Chồng Việt vợ Nhật nghỉ việc, đi du lịch khắp thế giới để… "chữa lành"

54
Sau 5 năm làm việc tại Nhật Bản, vợ chồng anh Dũng quyết định nghỉ việc, dùng một phần tiền tiết kiệm để thực hiện kế hoạch du lịch bụi trong một năm.

Cú sốc “mua” một năm tuổi trẻ 

Anh Ngô Quang Dũng (29 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin kiêm photographer) sống cùng vợ là chị Hatori Chiaki (30 tuổi, tư vấn viên), tại một thành phố cạnh thủ đô Tokyo (Nhật Bản). 

Năm 18 tuổi, anh Dũng sang Nhật theo học Đại học Nông nghiệp Tokyo. Trong thời gian tham gia câu lạc bộ tiếng Anh của trường, anh quen chị Chiaki. 

“Chúng tôi cảm thấy hợp, có thể nói chuyện với nhau về rất nhiều chủ đề”, anh Dũng nhớ lại. 

Chàng trai Việt và cô gái Nhật yêu nhau từ năm 2014. Một năm rưỡi sau, Chiaki sang Pháp du học. Dù yêu xa 3 năm, cặp đôi cảm thấy hợp nhau về tính cách lẫn cách suy nghĩ. Họ sống thử một thời gian, không xảy ra bất đồng gì, trước khi quyết định tiến đến hôn nhân.

Khi nghe con trai nói ý định lấy vợ người nước ngoài, bố mẹ anh Dũng đã có lúc đắn đo dù không nói ra. Nhưng sau 4 lần tiếp xúc với con dâu người Nhật, gần như mọi sự lo lắng của gia đình không còn nữa.

Chiaki hòa nhập tốt với cuộc sống và gia đình chồng ở Việt Nam, rào cản duy nhất của chị là ngôn ngữ và giao tiếp. 

Anh Dũng (đội mũ đen) và vợ (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng người dân địa phương tại thủ đô La Paz (Bolivia).

Một tuần sau đám cưới tổ chức tại Việt Nam hồi tháng 10/2021, Chiaki mắc Covid-19. Tình trạng trở nặng đến nỗi chị thở hổn hển như “người hấp hối”.

Anh Dũng đã rất lo sợ, nhớ mãi khoảnh khắc vợ “thập tử nhất sinh” trên giường bệnh. Sau 2-3 ngày nhập viện, Chiaki chỉ nằm một chỗ, không thể đi đứng bình thường. 

Anh Dũng tự hỏi sao thể trạng vợ suy yếu, nghĩ lại trước khi về Việt Nam tổ chức đám cưới, Chiaki đã làm việc vất vả từ 8h30 đến 21h30 mỗi ngày, “cứ cắm mặt vào máy tính”, nghỉ trưa một tiếng. 

“Tôi nghĩ khi mình còn trẻ dốc hết sức lực kiếm tiền, nhưng rồi lại dùng chính khoản tiền đó để chữa bệnh thì không còn ý nghĩa gì nữa”, anh Dũng nói.

Sau biến cố, Chiaki dần phục hồi. Đôi vợ chồng trẻ không muốn đánh đổi công việc và sức khỏe, nên quyết định gác lại một năm, dùng một phần tiền tiết kiệm 5 năm qua, để “mua” một năm tuổi trẻ du lịch bụi và nghỉ ngơi. 

Anh Dũng xin bảo lưu công việc một năm, còn Chiaki nghỉ hẳn. Nghe con trai nói về kế hoạch, bố mẹ anh Dũng không phản đối, nhưng bày tỏ lo lắng về vấn đề an toàn và sức khỏe.

Bố chị Chiaki cũng phản đối, tiếc nuối “hai con đang có công việc và cuộc sống ổn định, thậm chí hơn rất nhiều gia đình Nhật Bản khác”. 

Để thuyết phục hai bên gia đình, vợ chồng anh Dũng thống nhất khi đặt chân tới mỗi quốc gia sẽ gọi điện thông báo cho bố mẹ. 

