Giá vé máy bay đắt kỷ lục: Côn Đảo chưa năm nào vắng khách đến thế!

59
Theo chia sẻ của một số đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú hạng sang, tỷ lệ khách lấp đầy phòng dịp 30/4-1/5 năm nay ở Côn Đảo chỉ chiếm 60-70% so với mọi năm, không có tình trạng đặt phòng ồ ạt.

“Côn Đảo chưa năm nào vắng khách đến thế”

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Lê Thị Ngọc Cương, Giám đốc phòng Kinh doanh và Truyền thông khách sạn The Secret Côn Đảo, cho biết, dịp nghỉ lễ năm ngoái khách đặt phòng ồ ạt, thì năm nay tỷ lệ lấp đầy phòng chỉ đạt 60-70%.

“Tôi thấy khách đặt phòng đông chủ yếu vào dịp cận nghỉ lễ nhưng từ thời điểm 30/4-1/5 trở đi, tỷ lệ này lại giảm nhiệt”.

Một căn hạng sang có giá từ 3 triệu đồng dành cho 2 người tại Côn Đảo (Ảnh: The Secret Côn Đảo).

Hiện nhiều khách sạn hạng sang ở Côn Đảo áp dụng chính sách ưu đãi bằng cách dỡ bỏ phụ thu ngày lễ Tết để thu hút khách. Giá phòng tại The Secret Côn Đảo được đánh giá khá cạnh tranh. Hạng phòng deluxe city view (phòng tiêu chuẩn hướng phố) dao động trên dưới 3 triệu đồng/phòng dành cho 2 khách có tầm nhìn hướng thành phố.

Theo khảo sát của Phóng viên Dân trí, dù là ngày nghỉ lễ nhưng một số khách sạn ở phân khúc cao ở Côn Đảo vẫn còn phòng trống.

Cụ thể, tại Six Senses Con Dao, khách dễ dàng tìm được các phòng 5 sao còn như căn Ocean View Duplex Pool Villa, căn Beachfront Duplex Pool Villa, căn Beachfront Deluxe Pool Villa hay căn Beachfront 3-Bedroom Pool Villa. Mức giá từ 24 triệu đồng/căn/đêm chưa bao gồm phụ thu, dành cho khách ở phân khúc cao.

Một khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Côn Đảo vẫn còn phòng dù đã tới kỳ nghỉ lễ (Ảnh chụp từ màn hình).

Công suất buồng phòng chạm ngưỡng tối đa chỉ xuất hiện tại một số cơ sở lưu trú với mức giá phải chăng dưới dạng homestay, nằm rải rác ở khu vực xung quanh trung tâm. Những cơ sở có mức giá bình dân từ 450.000 đồng/phòng hiện đều kín khách.

Chị Thư, chủ một homestay nằm đối diện với công viên Phạm Văn Đồng, cho biết, hiện cơ sở lưu trú đang kinh doanh đã kín khách đặt phòng trong dịp nghỉ lễ. Có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lưu trú, nhưng chị Thư nhận định “Côn Đảo chưa năm nào ế khách như vậy”.

“Nhóm khách của chúng tôi 70% là khách quốc tế, thường đặt qua nền tảng đặt phòng. Dù dịp lễ này homestay không còn phòng trống, nhưng tôi đánh giá kinh doanh du lịch Côn Đảo năm nay gặp khó. Để hút khách, kể cả vào dịp lễ, chúng tôi cũng không tính phụ phí”, bà chủ homestay cho biết.

Cùng chung nhận định, chị Hoàng Thùy Liên, chủ một homestay nằm trên đường Phan Chu Trinh cách nghĩa trang Hàng Dương khoảng 2km cho biết, cơ sở của mình được khách đặt kín từ sớm dịp lễ 30/4.

“Vài tháng đầu năm việc kinh doanh du lịch ở Côn Đảo còn ổn định, nhưng thời điểm này chúng tôi cũng chỉ có khách đặt tới dịp lễ. Sau đợt này, tôi chưa rõ lượng khách ra sao nhưng theo đánh giá không mấy khả quan”, chị Liên nói.

