Khách Hà Nội vào rừng săn bướm không mang tiền mặt, gặp kỷ niệm "nhớ đời"

44
Giống như nhiều bạn trẻ, khi ra đường Nam Hồng vẫn quen không mang theo tiền mặt trong người và chỉ chuyển khoản cho nhanh gọn. Nhưng chuyến đi vào rừng Cúc Phương lần này khiến anh phải thay đổi.

Cuối tháng 4 vừa qua, Nam Hồng, 25 tuổi, quê ở Chương Mỹ (Hà Nội) đưa bạn gái tới rừng Cúc Phương để săn bướm.

Xuất phát từ Chương Mỹ, cả hai lái xe đi theo đường Hồ Chí Minh đến nơi mất khoảng 3 tiếng. Trên đường đi khá thông thoáng nhưng bắt đầu vào cổng cho tới khu cắm trại giữa rừng rất tắc.

“Con đường có bề rộng chỉ đủ hai xe ô tô tránh nhau. Có những đoạn chúng tôi phải chờ 15 phút mới đi được tiếp”, anh Hồng cho biết.

Thời điểm cuối tháng 4 và tháng 5 hàng năm là mùa bướm ở rừng Cúc Phương sinh sản (Ảnh: Anh Mochi).

Từ ngoài cổng, du khách có thể đi xe tới bãi cắm trại rồi gửi xe tại đây với quãng đường dài hơn 10km. Dù biết đi vào ngày lễ sẽ đông nhưng vị khách 25 tuổi không ngờ lại đông quá sức tưởng tượng.

Ở khu vực cổng vào, anh Hồng quan sát thấy chỉ có một vài đàn bướm nhỏ bay lượn với số lượng không nhiều. Bởi vậy, cả hai đỗ xe ở khu cắm trại rồi tiếp tục đi bộ thêm 1-2km vào sâu thêm bên trong, nhưng cũng không thấy bướm. Trong khi đó, dòng người đổ về mỗi lúc một đông hơn, tạo ra bầu không khí ngột ngạt dù đang ở trong rừng.

Do thời tiết oi nóng lại thêm lượng người quá lớn, cặp đôi trẻ quyết định không đi thêm nữa mà ra ngoài tìm chỗ nghỉ ngơi ăn uống. Họ dừng tại một cửa tiệm, hỏi mua nước uống, nhưng chủ quán cho biết chỉ nhận tiền mặt vì ở đây không có sóng điện thoại.

“Khu vực chúng tôi đứng cách bên ngoài cổng khoảng 15km nên không có sóng điện thoại và không thể chuyển khoản. Trong khi đó từ trước giờ tôi và bạn gái vẫn có thói quen ra ngoài đường không mang tiền mặt, chỉ cầm điện thoại quét mã vạch cho nhanh gọn”, Hồng nói.

Bữa cơm giá 250.000 đồng của cặp đôi trong rừng (Ảnh cắt từ clip).

Thấy cặp đôi trẻ có vẻ bối rối, một vị khách đứng gần đó ngỏ ý sẽ cho họ 100.000 đồng để mua nước uống. Sau đó, chị cho thêm 200.000 đồng vì biết cả hai định ăn uống thêm chút đồ.

Như gặp được quý nhân, Hồng vui vẻ nhận số tiền và xin vị khách số điện thoại để lát nữa ra ngoài có sóng điện thoại sẽ chuyển khoản để gửi trả.

“Chủ quan nghĩ rằng đi đâu cũng có thể chuyển khoản cho tiện nên suýt nữa cả hai chúng tôi phải đói khát quay về. Vụ lần này khiến tôi nhớ đời, rút kinh nghiệm ra ngoài phải có sẵn ít tiền mặt cho an tâm”, chàng trai 25 tuổi nói.

Khi dừng lại ăn tạm một quán trong rừng, cả hai bất ngờ vì đĩa thịt chỉ gồm 3 xiên lợn nướng giá 150.000 đồng, cơm canh cua cà muối 70.000 đồng và một lon nước ngọt 30.000 đồng. Theo anh Hồng, mức giá này đắt đỏ hơn bình thường. Nhưng anh cho rằng có thể do việc vận chuyển thực phẩm vào sâu trong rừng khá vất vả nên vẫn chấp nhận được.

Du khách chụp ảnh cùng đàn bướm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ra ngoài bìa rừng, khi nhận được sóng điện thoại, anh gọi điện cảm ơn ân nhân ban nãy rồi xin số tài khoản gửi trả. Sau chuyến đi “nhớ đời”, Hồng cho biết anh vẫn muốn quay lại rừng Cúc Phương vào thời điểm này năm sau.

“Rừng Cúc Phương là điểm đến rất đẹp, nhiều cây cối mát mẻ để mọi người tới tham quan cắm trại. Tuy nhiên tôi sẽ tránh đi vào cuối tuần, lễ Tết. Và quan trọng nhất, ở những nơi xa xôi như đồi núi, rừng sâu, du khách nhớ phải có sẵn tiền mặt”, anh cho biết.

Khoảng cuối tháng 4 hàng năm, rừng Cúc Phương lại bước vào mùa sinh sản của loài bướm. Đây là thời điểm hàng triệu cánh bướm trắng, vàng bay rợp trời.

Hiện rừng có hơn 400 loài bướm với đủ màu sắc kích cỡ. Mùa bướm kéo dài tới cuối tháng 5.

Kinh nghiệm săn bướm của du khách là nên đổ chút nước ngọt hoặc nước muối xuống đất, bướm sẽ tụ lại nhiều hơn.

Để ngắm đàn bướm, du khách nên chọn đi ngày nắng thường bắt gặp số lượng nhiều, chụp ảnh đẹp hơn.

Gia đình trẻ tới đây có thể đưa con tới khu vực cắm trại để trải nghiệm. Từ cuối tháng 4 tới giữa tháng 5, vào buổi tối trong rừng còn có đom đóm.

Giá vé tham quan là 60.000 đồng/người lớn, 10.000 đồng với trẻ từ lớp 1 đến lớp 11. Trẻ dưới 6 tuổi được miễn phí.