Anh Dũng và chị Chiaki tại một quán ăn vỉa hè ở thủ đô Mexico.

Hành trình ngược xuôi Mỹ – Á – Phi

Vợ chồng anh Dũng chia lịch trình thành 2 phần: châu Mỹ và châu Á (Nhật Bản và Việt Nam) rồi châu Phi. Họ xác định sẵn các quốc gia muốn đi, lên mạng tra cứu các địa điểm tham quan, có giá trị văn hóa, mua bảo hiểm du lịch. 

Để tối giản hành trình xin visa, anh Dũng nói “đi tới đâu xin tới đó, dù gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười”. Chàng trai Việt xin visa của Mỹ, để được miễn visa vào Mexico và Colombia, dễ dàng vào Argentina. 

Tháng 7/2023, cặp đôi xuất phát đi châu Mỹ. Bốn tháng đầu tiên của chuyến đi, họ dành thời gian khám phá Mỹ, Mexico, Colombia, Bolivia, Peru, Chile và Brazil.

“Dãy núi Andes cực kỳ lớn và độ cao trên 6.000m nên cảnh vật rất hùng vĩ, khác biệt hoàn toàn với Đông Á hay Đông Nam Á”, anh Dũng nói. 

Sau đó, cả hai quay lại Nhật Bản đón Tết Dương lịch với gia đình, đổi visa, rồi đi Philippines, về Việt Nam đón Tết Nguyên đán suốt 3 tuần. Họ tiếp tục hành trình đến Sri Lanka, Ấn Độ, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ở mỗi quốc gia, họ tìm nhà nghỉ trên các ứng dụng điện tử với tiêu chí giá bình dân, an toàn và sạch sẽ. Cặp đôi cũng chọn những quán ăn, nhà hàng đông người bản địa, bày bán nhiều đặc sản địa phương. 

Phương tiện di chuyển của vợ chồng anh Dũng chủ yếu xe buýt, tàu, ưu tiên đi bộ 2-3km. Trong lần ở Bolivia, do xe buýt không đánh số, cả hai gần như không thể tìm xe buýt. Ở Peru, thay vì chọn đi tàu giá vé 4-5 triệu đồng/người, họ tiết kiệm, chọn đi xe buýt đường vòng, sau đó đi bộ khoảng 3 tiếng.

“Mỗi quốc gia có một điểm ấn tượng riêng, như Mỹ, Bolivia, Peru có cảnh tượng núi non hùng vĩ; Mexico và Ấn Độ nổi bật văn hóa, tính cách thân thiện của người địa phương”, anh Dũng nói. 

Vợ chồng anh Dũng đi bộ gần 3 tiếng tại Peru.

Sau 8 tháng du lịch bụi, vợ chồng anh Dũng lần lượt trải nghiệm nhiều khó khăn và thử thách.

Bất đồng ngôn ngữ tại một số quốc gia châu Mỹ chỉ nói tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha khiến cặp đôi khó xoay xở. Khi ở Chile, họ không thể hỏi lịch trình thông qua người bản xứ, tự mày mò từ 8h đến 17h mới tìm được chuyến xe buýt kéo dài 2 tiếng đồng hồ.

Đồ ăn không hợp người châu Á cũng là một trở ngại với anh Dũng và chị Chiaki. Cả hai đã sụt cân, riêng người vợ gặp vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phải nằm nghỉ 2-3 ngày ở mỗi quốc gia của châu Mỹ. Ở Peru, chị mắc kiết lỵ, phải chữa trị khoảng một tuần. 

Vợ chồng anh Dũng tại một nhà hàng ở Brazil.

Cũng có những lúc họ nghỉ ngơi ở sân bay Bolivia.

Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự tại mỗi quốc gia cũng khiến cả hai bận tâm. Trước hành trình, Chiaki đã dự trù các tình huống như cướp giật, đe dọa bằng súng, dao, nên tìm đọc thông tin của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Chị còn lưu lại những số điện thoại khẩn cấp của Đại sứ quán Nhật Bản. 

