Theo nguồn tin từ IFL Science, một ngọn núi lửa đang hoạt động ở Nam Cực mỗi ngày vẫn phun khoảng 80 gram vàng tinh khiết ra bầu khí quyển, tương ứng với trị giá khoảng 6.000 USD (hơn 160 triệu đồng).
Các chuyên gia cho biết, đó là núi lửa Erebus, nối liền với đảo Deception. Nó là một trong số 138 ngọn núi lửa đang hoạt động ở vùng đất Nam Cực lạnh giá.
Trên thực tế, từ năm 1991, nhóm các nhà địa chất người Mỹ khi đặt chân tới đây đã phát hiện ra điều này. Tuy nhiên trong một khám phá gần đây, các chuyên gia cho biết, núi lửa còn hoạt động cao nhất tại Nam Cực tiếp tục phun ra những hạt bụi vàng cùng khí gas. Họ đã tìm thấy vàng trong khí gas thải ra từ núi lửa và tuyết xung quanh.
Núi lửa cao 3.794m từng phun trào liên tục ít nhất kể từ năm 1972. Theo chuyên gia đến từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA), thứ kim loại quý này chỉ là một trong nhiều loạt vật chất được núi lửa Erebus phun ra ngoài.
“Nó thường xuyên thải ra các luồng khí và hơi nước, đồng thời thỉnh thoảng phun cả đá”, NASA cho biết.
Ông Philip Kyle, nhà nghiên cứu đến từ Viện khai thác mỏ và công nghệ New Mexico tại Socorro, giải thích nguồn gốc của số vàng có thể đến từ đá núi lửa. Khi dung nham bên trong phun ra đã cuốn theo một phần bụi vàng vào không khí.
Theo Tamsin Mather, nhà nghiên cứu về núi lửa người Anh, đây là một trong số ít những ngọn núi phun ra bụi vàng bởi mỗi núi lửa lại có những phản ứng hóa học khác nhau.
Tuy là bụi vàng nguyên chất nhưng việc khai thác không dễ dàng bởi những bụi vàng này sau khi được phun ra ngoài thường bay rất xa trên phạm vi rộng.
Đứng dưới góc độ các chuyên gia, việc núi lửa ở Nam Cực phun trào còn tiềm ẩn nhiều mối lo ngại. Hầu hết các núi lửa tại đây đang bị chôn vùi dưới những lớp băng dày hàng km.
Khi núi lửa phun trào sẽ tạo ra nhiệt lượng làm tan chảy hang động băng khổng lồ, tạo ra lượng nước tan đáng kể. Nếu tất cả băng ở Nam Cực tan chảy có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên khoảng 60m.
Hiện khu vực này rất khó tiếp cận nên không dành cho khách du lịch tới trải nghiệm.