao động địa phương, quản lý chặt chẽ chất thải ngay tại nguồn và giao một phần cổ phần doanh nghiệp cho hiệp hội cộng đồng địa phương nắm giữ. Ngoài ra, công ty này còn thành lập một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp người dân tiếp cận với giáo dục, khiến thức và các nguồn lợi tức nhằm thay đổi cuộc sống. Nhờ đó, năm 2017, Mdumbi Backpackers cũng đã được World Responsible Tourism Awards trao giải bạc cho những nỗ lực giảm nghèo ở địa phương.

Trong nỗ lực phát triển du lịch bền vững, Thuỵ Sĩ – quốc gia sở hữu những kì quan thiên nhiên của châu Âu, đã xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận có tên Quỹ đoàn kết du lịch Thụy Sĩ (SST). Quỹ này được thành lập vào năm 2001 và được phát triển từ một trong những nhà điều hành tour du lịch hàng đầu ở Thuỵ Sĩ nhằm hỗ trợ các dự án và tổ chức trong nước cũng như tại các quốc gia trên thế giới cải thiện sinh kế của người dân ở các khu du lịch. 

Du thuyền xanh trên dòng Mekong: Trang bị máy làm nước ngọt, biến nước sông thành nước uống  - Ảnh 4.

Qua đó, quỹ góp phần phát triển du lịch bền vững và đóng góp vào sự hiểu biết đa văn hóa giữa khách du lịch và người dân địa phương.

02. PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TRÊN SÔNG  

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đã nỗ lực tham gia bảo vệ hành tinh xanh, thông qua các hoạt động thiết thực trong quá trình vận hành phát triển du lịch. Có thể kể tới đại diện Victoria Mekong – du thuyền xanh, một sản phẩm của Tập đoàn TMG. Victoria Mekong đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm loại bỏ rác thải nhựa khỏi hoạt động của du thuyền thông qua các hình thức: cung cấp bình tiếp nước miễn phí trong phòng và bố trí các trạm cấp nước trên mỗi boong tàu; thùng rác được lót bằng lớp lót có thể giặt (không dùng túi đựng rác bằng nhựa), không sử dụng ống hút nhựa, và không sử dụng túi hoặc hộp nhựa đựng thức ăn trong quá trình sử dụng. Mục tiêu của du thuyền là trở thành du thuyền 100% không sử dụng nhựa.

Du thuyền xanh trên dòng Mekong: Trang bị máy làm nước ngọt, biến nước sông thành nước uống  - Ảnh 5.

Ông Phạm Hữu Nghĩa, giám đốc điều hành du thuyền Victoria Mekong tiết lộ: Du thuyền được trang bị máy lọc nước ngọt, có khả năng xử lý nước sông thành cả nước sạch và nước uống được. Trong giai đoạn đầu, nước sông được xử lý qua thiết bị lọc nước trước khi được lưu trữ trong các bể chứa nước ngọt chính để phục vụ toàn bộ du thuyền. Ở giai đoạn thứ hai, nước ngọt đi qua hệ thống thẩm thấu ngược (RO) và khử trùng bằng tia cực tím trước khi được bơm vào các trạm chiết nước.

Ngoài ra, du thuyền được trang bị hệ thống xử lý nước thải Wartsila Hamworthy, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cao nhất của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Hệ thống xử lý nước thải sẽ xả nước thải vào bể chứa nước thải nằm ở boong dưới. Tất cả nước thải từ vòi hoa sen, chậu rửa, sàn thoát nước và máy giặt đều chảy vào các bể tại boong dưới và được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải này.

Theo các chuyên gia, mức tiêu thụ năng lượng và tốc độ của một con tàu có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Victoria Mekong di chuyển với tốc độ thong thả, trung bình 6 hải lý/giờ (khoảng 11km/h), góp phần giảm tiêu thụ năng lượng và giảm tác động đến bờ sông. Vận tốc này cũng cho phép du khách tận hưởng trọn vẹn phong cảnh và hoạt động đang trực tiếp diễn ra trên sông. Hệ thống động cơ của du thuyền cùng các cải tiến tối tân cũng góp phần vào việc tối ưu công suất, hiệu suất hoạt động, lượng khí thải sinh ra và hiệu suất nhiên liệu.

Ngoài ra, Victoria Mekong được trang bị hệ thống giảm thanh ướt để làm mát và lọc khí thải từ tất cả các động cơ trước khi xả thải, đồng thời giảm độ rung và tiếng ồn từ động cơ trong quá trình hoạt động. 

Không chỉ nỗ lực bảo vệ môi trường tự nhiên, du thuyền xanh của TMG còn thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát triển cộng đồng địa phương thông qua du lịch, đưa du khách ghé thăm những ngôi làng bên sông, trải nghiệm ẩm thực địa phương và giới thiệu sản vật, sản phẩm thủ công mỹ nghệ do người dân bản địa chế tác.

Ngọc Tú / CafeBiz