Nguyễn Đức Huy (29 tuổi, quê ở Hà Nội) đi du lịch Thái Lan hơn chục lần, nhưng chưa bao giờ anh trải nghiệm không khí sôi động của lễ hội té nước truyền thống Songkran.
Trước kia, lễ té nước Thái Lan trùng với thời điểm thu hoạch vụ mùa nên người dân sáng tạo ra các hoạt động để thư giãn, tạo điều kiện giúp người trẻ giao lưu, té nước giải nhiệt vào mùa nóng tháng 4.
Sau này, Songkran mang tính lan tỏa cộng đồng cao, trở thành một trong những lễ hội hút khách nước ngoài bậc nhất ở Thái Lan. Người dân tin rằng ai được té càng nhiều nước lên người, sẽ gặp nhiều may mắn.
“Thái Lan là nơi tôi có thể đi cả chục lần không chán. Mỗi lần tôi lại đi một tỉnh thành khác nhau. Lễ té nước Songkran là ngày Tết truyền thống của người Thái nhưng tôi chưa bao giờ đi vì nhiều nỗi lo.
Tôi từng nghe một số người cảnh báo đi du lịch đúng dịp này có thể bị tắc đường, không có cửa tiệm bán đồ ăn vì hầu hết mọi người đều về quê ăn Tết. Nhưng vì háo hức muốn trải nghiệm nên lần này tôi quyết tâm lên đường”, Huy nói.
Do đi nhiều lần nên chàng trai Hà Nội không còn lạ lẫm gì ở đất Thái. Tuy nhiên, điều khiến anh ngạc nhiên nhất là không ít du khách tới Thái Lan nhưng vẫn bối rối chưa nắm rõ lịch lễ té nước năm nay sẽ diễn ra thời điểm nào.
“Thậm chí tôi hỏi cả người Thái nhưng họ cũng không biết chính xác thời gian, địa điểm. Lịch trình của tôi diễn ra vào 11/4 đến 13/4 do nắm được thông tin chính xác”, Huy nói.
Được biết, hầu hết các nguồn tin được anh tìm kiếm từ Tổng cục Du lịch Thái Lan và được văn phòng tại TPHCM hỗ trợ giải đáp các thắc mắc.
Huy xuất phát từ TPHCM một mình. Khi anh tới Bangkok đã có nhóm bạn bay từ Hà Nội sang. Mỗi ngày ở đây, cả nhóm lại làm quen thêm nhiều nhóm bạn người Việt mới nên nhập hội, cùng nhau trải nghiệm cho vui.
Huy lưu ý nên để hộ chiếu tại khách sạn để tránh bị làm ướt. Anh mua súng nước tại cửa tiệm địa phương với giá từ 500 đến 1.000 baht (345.000 đồng – 690.000 đồng). Tại một số điểm công cộng, nước được lấy miễn phí. Nhưng cũng có nơi du khách mỗi lần nạp nước vào súng hết 10 baht/lần (7.000 đồng).
Và không khí sôi động của lễ hội té nước khiến vị khách Hà Nội choáng ngợp. Thậm chí anh thấy mọi thứ náo nhiệt và sôi động hơn so với những gì tưởng tượng.
Cả nhóm háo hức hòa mình vào dòng người đông gần như chật kín quảng trường Sanam Luang trong tâm thế có thể bị ướt sũng người bất cứ lúc nào.
“Tôi nhớ mãi khoảnh khắc vào ngày 11/4 tại quảng trường Sanam Luang. Lúc đó khoảng 20h30, khi các đoàn biểu diễn đi qua cũng là lúc Phạm Băng Băng xuất hiện. Cô ấy mặc trang phục truyền thống của người Thái, được trang điểm như nữ thần.
Ngoài đời, nữ ngôi sao người Trung Quốc trẻ đẹp hơn tuổi thật và rất thần thái. Đoàn xe đi tới đâu, du khách lại hò reo phấn khích tới đó. Phạm Băng Băng rất thân thiện, vẫy tay chào tất cả. Còn tôi thấy bản thân rất may mắn khi kịp ghi lại khoảnh khắc không quên này”, Huy chia sẻ.
Sau khi biết Huy được tận mắt thấy nữ diễn viên “Võ Tắc Thiên” ngoài đời thực, nhiều du khách đã tới quảng trường Sanam Luang vào ngày hôm sau (12/4) với hy vọng có thể gặp lại cô thêm lần nữa. Nhưng rất tiếc điều này không xảy ra. Thay vào đó lễ hội vẫn tiếp diễn với nhiều hoạt động rất phong phú.
Cũng sang Thái Lan dịp này, Minh Hà và nhóm bạn lần đầu tiên dự lễ té nước nên chưa có nhiều kinh nghiệm.
Vừa bước chân ra khỏi khách sạn không lâu, nhóm khách Việt bị choáng ngợp trước dòng người đông đúc và bị cuốn đi lúc nào không hay. Sau đó, một bạn nữ trong nhóm bị tách ra khỏi đoàn. Tiếp đó, cô gái bị hàng chục súng phun nước bắn thẳng vào người.
“Cô bạn của tôi hơi hoảng vì chưa bao giờ bị ướt từ đầu tới chân như vậy. Do không tính trước nên cả nhóm không đeo kính chắn nước nên bị ướt nhòe nhoẹt không nhìn thấy gì. Nhưng không khí xung quanh rất sôi động. Mọi người đều hò hét vui vẻ, không phân biệt giới tính, quốc gia”, Minh Hà nói.
Tuy nhiên cô gái Bắc Ninh không quên lưu ý giữa đám đông hỗn loạn, du khách rất dễ bị những người xa lạ sờ chạm lên người. Với những hành vi bị quấy rối tình dục, du khách có thể liên lạc ngay với cảnh sát nhờ hỗ trợ.
Mặc dù Thái Lan thời điểm này rất đông khách du lịch nhưng đoàn khách Việt nhận thấy không xảy ra hiện tượng chặt chém. Mức giá so với những lần Huy tới Thái Lan trước kia đều không chênh lệch nhiều dù lúc này là mùa cao điểm của lễ hội.
Để di chuyển, Huy cài trước app gọi xe công nghệ hoặc đi bằng phương tiện công cộng. Giá cả khách sạn và dịch vụ ăn uống cũng không bị đội giá. Tổng chuyến đi 3 ngày của anh hết khoảng 7 triệu đồng, trong đó chi phí máy bay gần 4 triệu, khách sạn 3,5 triệu đồng cho 3 người, còn lại là tiền ăn uống.