“May mắn những điều chúng tôi lo ngại đã không xảy ra. Chúng tôi gặp toàn người tốt, luôn nhắc nhở cẩn thận, đừng về khuya quá. Người dân vui vẻ, thân thiện, chia sẻ Internet, chỉ đường, hỗ trợ khi vợ tôi nhập viện”, chàng trai Việt kể. 

Trong chuyến đi, cả hai phân công anh Dũng sẽ quay phim, chụp ảnh, còn Chiaki tìm hiểu văn hóa thông qua sách vở. 

Lúc ở Brazil, anh Dũng vô tình để quên túi đựng camera trên xe buýt. Hai hôm sau, chàng trai Việt lục lại đồ không thấy thiết bị, mới ngỡ ngàng đã để quên. Tâm trạng chán nản và buồn bực, anh đã nghĩ kết thúc sớm hành trình để trở về Nhật Bản.

Chiaki động viên chồng kiên định với quyết định “mua” một năm tuổi trẻ. Chị khuyên anh ra bến xe buýt tìm lại tài sản, hỏi han người dân địa phương. 

Anh Dũng đã xác định mất máy ảnh, song nghe lời khuyên của vợ nên đến điểm trung chuyển xe buýt. Tại đây, người lao công dẫn anh vào văn phòng. Nhân viên lấy ra chiếc túi camera nguyên vẹn, trao trả du khách Việt. 

“Tôi cảm thấy điều may mắn đã đến với mình”, anh nói. 

Sau lần đó, anh Dũng cũng từng đánh rơi 2 chiếc thẻ nhớ máy ảnh chứa toàn bộ ảnh và video tại Chile. Dù chán nản, anh quyết tâm sẽ cẩn thận hơn, lấy lại tinh thần tiếp tục, không để nỗi buồn làm ảnh hưởng chuyến đi của hai vợ chồng.

Chị Chiaki liên tục động viên chồng “mất rồi thì thôi, từ giờ cố gắng quay chụp nhiều hơn để bù lại phần mất”. 

Cặp đôi thuê xe ô tô cắm trại ở Mỹ.

Điều tích cực sau những chuyến đi

Hành trình giúp anh Dũng và chị Chiaki có thêm kiến thức, hiểu hơn về văn hóa của người dân tại những quốc gia đi qua. Tại những đất nước xa xôi, không đủ tiện nghi, cả hai trân trọng hơn cuộc sống ổn định của mình tại Nhật Bản. 

Anh Dũng thay đổi cách suy nghĩ nhờ chuyến đi, còn tinh thần Chiaki thoải mái hơn, không còn áp lực công việc. Chị thoải mái đọc sách, đi khắp nơi, giữ tinh thần lạc quan và tích cực.

Bốn tháng tiếp theo, cặp đôi dự kiến khám phá Madagascar, đi ngược Tanzania hoặc Kenya, nếu còn thời gian sẽ đến một số nước nhỏ khác ở châu Phi. 

Anh Dũng kể trên hành trình gặp rất nhiều cặp đôi cũng đi du lịch. Họ ở mọi lứa tuổi, miễn có mong muốn, khả năng sắp xếp thời gian, công việc và tài chính. 

Anh Dũng và chị Chiaki mãn nguyện với hành trình du lịch bụi của mình.

Sau một năm “mua” tuổi trẻ chính mình, vợ chồng anh dự định quay lại Nhật Bản tiếp tục công việc và cuộc sống.

Họ sẽ làm việc với cường độ phù hợp, không đến mức tổn hại sức khỏe như cách đây 3 năm. Đặc biệt, cặp đôi sẽ dành một tháng trong năm để đi du lịch “chữa lành”. 

Họ cũng dự định mua một căn nhà nhỏ ở vùng núi, không xô bồ, làm thêm một mảnh vườn, sống theo những điều mình yêu thích. 

“Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện những mong muốn đó”, chàng trai Việt nói. 

Ảnh: Nhân vật cung cấp