Đầu xuân về mảnh đất Xuân Trường, du xuân làng Hành Thiện

44
Miền quê Xuân Trường, nằm giữa ba dòng sông hiền hòa là sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Sò của vùng đất Nam Định văn hiến.
Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định tựa như một "cổ trấn" hiền hòa - Ảnh: Làng Hành Thiện

Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định tựa như một “cổ trấn” hiền hòa – Ảnh: Làng Hành Thiện

Miền quê xuôi theo dòng sông Hồng này có cái tên gợi lên sức sống căng tràn, mãnh liệt của mùa xuân, của tuổi trẻ, của nhiệt huyết.

Từ những ngày còn thơ ấu, tôi đã được bồi đắp, nuôi nấng nhờ nguồn thực phẩm dồi dào được cấy trồng trên những mảnh đất phù sa màu mỡ, tụ bồi bởi 3 con sông. Tôi cũng được vun xới bởi những nguồn tri thức vô hạn từ những “nhân kiệt” của mảnh đất này, có thể kể đến như các cụ Đặng Xuân Bảng, Phan Bá Vành, cố Tổng bí thư Trường Chinh, cụ Vũ Khiêu, cố doanh nhân Trần Văn Cường…

Chính nhờ những mạch nguồn sống động và truyền thống đậm đà như vậy, Xuân Trường quê tôi đã nuôi dưỡng biết bao con người cống hiến trên hầu khắp các lĩnh vực cho đất nước.

Tết đến xuân về trên mảnh đất Xuân Trường thật đặc biệt đến nhường nào. Đó là thời điểm những người con xa xứ được sum họp bên gia đình, và đó là thời điểm du khách thập phương đến với mảnh đất này để trẩy hội, tham gia các trò chơi truyền thống như đua thuyền đặc trưng, hay là khoảng thời gian để thanh tĩnh lại bản thân tại những đền chùa cổ, nhà thờ Công giáo tự bao đời.

Hội làng Ngọc Tiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - Ảnh: Làng Ngọc Tiên

Hội làng Ngọc Tiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định – Ảnh: Làng Ngọc Tiên

Đầu tiên, không thể không nhắc đến làng Hành Thiện và làng Ngọc Tiên – 2 làng gần sát nhau tại xã Xuân Hồng.

Làng Hành Thiện, được chính vua Minh Mạng ban sắc đặt tên cho, hướng người dân luôn luôn siêng năng, làm việc thiện đức và hiếu học. Làng “mỹ tục khả phong” Hành Thiện ngày nay vẫn giữ được nét văn hóa đó, cùng với kiến trúc được bảo tồn tựa như một cổ trấn. Chùa Keo Hành Thiện vẫn nguy nga, trầm lắng đón nhận du khách tham quan mỗi ngày.

Tiếp giáp về phía bắc là làng Ngọc Tiên, xưa kia được đặt tên mỹ miều là Nam Thiên Ngọc ấp. Đặc sắc và ấn tượng làm sao khi một ngôi làng nhỏ vẫn bảo tồn được những văn hóa, tín ngưỡng đa dạng, kết hợp hài hòa tại chùa Ngọc Tiên, nhà thờ Ngọc Tiên và di tích lịch sử Đò Cựa Gà (nơi xưa kia chính quyền đô hộ Pháp đã xây dựng sân bay Cựa Gà).

Du khách sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ khi du xuân lễ hội làng Ngọc Tiên nhằm ngày rằm tháng giêng, với phong phú các trò chơi như đu tiên, bắt vịt, bốc bồi, và độc đáo nhất là trò thổi cơm thi theo một quy trình khép kín “tích cốc phòng cơ” mà chỉ riêng hội Ngọc Tiên mới có.

Người Xuân Trường luôn nhắc nhở nhau rằng:

Dù ai đi khắp ba miền, nhớ ngày lễ hội Ngọc Tiên thì về.

Dù cho bận rộn tứ bề, Rằm Giêng mở hội thì về Ngọc Tiên.

Bên cạnh văn hóa sông nước, văn hóa đặc trưng Bắc Bộ, Xuân Trường cũng là nơi ghi dấu đậm nét của Thiên Chúa giáo tại Việt Nam.

Vương cung Thánh đường Phú Nhai, nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Nam Điền… là những địa danh mà bất cứ du khách nào cũng nên ghé qua và chiêm ngưỡng những nét kiến trúc Gothic, kiến trúc Baroque Tây Ban Nha và kiến trúc cổ Việt Nam hòa quyện.

Hội làng An Cư, xã Xuân Vinh, tỉnh Nam Định - Ảnh: XUÂN THỦY

Hội làng An Cư, xã Xuân Vinh, tỉnh Nam Định – Ảnh: XUÂN THỦY

Thật nhiều địa danh, ẩm thực, văn hóa đặc sắc của Xuân Trường nữa mà tôi muốn giới thiệu, quảng bá đến mọi người. Nào gạo tám thơm Xuân Đài, nào lụa tơ tằm Hồng Thiện, đậu phụ Thủy Nhai, sâu dâu Xuân Bắc, cùng với đó là chùa Tự Lạc – Thọ Nghiệp, thủy cơ An Cư… Gói gọn trong một bài viết thì không thể tả hết. Hẹn mọi người một dịp gần nhất hãy đến và trải nghiệm miền đất Xuân Trường thân thương quê tôi nhé!

Một mùa xuân nữa lại về, một năm đặc biệt với nền kinh tế của Việt Nam nói chung và Xuân Trường, Nam Định nói riêng. Thương chúc cho quê hương của chúng ta sẽ vượt vũ môn, phát triển, hóa rồng.

Đặc biệt, người con xa xứ này muốn gửi một lời chúc dạt dào nhất đến miền quê biển Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy của Nam Định sẽ bứt phá mạnh mẽ, để mùa xuân luôn trường tồn trong lòng mỗi người con yêu dấu.

Còn 5 ngày nữa sẽ kết thúc cuộc thi “Khoảnh khắc Tết của tôi”

Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.

Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.

Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.

Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.

Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.

Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.

Từ 25-1 đến hết 24-2 (rằm tháng giêng năm Giáp Thìn), bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.

Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).

Chương trình có sự đồng hành của HDBank.

Đầu xuân về mảnh đất Xuân Trường, du xuân làng Hành Thiện- Ảnh 5.