“Giá vé máy bay không cạnh tranh, du lịch Côn Đảo tiếp tục gặp thiệt thòi”

Đứng từ góc độ kinh doanh ngành khách sạn, bà Ngọc Cương cho rằng “nếu giá vé máy bay không cạnh tranh, du lịch Côn Đảo tiếp tục gặp thiệt thòi so với nhiều điểm đến trong nước nói riêng, chưa tính tới nước ngoài”.

“Để khách tới Côn đảo chỉ có hai phương tiện là máy bay và tàu thủy. Nhưng đa phần khách ở khu vực phía Bắc muốn tới đây bằng đường bay hơn vì nhanh chóng, thuận tiện.

Đợt tháng 3 vừa qua, Bamboo Airways đột ngột thông báo dừng khai thác đường bay chặng Hà Nội – Côn Đảo khiến cả hành khách và công ty du lịch đều bị động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc kinh doanh du lịch tại đây ảnh hưởng rất nhiều”, bà Cương nói.

Một nữ du khách Việt chọn Côn Đảo làm điểm dừng chân (Ảnh: Jun Vu).

Đây cũng là điều giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội (không tiết lộ danh tính) trăn trở. Hiện công ty lữ hành này tạm không khai thác tour Côn Đảo cũng vì liên quan tới chi phí vé máy bay.

“Nhóm khách chính tới Côn Đảo đến từ khu vực phía Bắc nên máy bay là loại hình vận tải tối ưu nhất. Hiện chỉ có Vietnam Airlines độc quyền khai thác chặng này. Vé máy bay bị đội lên khi nhu cầu tăng cao. Điều này khiến du khách phía Bắc không quá mặn mà, còn công ty lữ hành lại khó làm tour”, vị này nêu ý kiến.    

Vốn là đường bay “hot” nên nhiều năm qua, nhu cầu mua vé máy bay tới Côn Đảo luôn ở mức cao. Tháng 4, khi Bamboo Airways dừng bay chặng này, giá vé tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí ở mức khan hiếm tùy từng thời điểm.

Chặng Hà Nội – Côn Đảo đi ngày lễ chỉ còn vé thương gia từ 8,3 triệu đồng một chiều (Ảnh chụp từ màn hình).

Bà Phạm Thị Thu, chủ một đại lý vé máy bay ở Hà Nội, cho biết giá vé hạng phổ thông chặng Hà Nội – Côn Đảo hiện chỉ còn hạng thương gia vào dịp nghỉ lễ với mức từ 8,3 triệu đồng/chiều chưa bao gồm thuế phí. Như vậy, một người phải chi ít nhất 17 triệu đồng chỉ riêng tiền vé máy bay nếu muốn đi Côn Đảo.

Mức giá này được cho là quá cao, thậm chí cao hơn nhiều chặng bay từ Việt Nam đi nước ngoài. Đơn cử từ TPHCM nếu đi Đức của hãng hàng không Turkmenistan Airlines có giá là 569 USD (14,5 triệu đồng)/người khứ hồi; Từ Việt Nam sang Thái Lan nếu đi của các hãng: AirAsia, Vietjet, Vietravel Airlines, NokAir… chỉ có mức giá từ 3,1 triệu đồng vé khứ hồi.

Theo thông tin từ UBND huyện Côn Đảo, sân bay Côn Đảo hiện chỉ cho phép tối đa 33 chuyến mỗi ngày trong khoảng từ 6h đến 18h hàng ngày.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, thị phần vận chuyển khách du lịch bằng đường không chiếm tỷ lệ 72% trên tổng số lượt khách đến Côn Đảo.

Trong bối cảnh giá vé máy bay tiếp tục tăng cao, nhiều chủ khách sạn lo ngại, khách sẽ chuyển hướng sang các điểm đến khác thậm chí du lịch nước ngoài mà không chọn Côn Đảo.